Bài cuối: Cốt lõi là nâng cao chất lượng sản phẩm
Phát triển theo thế mạnh đặc thù của từng vùng đất và lấy công nghệ cao làm bước đột phát, tạo ra nhiều loại nông sản chất lượng cao là cốt lõi trong hướng đi của nông nghiệp Hà Nội hiện nay. Với định hướng này, Nông nghiệp Hà Nội sẽ giải quyết ổn thỏa bài toán thị trường tiêu thụ nông sản của Thủ đô và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Nhãn chín muộn, loại quả xuất khẩu của Hà Nội cho giá trị cao. Ảnh: Linh Ngọc
Phát triển theo thế mạnh, đặc thù
Từ những đặc thù của nông nghiệp Hà Nội, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng: Đối với xuất khẩu nên tập trung vào cây ăn quả, hoa và dược liệu… bởi phù hợp với điều kiện quỹ đất, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cao của Hà Nội.
Về hướng phát triển của Nông nghiệp Thủ đô thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Hà Nội xác định cây ăn quả, lúa chất lượng cao, dược liệu, hoa chất lượng cao sẽ là những mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt. Đó cũng là những mặt hàng có thế mạnh để xuất khẩu.
Cụ thể, Hà Nội sẽ phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao tại các huyện: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh; phấn đấu đến hết năm 2020 có 55.000-60.000ha sử dụng hạt giống cấp nguyên chủng. Với hoa, cây cảnh diện tích gieo trồng sản xuất từ 6.500 đến 7.000ha, trong đó 3.000ha sản xuất chuyên canh tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ và quận Bắc Từ Liêm…
Với cây ăn quả, tập trung tại các vùng đồi gò, vùng đất bãi và một số vùng chuyển đổi. Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có khoảng 1.384,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu ở Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ..., hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Tuy nhiên, không phải bất cứ cây ăn quả hay sản phẩm gạo chất lượng nào cũng được tính để xuất khẩu. Với cây hoa, Hà Nội sẽ chọn cúc, hoa lan, hoa hồng…; với cây ăn quả sẽ là nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy mô; với lúa là giống Japonica”. - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho hay.
Dựa trên định hướng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết: "Huyện Ba Vì sẽ tập trung đầu tư cho chuối nuôi cấy mô. Hiện nay, toàn huyện có gần 600ha trồng chuối. Trong đó, chuyên gia Nhật Bản đã về khảo sát, chuyển giao công nghệ trồng chuối nuôi cấy mô khép kín tại xã Chu Minh với 10ha. UBND huyện đang phối hợp với ngành Nông nghiệp để xây dựng thương hiệu, hoàn thành các thủ tục về mã vùng để hướng tới xuất khẩu…”.
Lấy khoa học công nghệ làm đột phá
Theo Quyết định số 437/QĐ-UBND của UBND thành phố về Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố giai đoạn 2019-2020 (ngày 21-1-2019), mục tiêu của ngành Nông nghiệp được đề ra rất rõ, đó là phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, dù cung ứng trong nước hay xuất khẩu thì chất lượng sản phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, Hà Nội cũng là một thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao, do đó, bài toán chất lượng nông sản là giải pháp cho cả thị trường xuất khẩu và nội đô.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu bứt phá…
Minh chứng cho điều này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng chia sẻ, lấy công nghệ, khoa học làm giải pháp, Chương Mỹ đã thu được nhiều thành công như phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 5.000ha, vùng bưởi Diễn VietGAP với diện tích 500ha… Hiện nay sản phẩm gạo hữu cơ của xã Đồng Phú, hoa lan của Hợp tác xã Hoa cây cảnh Thụy Hương… đã có thể xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã có cơ chế thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học trong nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho hay, từ việc có chính sách hỗ trợ phù hợp, đến nay huyện đã có 4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 51,7ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành được 6 chuỗi liên kết sản phẩm rau, hoa, thịt...
Để định hướng tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp… thẩm thấu nhanh trong đời sống, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho hay: UBND thành phố đã có Kế hoạch số 193/KH-UBND về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội. Theo đó, đến cuối năm 2020 Hà Nội sẽ có từ 1 đến 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, khu trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản. Cùng với đó là việc hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông, lâm, thủy sản tại các địa phương: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Đông Anh... Thành phố cũng sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại… đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…
Với những mục tiêu, định hướng và giải pháp cụ thể, nông nghiệp Hà Nội có thể vững bước vươn ra thị trường thế giới và bảo đảm nguồn cung chất lượng cao cho thị trường nội đô. “Nông nghiệp Hà Nội sẽ không chạy theo số lượng mà lấy chất lượng làm đầu, đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững” - Giám đốc Chu Phú Mỹ khẳng định.