Bài cuối: Đồng hành tháo gỡ khó khăn
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động của Quốc hội, tinh thần đồng hành, sẻ chia sâu sắc đối với những khó khăn doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt do tác động to lớn của đại dịch Covid-19, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách đã được lan tỏa và thể hiện khá rõ nét trong hoạt động của cơ quan dân cử các địa phương, nhất là những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Cùng với những quyết sách nhân văn kịp thời là tăng cường giám sát việc thực hiện nhằm bảo đảm chính sách được triển khai công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng.
Ảnh: T.Tùng
Luôn đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm
Ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, cộng đồng doanh nghiệp, người dân rất phấn khởi khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19.10.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đánh giá của đông đảo cử tri và Nhân dân, nhất là các doanh nghiệp, quyết sách nhân văn hết sức kịp thời này đã thể hiện sự sẻ chia sâu sắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những khó khăn doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt; kỳ vọng khi được triển khai thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng sẽ tạo ra “cú hích” vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau tác động to lớn của đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Kỳ họp thứ Nhất, giữa hai kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị ĐBQH đã tập trung làm việc ngày đêm, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh nhạy, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết rất quan trọng, cho phép Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện nhiều nội dung khác với quy định của luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều chính sách quan trọng, thiết thực huy động nguồn lực, hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do một Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách theo dõi và giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách; bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Minh bạch, không bỏ sót đối tượng
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động của Quốc hội, tinh thần đồng hành, sẻ chia sâu sắc đối với những khó khăn doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt do tác động to lớn của đại dịch, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách cũng đã được lan tỏa và thể hiện khá rõ nét trong hoạt động của cơ quan dân cử các địa phương, nhất là những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.
Theo đó, phát huy tinh thần đồng hành với thành phố và hết lòng vì Nhân dân Thủ đô, ngay sau khi có chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH ngày 6.8.2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng UBND thành phố rà soát, xem xét, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Ngày 13.8, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành đồng thời 3 nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng; đồng thời, đồng ý bố trí thêm 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn vay giúp khắc phục khó khăn do đại dịch.
Trước diễn biến phức tạp, lây lan rộng với mức nguy cơ rất cao của làn sóng thứ tư dịch Covid-19 trên địa bàn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tại Kỳ họp thứ 2 (ngày 12.8), cùng với thông qua một số nội dung hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho tiểu thương tại các chợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế phòng, chống dịch trên địa bàn… HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 12.8.2021, trong đó có nội dung giao Thường trực HĐND thành phố quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa hai kỳ họp. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND thành phố đã thống nhất ban hành kịp thời các chính sách bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn trên địa bàn, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Bên cạnh đồng hành với UBND trong phòng, chống dịch, Thường trực HĐND các địa phương cũng tăng cường tổ chức giám sát việc thực hiện nhằm bảo đảm chính sách được triển khai công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng, góp phần chia sẻ, hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cùng với tăng cường tổ chức các đoàn giám sát, việc tổ chức để cử tri trực tiếp đối thoại, gửi gắm những ý kiến, kiến nghị; hay tổ chức giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ đã, đang được Thường trực HĐND các địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Điển hình như Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ Nhất, HĐND thành phố Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức mới đây (ngày 13.10) theo hình thức trực tuyến, trong đó có nội dung trọng tâm là thảo luận, đánh giá hiệu quả các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và khôi phục, phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, các phản ánh, kiến nghị của cử tri đã được trả lời, làm rõ. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành tiếp tục quan tâm, rà soát các chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm không bỏ sót một đối tượng nào. Đồng thời, các cấp chính quyền lưu ý có phương án thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là các chứng từ liên quan trong việc cấp phát quà hỗ trợ; kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Hay, ngay sau khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã chuẩn bị tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp (dự kiến đầu tháng 11 tới) nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào: Việc triển khai thực hiện, hiệu quả mang lại của các chính sách hỗ trợ; những khó khăn, hạn chế, bất cập và giải pháp tháo gỡ; các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.