Bài cuối: Góc nhìn mới về tài nguyên cũ

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định du lịch văn hóa là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời phấn đấu phát triển du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong 8 tỷ USD tổng thu du lịch, đến năm 2030, chiếm 15 - 20% trong 40 tỷ USD tổng thu du lịch.

Tạo giá trị gia tăng cho vốn văn hóa

Như đã phân tích ở bài 1, văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch và du lịch là phương thức hữu hiệu để khai thác giá trị kinh tế của văn hóa. Thực tế phát triển công nghiệp văn hóa tại nhiều nước cho thấy, những sản phẩm công nghiệp văn hóa như K-Pop (Hàn Quốc); truyện tranh, hoạt hình (Nhật Bản); điện ảnh Hollywood (Hoa Kỳ)… là yếu tố quan trọng giúp thương hiệu văn hóa quốc gia, mức độ nhận diện hình ảnh đất nước này ngày càng được khẳng định, trở thành yếu tố hàng đầu thu hút khách du lịch đến tìm hiểu và trải nghiệm.

 Lịch sử lâu đời, nền văn hóa phong phú, đa dạng là nguồn tài nguyên mang đậm bản sắc Việt Nam mà du lịch có thể khai thác. Ảnh: Hanhsilk

Lịch sử lâu đời, nền văn hóa phong phú, đa dạng là nguồn tài nguyên mang đậm bản sắc Việt Nam mà du lịch có thể khai thác. Ảnh: Hanhsilk

Các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa đồng thời là phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đất nước với nền văn hiến lâu đời; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Phát triển du lịch văn hóa nói riêng và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung đều cần xuất phát từ vốn văn hóa đã được kết tinh thành những giá trị mang tính cốt lõi để từ đó sáng tạo nên những sản phẩm mới, tạo ra giá trị phái sinh, giá trị gia tăng cho xã hội. Để phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền công nghiệp văn hóa, phải tạo được chuỗi sản phẩm du lịch từ các giá trị của văn hóa. Muốn vậy, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm, văn hóa phải được đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc dưới góc nhìn mới về tài nguyên cũ, phân tích trên nhiều khía cạnh giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, đặc biệt là đối với một quốc gia sở hữu nguồn vốn văn hóa phong phú như Việt Nam. Để biến tiềm năng thành nguồn lực, động lực phát triển đòi hỏi phải thay đổi cả về tư duy và hành động. Nhà nước nên lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa và ban hành chính sách để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Các chính quyền địa phương cũng phải quyết liệt hơn nữa cùng với Chính phủ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các lợi thế so sánh của địa phương mình.

Kích hoạt môi trường sáng tạo

Tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Muốn du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, yếu tố tiên quyết là phải có được những sản phẩm du lịch sáng tạo mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách. Chìa khóa để tạo ra sự khác biệt này chính là khai thác những yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.

Nhu cầu du lịch văn hóa của du khách rất lớn, nhưng nếu cho tất cả các đối tượng khách cùng thưởng thức chung một sản phẩm thì sẽ không thể tạo ra sức hấp dẫn. Vì thế cần cá biệt hóa trải nghiệm của các nhóm du khách trong hành trình du lịch, chẳng hạn du khách trẻ tuổi đang khá quan tâm đến yếu tố giáo dục trong tour, còn du khách trung tuổi trở lên mong muốn các yếu tố mang tính gắn kết, sẻ chia...

Bên cạnh đó, để có được những sản phẩm công nghiệp văn hóa, cần hội đủ những yếu tố như: con người sáng tạo, nhận thức, tri thức văn hóa của xã hội, các phương tiện công nghệ, kỹ thuật, khả năng kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm... Song ở Việt Nam, còn thiếu sự liên kết giữa các yếu tố này. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều sản phẩm văn hóa tốt, nhưng lại thiếu những doanh nghiệp văn hóa, nhà tài trợ đóng vai trò bà đỡ, tạo chất kết dính đưa những sản phẩm này đi vào cuộc sống. Vì thế, cần thiết phải có những chính sách phát triển văn hóa gắn với hoạt động du lịch để kích hoạt môi trường sáng tạo, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, cần xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo với những chính sách, hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa du lịch, có hành lang pháp lý thúc đẩy hợp tác công - tư, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình khai thác giá trị văn hóa tạo thành nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch trong thực tế.

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, văn hóa tiếp tục phát huy vai trò là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực cho sự phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế ngày càng gắn bó. Đây là một trong những mối quan hệ lớn của đất nước, của thời đại, mà nếu được giải quyết tốt, sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

TS. Đoàn Mạnh Cương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-goc-nhin-moi-ve-tai-nguyen-cu-post390949.html