Bài cuối: Đánh giá đúng tiềm năng để có khát vọng phát triển xứng tầm
Với toàn bộ 17 huyện và 1 thị xã của Hà Nội, tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực còn vô cùng lớn nhưng hầu như vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Vì vậy, việc nhìn nhận, phân tích rõ các điểm nghẽn, đánh giá đúng các tiềm năng để tìm ra giải pháp phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu hết sức cần thiết đối với các huyện hiện nay.
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc:
Định hướng phát triển theo hướng xanh, hiện đại gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Để các huyện của Hà Nội phát triển bền vững cần định hướng quy hoạch, xây dựng nông thôn xanh, hiện đại, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hòa, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị. Khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.
Xác định một số khu vực nông thôn còn giữ được các nét truyền thống của văn hóa Bắc Bộ, tập trung nhiều di tích để có phương án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ví dụ như cần phải làm thế nào đó để phát huy bản sắc văn hóa xứ Đoài ở các huyện Đan Phượng - Phúc Thọ - Sơn Tây - Ba Vì trong tổng thể quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Đặc biệt, cần tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng đối với khu vực đậm nét văn hóa xứ Đoài này. Hay tại khu vực các huyện phía Nam gồm Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai là vùng có di tích đậm đặc, nhiều các anh hùng kiệt xuất của dân tộc đều có liên quan đến vùng đất này. Do vậy trong quy hoạch phát triển cần phải tính đến kết nối giao thông thuận lợi để phát huy được các điều kiện sẵn có về văn hóa. Có như vậy mới làm tốt việc bảo tồn văn hóa, từ đó phát triển công nghiệp văn hóa, làm nền tảng phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, quy hoạch, quản lý xây dựng các làng xã để vừa giữ gìn được nét văn hóa cổ, giàu bản sắc, vừa có khu phát triển hiện đại, văn minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Định hướng xây dựng nông thôn mới tiệm cận tiêu chuẩn đô thị, đặc biệt hệ thống hạ tầng, bảo vệ môi trường, đặc trưng là khu vực nông thôn của Thủ đô. Quy hoạch, phát triển các làng nghề có giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị kinh tế. Hình thành các không gian phát triển sản xuất nghề, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch độc lập với khu ở, bảo đảm sạch, đẹp, không ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Xác định rõ mô hình để có định hướng phát triển phù hợp
Theo Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch vùng huyện và liên huyện là một thành phần của Quy hoạch tích hợp. Tuy nhiên, hiện nay đối với các huyện, thị xã của Hà Nội, việc xác định phương án quy hoạch phát triển còn đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Trong đó, có những huyện gần như đang đứng giữa ngã ba đường trong việc xác định phương án phát triển. Vì hiện có đến 3 loại hình huyện được định hướng gồm: các huyện được lên quận vào giai đoạn 2025 – 2030; những huyện ổn định sau năm 2030; và một số huyện sẽ là vùng ngoại thành của các TP trực thuộc Thủ đô.
Do đó, trong phương án quy hoạch phát triển vùng huyện, vùng liên huyện, cần phân loại rõ 3 loại hình huyện này để phân tích rõ thực trạng, từ đó đưa ra định hướng mô hình phát triển phù hợp về không gian, kiến trúc cảnh quan, mô hình chính quyền quản lý, mô hình phát triển kinh tế, dân số, nhu cầu về đất đai, tỷ lệ đô thị hóa, mô hình TOD, quy hoạch không gian ngầm… Đặc biệt, trong định hướng phát triển các huyện cần chú trọng bố trí, sắp xếp tổ chức không gian hệ thống 12 thị trấn sinh thái và 9 thị trấn mới thành lập không chỉ trung tâm, động lực phát triển của các huyện mà còn là cửa ngõ của Hà Nội với vùng.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn: Định hình rõ không gian phát triển cho từng lĩnh vực
Trong xây dựng phương án quy hoạch phát triển các huyện, đề nghị đơn vị tư vấn cần rà soát, đánh giá kỹ hiện trạng các ngành, lĩnh vực tại các huyện, nêu đầy đủ đặc trưng, đặc điểm của từng địa phương, cập nhật dữ liệu mới, chính xác.
Bên cạnh việc phân tích nêu ra các điểm nghẽn khi thực hiện theo quy hoạch, khi đề xuất ý tưởng, định hướng mới cần có nghiên cứu kế thừa từ Quy hoạch xây dựng chung các huyện đã được phê duyệt từ năm 2015 những vấn đề gì cần lưu giữ và cái gì cần định hướng mới. Riêng đối với những đề xuất ý tưởng và định hướng phát triển huyện Quốc Oai, cần định hình rõ không gian phát triển, phân khu, phân vùng cho từng lĩnh vực như đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp...
Hiện huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng huyện, trong đó đã khảo sát, đánh giá hiện trạng địa hình, địa vật đối chiếu với quy hoạch xây dựng chung để đưa ra ý tưởng quy hoạch, phát triển vùng huyện.
Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Về đề xuất, mong muốn của huyện Quốc Oai sẽ là phát triển đô thị theo hướng sinh thái gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên khi phát triển đô thị, cần tính đến kết nối hạ tầng khu dân cư cũ với khu dân cư mới tạo sự đồng bộ; đồng thời, nghiên cứu thêm đặc trưng của vùng sông Tích và sông Đáy, có giải pháp cho vấn đề thoát lũ thì hoàn toàn có thể phát triển đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch. Về hạ tầng giao thông cần phát triển kết nối với các huyện lận cận và các trục giao thông lớn của TP.
Về phát triển công nghiệp, công nghệ cao, logictic cần xác định rõ quy mô và vị trí của các khu công nghiệp phát triển thêm để thu hút được đầu tư hiệu quả.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh: Phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện đề xuất định hướng phát triển
Việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP. Không chỉ ở các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp do lãnh đạo TP trực tiếp chủ trì, mà lãnh đạo Thành ủy, UBND TP còn trực tiếp điều hành và chủ trì nhiều hội thảo nhằm tiếp thu các ý kiến gợi ý phát triển Thủ đô nói chung, lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng của các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, DN, người dân trên địa bàn.
Cụ thể, tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã trực tiếp chủ trì 18 cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã cho phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Với tinh thần vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm, Viện cùng các đơn vị tư vấn thu thập các thông tin, số liệu hiện trạng từ các sở, ngành, quận, huyện để có phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương sớm nhất có thể; đồng thời cũng tiếp xúc với hệ thống bản đồ nền từ Bộ TN&MT nhằm phục vụ cho việc vẽ bản đồ quy hoạch sau này.
Sau chuỗi hội thảo, tọa đàm với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng các chuyên gia lấy ý kiến góp ý cho phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, Viện đang cùng Liên danh tư vấn hoàn thiện dự thảo lần 1 Báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đưa ra xin ý kiến các bộ, ngành…
Tuy nhiên, để phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, nêu bật được khát vọng phát triển của mỗi địa phương, thời gian tới các UBND các huyện, thị xã cần tiếp tục phối hợp với Viện và đơn vị tư vấn hoàn thiện các báo cáo đề xuất định hướng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.