Bài cuối: Địa phương có đặc thù

Khi Nghị quyết số 37-NQ/TW 'về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021' của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/UBTVQH14 'về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành thì huyện Si Ma Cai thuộc diện nghiên cứu, sắp xếp, sáp nhập.

Sáp nhập đơn vị hành chính - nhìn từ Si Ma Cai

>>> Bài 1: Yêu cầu khách quan

>>> Bài 2: Cần gỡ khó trong công tác cán bộ

Tuy nhiên, Si Ma Cai có những đặc thù rất rõ nét và đang được huyện, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét. Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai về nội dung này.

Trung tâm xã Si Ma Cai được quy hoạch bài bản.

Trung tâm xã Si Ma Cai được quy hoạch bài bản.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, huyện Si Ma Cai có phải là một địa danh đặc biệt?

Đồng chí Vũ Văn Cài: Địa danh Si Ma Cai đến nay vẫn lạ với nhiều người, lạ từ cách phát âm, số lượng từ trong tên gọi. Trải qua các thời kỳ, huyện Si Ma Cai có lịch sử khá đặc biệt. Năm 1966, huyện Bắc Hà được chia tách thành huyện biên giới Si Ma Cai và huyện Bắc Hà để thuận lợi cho công tác quản lý, phát triển địa phương.

Biến cố lịch sử trên tuyến biên giới năm 1979 khiến Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định sáp nhập huyện Si Ma Cai với huyện Bắc Hà trong năm 1979 để thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ.

Sau chiến tranh, tỉnh Lào Cai đã vận động nhân dân các dân tộc quay trở về quê hương ổn định đời sống và sản xuất, bảo vệ biên giới và đây cũng là quãng thời gian khu vực Si Ma Cai phát triển rất chậm. Lý do là huyện có địa hình khá biệt lập, chia cắt mạnh, phức tạp (nhiều núi đá cao, vực sâu), giao thông cực kỳ khó khăn, khoảng cách từ xã đầu huyện đến xã cuối huyện gần 200 km. Điều đó cho thấy việc hợp nhất huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà (trong thời bình) không hiệu quả, bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành, phạm vi vượt quá khả năng của chính quyền cấp huyện, khó đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới. Vì vậy, năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bắc Hà để tái lập huyện Si Ma Cai, đến nay đã được 19 năm. Từ khi tái lập, huyện Si Ma Cai có sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khá mạnh, trung tâm huyện đạt đô thị loại V, hạ tầng nông thôn được đầu tư ngày càng hoàn thiện, 5 trong tổng số 13 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phóng viên: Về địa lý, Si Ma Cai có gì đặc biệt, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Văn Cài: Ngoài 2 mặt giáp huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và Mã Quan (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thì Si Ma Cai còn có phía Tây giáp huyện Mường Khương và phía Nam giáp huyện Bắc Hà.

Huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương được xác định bởi dòng sông Chảy, địa hình giữa 2 đơn vị hành chính chia cắt mạnh với những dãy núi đá cao, vực sâu. Giao thông giữa 2 huyện đến nay chủ yếu sử dụng đường tuần tra biên giới và khó có thể xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên hoàn một cách thuận lợi.

Với huyện Bắc Hà, hệ thống giao thông giữa 2 huyện cũng rất khó khăn, Quốc lộ 4D là độc đạo nối 2 huyện lại có độ dốc lớn, khi mưa lớn, lũ ống rất dễ làm tắc nghẽn tuyến giao thông này. Cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 100 km, huyện vùng cao, biên giới Si Ma Cai được xếp vào khu vực khó khăn nhất và đang được hưởng chính sách ưu tiên đặc biệt.

Đồng chí Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai.

Đồng chí Vũ Văn Cài, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai.

Phóng viên: Để xác định là địa phương đặc thù thì những yếu tố trên là chưa đủ?

Đồng chí Vũ Văn Cài: Huyện Si Ma Cai có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, là khu vực phòng thủ quan trọng của tỉnh. Về chính trị, xã hội, Si Ma Cai có số người đi làm thuê ở Trung Quốc tăng nhanh (hiện khoảng 3.500 người, xấp xỉ 10% dân số toàn huyện) nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý xã hội. Thực trạng này cũng là nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, nhất là sự nổi lên của tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, mua bán người qua biên giới.

Về tôn giáo, dân tộc, huyện Si Ma Cai có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 90% (trong đó đồng bào Mông chiếm 78,85%). Yếu tố phong tục, tập quán dân tộc khiến tình trạng tảo hôn, sinh đông con, vệ sinh môi trường, di cư và hồi cư tự do… còn nhiều phức tạp. Đó cũng là đặc điểm để các thế lực thù địch, phần tử phản động lợi dụng lôi kéo người dân, kích động chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại Si Ma Cai, thế lực thù địch thường nhắm vào hoạt động truyền đạo trái pháp luật, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”… nhất là tại địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới.

Phóng viên: Về chủ trương của Trung ương, trong thời gian qua, cán bộ và nhân dân huyện Si Ma Cai đã đón nhận như thế nào, thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy?

Đồng chí Vũ Văn Cài: Một cán bộ ở cơ quan huyện vừa tâm sự với tôi rằng năm 2000, anh ấy đã phải tạm xa gia đình đang ở Bắc Hà (do tái lập huyện Si Ma Cai - PV) để nhận nhiệm vụ mới tại Si Ma Cai. Sau nhiều năm ổn định đời sống, anh ấy mới có điều kiện để chuyển gia đình lên Si Ma Cai, rồi cũng cần nhiều năm tích lũy, vay mượn mới làm được ngôi nhà kiên cố. Nhẩm sơ sơ, nhà xây dựng khoảng 1 tỷ đồng, tiền đất khoảng 700 đến 800 triệu đồng, vậy mà khi vừa có thông tin về việc sáp nhập đơn vị hành chính, người ta đã định giá nhà anh chỉ vài trăm triệu đồng. Đành rằng đó là câu chuyện của thị trường nhưng nó lại tác động trực tiếp đến kinh tế, đời sống và tâm tư của cộng đồng xã hội.

Qua nắm bắt tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đại đa số đều mong muốn huyện Si Ma Cai chưa thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2019 - 2021. Huyện Si Ma Cai hy vọng được giữ nguyên địa giới hành chính như hiện nay để địa phương có điều kiện thu hút, tập trung khai thác nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nâng cao mức sống của người dân, ổn định công tác dân tộc, tôn giáo, đảm bảo an ninh chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh.

Phóng viên: Trước tình hình đó, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Si Ma Cai hiện tại là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Văn Cài: Sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, Huyện ủy Si Ma Cai đã lãnh đạo các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tiếp tục tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhất là đối với các vấn đề lớn của dân tộc, quốc gia.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy đã trả lời phỏng vấn!

Cao Cường - Thành Phú - Mạnh Dũng (Thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-cuoi-dia-phuong-co-dac-thu-z62n20190902110215052.htm