Bài cuối: Để 'ngọn lửa' nhiệt huyết cháy mãi
Tăng cường sức mạnh cho “cánh tay đắc lực của Đảng” vùng biên giới:
>>>Bài 1: Vắng đoàn viên tổ chức đoàn không thể mạnh
>>>Bài 2: Khó khăn trong phát triển Đảng
LCĐT - Trong hành trình đến với khu vực vùng biên, được lắng nghe chia sẻ của chính những người trong cuộc, chúng tôi thêm hiểu tuổi trẻ luôn có “ngọn lửa” nhiệt huyết và đam mê cống hiến. Việc đoàn viên, thanh niên phải ly hương mưu sinh chỉ là bất đắc dĩ, bởi thế rất cần có những giải pháp để níu chân họ ở lại quê nhà.
“Kéo” thanh niên về làng
Chia sẻ nguyên nhân đoàn viên, thanh niên rời quê đi làm ăn xa, đồng chí Phạm Đức Minh, Bí thư Huyện đoàn Si Ma Cai cho rằng: Sâu xa nhất vẫn là áp lực về việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế, nên nhiều đoàn viên, thanh niên rời bỏ quê hương đi tìm cơ hội lập nghiệp nơi đất khách. Thời gian qua, địa phương cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp giữ chân lớp trẻ, như mở các lớp ngắn hạn đào tạo việc làm và giới thiệu việc làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên, hỗ trợ vốn vay tạo cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Năm 2019, vì kinh tế khó khăn đoàn viên Sùng Seo Sếnh, thôn Hòa Bình, xã Sán Chải (Si Ma Cai) và vợ gửi con nhờ ông bà trông rồi về tỉnh Hải Dương làm việc trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Công việc “căng như dây đàn” từ sáng sớm đến tối mịt hai vợ chồng mới có thu nhập 14 triệu đồng, chắt bóp chi tiêu cũng để dành được 10 triệu đồng/tháng. Anh Sếnh tâm sự: “Nhà mình có 1 ha đất vườn, rừng nhưng chủ yếu là núi đá, nên chẳng canh tác được nhiều. Những năm được mùa cũng thu vài chục bao ngô, bao thóc đủ lương thực cho người và chăn nuôi một vài con gia cầm. Nhưng càng ngày thời tiết càng khắc nghiệt, mưa đá, hạn hán nhiều, nên sản lượng thấp. Cực chẳng đã hai vợ chồng mới phải đi làm ăn xa, mong có chút vốn liếng”. Và rồi sau một năm vất vả, anh Sếnh cũng dành dụm được hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy không đâu bằng quê mình, anh Sếnh quyết định về lập nghiệp tại quê hương. Cùng với sự động viên, hướng dẫn kỹ thuật của các cấp bộ đoàn, đầu năm 2020, anh Sếnh đầu tư nuôi lợn đen, đến nay đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, gần Tết Nguyên đán sẽ xuất chuồng. Anh Ly Seo Dế, Bí thư Đoàn xã Sán Chải cho biết: “Hầu hết các đoàn viên trong xã đi làm ăn xa đều xác định chỉ 1-2 năm rồi về lập nghiệp tại quê hương giống như anh Sếnh. Bởi vậy mà mỗi khi các đoàn viên có kế hoạch lập nghiệp đoàn xã, chi đoàn thôn đều tư vấn nhiệt tình, giúp đỡ ngày công để ước mong của các bạn đoàn viên sớm hoàn thành”.
Để “níu chân” các đoàn viên, thanh niên, các cơ sở đoàn của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động sát thực như: Thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo sở thích, giúp nhau phát triển kinh tế; tư vấn, giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên; hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp; tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng… Trong đó, các cấp bộ đoàn chú trọng việc lan tỏa phong trào khởi nghiệp, coi đây là phương án tối ưu, là “tháo nút thắt” tình trạng đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa. Với các xã vùng biên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng Kế hoạch số 09-KH/TĐTN ngày 19/1/2018 về việc giúp đỡ các xã biên giới tỉnh Lào Cai. Sau 3 năm thực hiện, đến nay các cấp bộ đoàn đã thành lập và duy trì 9 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện với 120 thành viên, 439 mô hình kinh doanh hộ cá thể, 16 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, giúp đỡ 451 hộ đoàn viên, thanh niên nghèo về vốn, con giống, cây giống, tổng giá trị trên 3,3 tỷ đồng. Trong đó, tại địa bàn các xã biên giới, các cấp bộ đoàn đã tổ chức trên 100 hoạt động giúp đỡ, huy động xã hội hóa 4,3 tỷ đồng, thu hút 8.488 đoàn viên, thanh niên tham gia hưởng ứng.
