Bài cuối: Gần dân, lắng nghe dân để có quyết sách đúng và hiệu quả
LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban kinh tế - xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhPhát huy những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, nhìn rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan đối với những hạn chế, vướng mắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, sớm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XIII 'Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới', các cơ quan dân cử phải luôn gần dân, lắng nghe dân để có những quyết sách đúng, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mở rộng hình thức tiếp xúc để được nghe dân nói
Trước hết là tiếp tục phát huy bài học dựa vào dân. Tôn trọng Nhân dân, tăng cường đối thoại, liên hệ chặt chẽ với cử tri. Để thực hiện được nội dung này, ngoài TXCT trước và sau kỳ họp, Quốc hội và HĐND các cấp cần mở rộng các hình thức TXCT khác, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin hiện nay như tổ chức diễn đàn trực tuyến, phát huy kênh thông tin cổng/trang TTĐT của Quốc hội và HĐND để đại biểu, cử tri và Nhân dân có thể tra cứu, tương tác, lập các nhóm cử tri qua kênh mạng xã hội, “TXCT qua mạng”, TXCT theo chuyên đề, tổ chức livestream các kỳ họp của HĐND… Nâng cao chất lượng khâu tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường khảo sát thực tế để xác minh ý kiến cử tri phản ánh. Quan tâm khâu giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri để xem xét kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, góp phần đôn đốc trả lời, giải quyết kịp thời.
Trong thực hiện chức năng quyết định, cần bám sát quy định của pháp luật trong việc tham vấn ý kiến của cử tri và Nhân dân đối với các quyết sách quan trọng. Để việc lấy ý kiến Nhân dân thực chất, tránh hình thức, cơ quan dân cử cần lồng ghép trong hoạt động TXCT, có thể tổ chức các phiên điều trần để thực hiện. Thực tế, các phiên điều trần theo chủ đề lấy ý kiến Nhân dân về các quyết sách mà HĐND bàn tại một số địa phương các nhiệm kỳ trước có tác dụng tích cực trong thực tiễn như: điều trần về việc thành lập trường THPT Cù Huy Cận ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh; điều trần về chính sách hỗ trợ trên các lĩnh vực tại HĐND thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc…
Trong giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, ngoài tôn trọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong lựa chọn chuyên đề giám sát để đưa vào chương trình giám sát hàng năm, trong tổ chức giám sát, Quốc hội và HĐND nên chăng có quy định “mời” cử tri và Nhân dân cùng đồng hành giám sát với Đoàn giám sát của cơ quan dân cử, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm. Đây cũng là cách thức để các kết luận giám sát có hồn hơn, thực tế hơn và dễ được tiếp thu thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của các cơ quan quyền lực Nhà nước. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV tổ chức các phiên chất vấn và giải trình trực tiếp thông qua hệ thống truyền hình, tiếp phát trên các nền tảng số để cử tri và Nhân dân có thể tương tác, phản ánh ý kiến là những cách làm đổi mới, cần được tiếp tục nhân rộng, lan tỏa trong hoạt động của HĐND, nhất là lựa chọn các nội dung đưa ra chất vấn, giải trình.
Ai không làm được “hãy đứng sang một bên”
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hướng dẫn để tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cần quán triệt tinh thần Tổng Bí thư đã chỉ đạo: những ai có tư tưởng ấy (Tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm) thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hóa quốc"!; "đừng thấy đỏ tưởng là chín" không chỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mà còn trong chính hoạt động của đại biểu dân cử.
Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp từ Trung ương tới địa phương cần tổ chức giám sát việc thực hiện chương trình hành động của các đại biểu dân cử. Những đại biểu nào còn tư tưởng bàn lùi, không có thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử thì hãy “đứng sang một bên để người khác làm”. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, bởi suy cho cùng, thành hay bại của mọi vấn đề đều xuất phát từ chính con người, thành công của cơ quan dân cử chính là từ thành công của mỗi đại biểu trong tôn trọng lời hứa với dân - đây cũng là chìa khóa quan trọng nhất mở cửa “lòng dân”. Đánh giá mức độ tín nhiệm qua lấy phiếu, đánh giá chất lượng đại biểu qua giám sát chương trình hành động cũng là căn cứ quan trọng làm tiền đề cho Quốc hội, HĐND lựa chọn cơ cấu, số lượng, chất lượng để cùng với UBMTTQ hiệp thương lựa chọn ứng cử viên xứng đáng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ sắp tới.