Bài cuối: Đầu tư cho R&D và đổi mới công nghệ tác động tích cực tăng trưởng kinh tế
TS. Phạm Thu Hiền. Sự gia tăng đầu tư cho R&D không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP mà còn có tác động gián tiếp bằng cách kích thích sự thay đổi cơ cấu thông qua cải thiện kỹ năng và nguồn nhân lực. Phần lớn đầu tư cho R&D ở Việt Nam là vào đào tạo và giáo dục, đồng thời tăng cường cải tiến các quy trình hoặc công nghệ thông qua việc thích ứng và sao chép.
Các nỗ lực đổi mới công nghệ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp
Theo thời gian, vai trò của R&D ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đây cũng là những thay đổi phù hợp với mức độ phát triển của Việt Nam khi các tổ chức và doanh nghiệp đang tiến tới tiếp thu và thích ứng với các công nghệ phức tạp, thay đổi nhanh trong các ngành công nghệ cao. Cần phải hài hòa và phối hợp các chính sách về đổi mới công nghệ và thúc đẩy R&D, vì giữa chúng có mối quan hệ phụ thuộc. Xây dựng chiến lược và triển khai Công nghiệp 4.0 là một trong những cách để kết nối đổi mới công nghệ với chi tiêu cho R&D và tạo cú hích cho phát triển kinh tế.
Nhìn chung, có thể phân chia các hoạt động phát triển công nghệ của doanh nghiệp ở Việt Nam thành bốn cấp độ cơ bản sau:
Cấp độ 1, mua sắm và vận hành dây chuyền thiết bị, công nghệ đồng bộ: ở cấp độ này, với năng lực công nghệ còn hạn chế, các doanh nghiệp tiếp thu công nghệ chủ yếu thông qua nhập khẩu trọn gói dây chuyền thiết bị, công nghệ bao gồm cả máy móc, quy cách sản phẩm, bí quyết know-how và chuyên gia kỹ thuật. Các dây chuyền thiết bị, công nghệ có được trong mức độ này thường đã được tiêu chuẩn hóa và đơn giản, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động. Các doanh nghiệp chủ yếu hướng đến vận hành công nghệ một cách có hiệu quả dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài.
Cấp độ 2, hấp thụ, đồng hóa công nghệ nhập: năng lực doanh nghiệp ở cấp độ này chủ yếu là bắt chước, sao chép các sản phẩm tiêu chuẩn hóa của nước ngoài. Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng chuyển giao công nghệ không chính thức như giải mã công nghệ hoặc dịch chuyển lao động thông qua liên kết thuận ngược giữa các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia.
Quá trình đổi mới công nghệ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải từng bước phát triển năng lực nội tại của mình để hấp thụ các công nghệ nhập khẩu và thực hiện nội địa hóa công nghệ. Đổi mới, trong mức độ này, chủ yếu liên quan đến các nỗ lực đột phá bao gồm cải tiến các quy trình cơ bản và nâng cấp nhỏ đối với máy móc thông qua một số ít các hoạt động R&D chính thức.
Cấp độ 3, thích nghi, làm chủ công nghệ: cấp độ này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động R&D và bắt đầu phát triển các năng lực phức tạp hơn, đặc biệt là về chất lượng. Thích nghi và làm chủ công nghệ một cách sáng tạo để ứng dụng vào các ngành công nghiệp khác là một số hình thức đổi mới công nghệ ở cấp độ này. Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vẫn là nguồn lực chính để phát triển công nghệ. Ở cấp độ vĩ mô, R&D trong các doanh nghiệp tư nhân cũng trở nên quan trọng hơn và đóng góp ngày càng nhiều vào các đầu tư R&D của quốc gia. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới trong các doanh nghiệp tư nhân cũng như phát triển hệ thống nghiên cứu phát triển chất lượng cao và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai bên.
Cấp độ 4, sáng tạo công nghệ và phát triển các công nghệ mới nổi
Dần dần các doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực để tiếp cận được công nghệ ở đường biên công nghệ và đổi mới sáng tạo ra các công nghệ mới có thể thách thức các doanh nghiệp ở các nước phát triển. Ở cấp độ này, các doanh nghiệp tham gia sâu vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, thiết kế và kỹ thuật có liên quan để ứng dụng các công nghệ không thể mua được từ nước ngoài và đưa ra các sản phẩm/quy trình mới có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp này sẽ trở thành nền tảng năng lực và công nghệ cốt lõi cho nền kinh tế. Và khi một số lượng đáng kể các doanh nghiệp đạt đến mức độ này, các quốc gia có thể chuyển sang mức độ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khi mà sáng tạo công nghệ là nguồn tăng trưởng và R&D nội sinh là động lực của nền kinh tế.
Tăng cường đổi mới công nghệ phát triển bền vững
Trong một quốc gia, do cơ cấu sản xuất không đồng nhất, các mức độ khác nhau về khả năng tiếp thu công nghệ có thể cùng tồn tại giữa các ngành hoặc thậm chí giữa các doanh nghiệp trong một lĩnh vực. Các doanh nghiệp với trình độ, nguồn lực khác nhau sẽ áp dụng các mô hình khác nhau trong ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ.
Quy mô hoạt động cũng ảnh hưởng, tác động đến quan điểm của doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ. Cụ thể là, các doanh nghiệp lớn có xu hướng sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao trong khi các doanh nghiệp nhỏ sản xuất các sản phẩm đơn giản hơn hoặc sử dụng công nghệ thấp hơn. Vấn đề này cũng giải thích sự khác biệt về hành vi công nghệ giữa hai nhóm doanh nghiệp. Chính vì thế ở mỗi quốc gia luôn tồn tại song song các ngành/doanh nghiệp ở các mức độ phát triển công nghệ khác nhau trong bất kỳ giai đoạn phát triển công nghệ nào.
Tóm lại, năng lực hấp thụ công nghệ quyết định mô hình và các hoạt động đổi mới và sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp và giai đoạn phát triển công nghệ của đất nước được xác định bởi trình độ mà phần lớn doanh nghiệp của đất nước này đang hoạt động. Trọng tâm của mỗi quốc gia trong phát triển công nghệ là khác nhau ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Đối với các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc đổi mới công nghệ có thể có lợi thế lớn hơn cho sự phát triển nhanh chóng của họ. Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ và tích lũy công nghệ, các doanh nghiệp nên chuyển dần từ dựa vào ứng dụng, đổi mới công nghệ sang theo đuổi R&D độc lập để đạt được sự phát triển bền vững và ổn định.
Từ phân tích trên, có thể thấy rằng để đạt được sự phát triển bền vững và ổn định cần có các chính sách cụ thể như: tăng cường đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất kỹ thuật giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy R&D và các ngành công nghiệp mới nổi để nâng cao đường biên công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; và phát triển các công cụ chính sách và cơ chế thực hiện để điều phối tổng thể và tăng cường các nỗ lực phát triển công nghệ.