“Kéo đoàn viên, thanh niên về làng” vừa là chủ trương, vừa là hoạt động được đẩy mạnh của các cấp bộ đoàn tỉnh Lào Cai trong thời gian vừa qua. Đây cũng là giải pháp tích cực để gỡ khó cho công tác phát triển Đảng nói chung, công tác phát triển Đảng trong đoàn viên nói riêng. Trong 3 năm qua, các cấp bộ đoàn tỉnh đã mở 138 lớp cảm tình Đảng, giới thiệu cho Đảng 6.923 đoàn viên, thanh niên ưu tú, trong đó có 4.038 đoàn viên ưu tú được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Sáng tạo trong huy động nguồn kinh phí
Còn nhớ trong dịp công tác tại xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) 1 năm về trước, Bí thư Đoàn xã Sùng Seo Trang phấn khởi khoe về chi đoàn “giàu” nhất xã của mình, đó là Chi đoàn thôn Tả Gia Khâu. Nghe nói hôm nay là ngày các đoàn viên sơ kết mô hình, tôi theo chân anh Trang đến thăm. Phía trái của một ngôi nhà nhỏ, ba, bốn người đang cùng bắt chó vào cũi. Ba chú chó béo mầm, nung núc thịt. Nhìn chiếc cân quay tít mù rồi dừng ở con số gần 70 kg, ai cũng phấn khởi. Hỏi ra thì được biết đây là tài sản của chi đoàn, là cách mà các đoàn viên vùng khó tự tạo kinh phí cho mình. Từ năm 2017, với số tiền 500 nghìn đồng được cấp cho hoạt động trong 1 năm, các thành viên trong chi đoàn đã cùng nhau thống nhất thực hiện mô hình nuôi chó thịt. Với số tiền ban đầu, chi đoàn mua được 3 con chó con. Người trực tiếp nuôi dưỡng là Bí thư Chi đoàn thôn Sùng Seo Sừ, sau 6 tháng chăm sóc, thu lợi gần 4 triệu đồng. Bình quân mỗi năm 2 lứa, chi đoàn thu được hơn 7 triệu đồng. Miệng cười tươi, anh Sùng Seo Sừ chia sẻ: “Trước kia chưa thực hiện mô hình, chi đoàn rất chật vật trong nỗi lo không có kinh phí hoạt động. Từ khi thực hiện mô hình, hoạt động của chi đoàn sôi nổi hẳn lên”. Cùng chung câu chuyện tự tạo nguồn kinh phí hoạt động, Chi đoàn thôn Lũng Pô 1, xã A Mú Sung (Bát Xát) thực hiện mô hình tổ bốc vác chuối mô xuất khẩu, thu nhập 12 triệu đồng/năm. Một số đoàn cơ sở thực hiện tiết kiệm để dành kinh phí cho các hoạt động đoàn, cụ thể như việc tiết kiệm nguồn chi văn phòng phẩm và công tác phí bằng việc ứng dụng những tiện ích của công nghệ thông tin, mạng xã hội để thực hiện công tác thông báo, tuyên truyền trong đoàn viên.
Đồng chí Vũ Cao Minh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai chia sẻ: Đoàn viên, thanh niên ở đâu và thời đại nào cũng có nhu cầu, khát khao sống đẹp và nuôi dưỡng lý tưởng. Tổ chức được những hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc thù từng địa phương thì chắc chắn sẽ thu hút được đoàn viên tham gia tích cực. Khi họ được học hỏi và cống hiến, được rèn luyện kỹ năng sống thì việc tham gia phong trào đoàn sẽ chắc chắn trở thành nhu cầu tự thân của mỗi đoàn viên, thanh niên. Từ đó “cánh tay đắc lực của Đảng” sẽ ngày thêm vững vàng, khỏe mạnh.