Bài cuối: Động lực cho phát triển của doanh nghiệp

Bài 1: Công nhân là đảng viên - tự hào và trách nhiệm

Phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, những sáng kiến cải tiến từ công nhân lao động (CNLĐ) còn mang lại thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống và tạo động lực gắn bó với DN lâu dài.

SÁNG KIẾN TỪ LAO ĐỘNG, SẢN XUẤT

Lao động sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện điều kiện làm việc. Những sáng kiến từ công nhân không chỉ giúp DN tối ưu hóa quy trình sản xuất, mà còn tạo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả hơn. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của DN và nâng cao đời sống người lao động.

Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Bằng Lao động sáng tạo năm 2024 cho các cá nhân có sáng kiến.

Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Bằng Lao động sáng tạo năm 2024 cho các cá nhân có sáng kiến.

Với tinh thần sáng tạo và trách nhiệm, anh Nguyễn Quốc Bảo, trợ lý tại Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã có sáng kiến giúp DN tiết kiệm hơn 140 triệu đồng mỗi năm. Anh Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ, nhận thấy các thớt máy chặt bán tự động thường xuyên hư hỏng, anh đề xuất giải pháp tái sử dụng bằng sơ mi ren rời, giảm đáng kể chi phí thay mới mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sáng kiến này không chỉ giúp công ty tối ưu ngân sách, mà còn nâng cao năng suất lao động, duy trì sản xuất ổn định. Nhờ những đóng góp nổi bật, anh Bảo được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2024.

Trong 5 năm qua, Tiền Giang có 87 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen; 210 cá nhân được LĐLĐ tỉnh Tiền Giang khen thưởng; 35 CNLĐ nhận Bằng khen UBND tỉnh Tiền Giang; 3 CNLĐ đoạt “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” năm 2023; 49 CNLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; 3 CNLĐ được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV năm 2023. Đặc biệt, Tiền Giang có 16.745 sáng kiến cập nhật vào Chương trình “1 triệu sáng kiến”, đạt 146,89% chỉ tiêu, trong đó có 1.776 sáng kiến từ CNLĐ.

“Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải khi thực hiện cải tiến là phải tìm hiểu nguồn nguyên vật liệu và làm đi làm lại nhiều lần để tìm cách khắc phục, giúp cho việc cải tiến đạt hiệu quả tốt nhất. Nhờ sợ hỗ trợ và giúp đỡ của các đồng nghiệp giúp tôi luôn tìm tòi và sáng tạo. Tôi rất vui và tự hào khi sáng kiến mình đề xuất được công nhận và áp dụng thực tế trong sản xuất. Đó cũng là nguồn động viên rất lớn để giúp tôi tiếp tục cố gắng đưa ra những sáng kiến khác” - anh Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Tương tự, anh Huỳnh Minh Cảnh, công nhân Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang), từ những ngày đầu làm việc, anh đã nhận thấy nhiều thiết bị trong nhà máy hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tiêu tốn nhiều năng lượng mà năng suất chưa đạt mức tối ưu.

Điều đó đã thôi thúc anh tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra những cải tiến phù hợp. Sau nhiều năm nỗ lực, anh đã đóng góp 2 sáng kiến quan trọng là: “Cải tiến lò luyện xưởng ống thẳng” và “Tiết kiệm năng lượng điện cho máy nén khí” giúp công ty tiết kiệm đến 904 triệu đồng chỉ trong vòng 1 năm (năm 2023).

Anh Cảnh chia sẻ, niềm đam mê với ngành tự động hóa giúp tôi luôn tìm cách nâng cao hiệu quả công việc. Tôi có động lực sáng tạo khi nhận thấy phương pháp cũ không còn tối ưu; đồng thời, sự tò mò và ham học hỏi thúc đẩy tôi khám phá ý tưởng mới. Tuy nhiên, việc thực hiện sáng kiến gặp nhiều khó khăn như: Sự phản đối, thiếu nguồn lực, rủi ro thất bại và áp lực thời gian.

“Để khuyến khích công nhân sáng tạo, người quản lý cần tiên phong đổi mới, lắng nghe và ghi nhận đóng góp. Doanh nghiệp nên tạo môi trường cởi mở, đảm bảo tâm lý an toàn và khen thưởng xứng đáng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đào tạo, cung cấp nguồn lực và tạo cơ hội giao lưu, học hỏi để công nhân mạnh dạn đề xuất ý tưởng”- anh Cảnh bày tỏ.

