Bài cuối: Hóa giải thách thức

Trong nhiều thách thức khi thực hiện mô hình không tổ chức cấp huyện và việc đặt lại tên các đơn vị hành chính (ĐVHC) mới nổi lên vấn đề đáng quan tâm, đó là tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức cấp xã trong điều kiện mới và việc giữ gìn hồn cốt, bản sắc văn hóa và địa danh thuộc địa phương, đô thị từng là một phần của lịch sử hào hùng của dân tộc. Tin tưởng rằng, khi 'Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được'.

Nắm bắt thời cơ, thời điểm vàng

Cử tri và Nhân dân kỳ vọng tổ chức chính quyền cấp tỉnh và cấp xã theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với xây dựng hoàn chỉnh chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển dần sang quản lý công mới sẽ năng động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; quy trình thủ tục hành chính và các quy tắc sẽ được rút gọn, bớt phiền nhiễu và thuận tiện cho dân hơn; tiết kiệm được nguồn nhân lực, tài chính của Nhà nước và của người dân. Chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp cũng là điều kiện cần để phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện của Nhân dân, góp phần hoàn thiện cơ chế nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

 Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Bảo Lộc, Lâm Đồng

Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Bảo Lộc, Lâm Đồng

Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng đều có thử thách và sự hy sinh. Nhưng nếu nắm bắt đúng thời cơ, hội đủ yếu tố khoa học, hợp quy luật khách quan, dân ủng hộ thì xác suất thành công sẽ rất cao. Phát biểu tại thảo luận Tổ, Kỳ họp bất thường thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là thời điểm vàng, chín muồi để sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân - là những mục tiêu xuyên suốt Đảng ta đặt ra.

Sự quyết đoán của người đứng đầu Đảng ta, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và BCH Trung ương đã tạo được niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân, dù vẫn còn những thách thức phía trước. Nhưng tin tưởng rằng “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”.

Phát huy mạnh mẽ hơn các giá trị của đô thị, địa phương

"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai", đó là câu ngạn ngữ được nhiều người vui vẻ nhắc tới khi bàn luận sôi nổi việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh và tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện CQĐP 2 cấp. Điều đó chứng minh ý thức chính trị và dân trí ngày càng cao. Nhân dân quan tâm đến đời sống chính trị, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cho thấy quá trình dân chủ hóa được phát huy cao; cũng là hàn thử biểu đánh giá hiệu quả chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn.

Trong nhiều thách thức khi thực hiện mô hình không tổ chức cấp huyện và việc đặt lại tên các ĐVHC mới nổi lên vấn đề đáng quan tâm nhất đó là tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức cấp xã trong điều kiện mới và việc giữ gìn hồn cốt, bản sắc văn hóa và địa danh thuộc địa phương, đô thị từng là một phần của lịch sử hào hùng của dân tộc. Xin nêu mấy ý kiến tham khảo.

Trước hết, xét về kinh tế học đô thị, không cần nhắc lại vai trò là cực tăng trưởng hay chức năng hạt nhân thúc đẩy phát triển vùng của các đô thị ... Nhưng cần xem xét rằng: sự phát triển đô thị ở các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam là một quá trình lịch sử, thể hiện sự biến đổi, tích lũy về chất của tăng trưởng kinh tế đô thị và luôn luôn gắn chặt với công nghiệp hóa. Đó là các yếu tố tạo nên giá trị tổng hợp của đô thị, biến đô thị thành không gian mở về kinh tế, văn hóa, xã hội... và luôn hướng ra bên ngoài, hướng ra thế giới nhằm tăng nhanh nhịp độ phát triển kinh tế đô thị. Các giá trị kinh tế, văn hóa, tinh thần, khoa học, công nghệ, kết cấu hạ tầng, dịch vụ... do đô thị tạo ra là liên thông, không chỉ phục vụ cho dân cư tại chỗ mà còn phải đáp ứng gấp nhiều lần cho nhu cầu của người dân trong vùng, trong nước, quốc tế.

Sự phát triển của đô thị chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, nhưng nhân tố quan trọng nhất đó là vai trò quản lý của Nhà nước. Vì vậy, khi bỏ cấp huyện và cấp tương đương, cử tri và Nhân dân mong muốn các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy mạnh mẽ hơn các giá trị của đô thị, địa phương mà nhiều thế hệ đã cống hiến tạo nên.

Thứ hai, về tên gọi của ĐVHC mới sau khi sáp nhập, dư luận cử tri và Nhân dân cho rằng, việc đặt tên cần nghiên cứu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, bản sắc đô thị, địa phương... Theo đó, cần bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa để hạn chế tối đa đính chính hay giải thích; bảo vệ được thương hiệu quốc gia trong quan hệ quốc tế… Vừa qua, có ý kiến đề xuất, để dễ nhận diện thương hiệu quốc gia, dễ xác định vị trí (khi có tỉnh, thành phố lớn có đến hàng trăm xã, phường sau sáp nhập), có thể đặt tên ĐVHC cấp xã, phường mới theo số thứ tự 1, 2, 3... hay Đông, Tây, Nam, Bắc ở phía trước hoặc phía sau tên thành phố, thị xã, quận, huyện hiện tại. Ví dụ: Phường 1 Đà Lạt, phường Tây Hội An, xã Dầu Tiếng Nam... Đó là đề xuất nghiêm túc từ người dân cần tham khảo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Thứ ba, có ý kiến băn khoăn khi bỏ cấp huyện sẽ chuyển xấp xỉ 500 thủ tục hành chính hiện hành về cho cấp xã và lên cấp tỉnh, làm thế nào giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn khi dân cần? Tiêu chí nào để thực hiện được nguyên tắc “Vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc” khi sắp xếp lại đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập? Đó là những tâm tư cần những giải pháp hữu hiệu để thực hiện. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã trong điều kiện mới để giữ chân người giỏi, người tài phục vụ Nhân dân.

Vân Hậu – Thanh Hòa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-hoa-giai-thach-thuc-post408820.html