Những sáng kiến không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của CNLĐ. Ghi nhận những đóng góp đó, lãnh đạo công ty luôn quan tâm, đề ra các chính sách tạo điều kiện tốt nhất để người lao động yên tâm gắn bó và phát huy năng lực.

Anh Trần Văn Cưỡng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng cho biết, công ty và CĐCS luôn chú trọng khuyến khích lao động sáng tạo bằng việc xây dựng kế hoạch, quy chế hợp lý ngay từ đầu năm. CĐCS phối hợp DN phát động thi đua, thành lập tổ đánh giá sáng kiến gồm 5 thành viên (đại diện CĐCS và chủ quản sản xuất), định kỳ 3 tháng xét duyệt.

Các sáng kiến hiệu quả cao sẽ được gửi về Tập đoàn khen thưởng, các sáng kiến khác được công ty khen thưởng tùy theo đóng góp. Ngoài ra, CĐCS vận động đoàn viên thi đua tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy sáng tạo và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, biểu dương, khen thưởng kịp thời CNLĐ, đó cũng là động lực giúp đoàn viên, CNLĐ hăng say trong lao động, sản xuất.

NÂNG TẦM PHONG TRÀO THI ĐUA

Hằng năm, các CĐCS tham mưu Ban Giám đốc quy định tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng, thương lượng thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. Các phong trào thi đua được cụ thể hóa phù hợp với từng ngành nghề như: “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”, “Chương trình 5S trong sản xuất”...

Nhiều DN thực hiện tốt như Công ty CP May Công Tiến, Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam, Công ty TNHH Royal Foods… Qua phong trào, sản xuất đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người lao động, tạo nhiều sáng kiến giúp DN tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Nhiều CĐCS có cách làm hay trong phát động và khen thưởng sáng kiến như: Công ty TNHH Dụ Đức tặng Giấy khen, trao giải thưởng hằng tháng cho công nhân có ý tưởng cải tiến. Công ty TNHH Giày Apache Việt Nam thưởng quà hoặc tiền theo giá trị sáng kiến.

Công ty Cổ phần May Công Tiến có mức thưởng từ 50.000 - 500.000 đồng, tùy mức độ làm lợi cho DN và xét thưởng riêng cho sáng kiến trên 50 triệu đồng. Đặc biệt, Công ty CP May Công Tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp nhận sáng kiến qua Google Form và QR Code, giúp công nhân dễ dàng đăng ký cải tiến kỹ thuật. LĐLĐ tỉnh đang nhân rộng mô hình này nhằm khuyến khích sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí cho DN.

Đồng chí Lê Minh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang cho biết: “Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong khu vực DN thời gian qua có nhiều chuyển biến tốt, được các cấp, các ngành, DN quan tâm chỉ đạo và thực hiện chặt chẽ, kịp thời hơn. CNLĐ có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từ đó hưởng ứng nhiệt tình nên phong trào thi đua từng bước đi vào chiều sâu, gặt hái được kết quả tốt”.

Ngoài những chính sách được khen thưởng tại công ty, CĐCS, hằng năm, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đều tổ chức Hội nghị Tuyên dương công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu; trong đó có tuyên dương, tặng Bằng khen của LĐLĐ tỉnh cho những CNLĐ có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.

Đối với những CNLĐ có sáng kiến nhiều năm liền, sẽ được CĐCS giới thiệu cảm tình đảng và được chi bộ LĐLĐ cấp huyện, CĐ các Khu công nghiệp tỉnh kết nạp Đảng theo Đề án 03 ngày 28-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Kết quả, từ khi thực hiện đề án đến nay, đã có 131 đồng chí được kết nạp vào Đảng.

Để phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả to lớn hơn, đồng chí Lê Minh Hùng cho biết, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh và các cấp CĐ trong tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong CNLĐ và đến từng DN; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác thi đua - khen thưởng tới cán bộ CĐCS, đoàn viên, CNLĐ.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202504/cong-nhan-tien-giang-tu-tin-sang-tao-trong-lao-dong-bai-cuoi-dong-luc-cho-phat-trien-cua-doanh-nghiep-1038574/