Bài cuối: Khẳng định vị thế cơ quan quyền lực

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhBáo cáo kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021' của Quốc hội chỉ ra những sai phạm tại các dự án đầu tư công đã gây thất thoát, lãng phí 31.795 tỷ đồng. Đó là con số tương đối và những dự án lớn. Con số này sẽ không dừng lại ở đó nếu rà soát cả những dự án đầu tư công nhỏ, lẻ ở cấp xã. Hàng loạt sai phạm được chỉ ra, ngoài các tổ chức, cá nhân trực tiếp và liên đới phải chịu trách nhiệm, HĐND cũng phải có trách nhiệm với dân.

Làm thế nào để HĐND cấp xã khẳng định được vị thế trong quyết định và giám sát đầu tư công, đây là bài toán khó đối với nhiều địa phương.

Pháp luật phải được tôn trọng

Từ Luật Đầu tư công năm 2014 đến Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2022, quy định của pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực đầu tư công đã, đang được hoàn thiện, ngày càng rõ ràng, minh bạch, nhất là trong quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm đến trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; các hành vi bị nghiêm cấm khi đầu tư công và thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước về đầu tư công, trong đó có HĐND cấp xã. Nghị định số 40 năm 2020 của Chính phủ cũng hướng dẫn khá chi tiết các nội dung của Luật Đầu tư công, đặc biệt có hệ thống các văn bản theo mẫu biểu kèm theo. Thế nhưng các văn bản này được áp dụng ở cấp xã vẫn còn hình thức và chưa được tôn trọng thực thi.

Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tập huấn kỹ năng quyết định và giám sát chuyên sâu cho đại biểu HĐND phường, xã. Ảnh: Bình Nguyên

Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tập huấn kỹ năng quyết định và giám sát chuyên sâu cho đại biểu HĐND phường, xã. Ảnh: Bình Nguyên

Theo đó, nhận thức đúng từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương là giải pháp then chốt để quản lý đầu tư công đúng quy định. Bí thư, Thường trực cấp ủy cần quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công ở cấp xã thông qua giao ban, đưa vào quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng thì không khó để người đứng đầu UBND, chủ đầu tư buộc phải tôn trọng HĐND trong thực thi nhiệm vụ này.

Nhận thức “nguồn thuộc cấp nào do cấp đó quyết định chủ trương đầu tư và giám sát” của vị Chủ tịch UBND phường nọ còn phiến diện; kể cả dự án do cấp trên đầu tư trên địa bàn thì HĐND cấp xã cũng có trách nhiệm thay mặt cử tri và nhân dân giám sát. HĐND cần đẩy mạnh giám sát tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn, đúng như tinh thần Điều 83 Luật Đầu tư công đã quy định. Muốn vậy, người đứng đầu phải quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành” - ông Phan Đình Thắng, Phó Chủ tịch HĐND phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh nhấn mạnh.

“HĐND cấp xã cần quyết định được kế hoạch đầu tư công, bởi đó là căn cứ đầu tiên để UBND triển khai thực thi, cũng là căn cứ để HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án. Một trong các điều cấm trong đầu tư công là quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Do đó, việc quyết định kế hoạch là điều tiên quyết, quan trọng trong thực thi quyền lực cử tri trao và pháp luật quy định.” - bà Bùi Thị Giàu, Phó Chủ tịch HĐND xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An bày tỏ. Trong xây dựng kế hoạch đầu tư của HĐND cấp xã, phải dựa vào thực tiễn, nguồn lực của địa phương và quy định pháp luật, nguồn ít thì xây dựng ít, vừa sức để bảo đảm tính khả thi.

Đẩy mạnh số hóa hoạt động của HĐND

Để thực hiện tốt giám sát đầu tư công, việc đầu tiên phải hiểu rõ đầu tư công là gì, trình tự, thẩm quyền của HĐND cấp xã đến đâu. Điều thuận lợi là hiện nay các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực này có sẵn và được phân tích rất kỹ càng trên các trang mạng chính thống Cổng/trang thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành đến chính quyền các địa phương. Thường trực HĐND cấp xã có thể thông qua hệ thống gửi nhận văn bản hoặc nhóm nội bộ được thành lập qua kênh mạng xã hội để chuyển tải cho đại biểu HĐND cấp mình.

Bên cạnh đó, kiến nghị HĐND cấp trên tập huấn kỹ năng chuyên sâu về quyết định và giám sát trên lĩnh vực đầu tư công theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; hoặc có thể đứng ra tổ chức và mời giảng viên là người có kinh nghiệm trên lĩnh vực này để truyền thụ. “Tập huấn cầm tay chỉ việc nên chúng tôi tiếp cận rất sát thực tế và có thể vận dụng được ngay và luôn. Đúng là HĐND đã “bỏ quên” trách nhiệm lớn lao của mình trong lĩnh vực này, một phần cũng là do chưa hiểu hết nên lúng túng trong thực thi. Tập huấn kỹ và nghiên cứu quy định sẽ là “chìa khóa” quan trọng để chúng tôi thực thi cho đúng trong hoạt động” - bà Thái Thị Điểm, Phó Chủ tịch HĐND phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết.

Cùng với Điều 28, Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc HĐND cấp tỉnh đã, đang xây dựng dữ liệu số hóa về giám sát là kênh thông tin quan trọng để HĐND cấp xã có thể nghiên cứu, khai thác vận dụng vào thực tiễn địa phương, nhất là quy định pháp luật, tham khảo dữ liệu, cách xây dựng các văn bản phục vụ giám sát. Một kênh thông tin nữa HĐND cấp xã có thể tham khảo đó chính là kết luận thanh tra, kiểm toán, kết quả giám sát của HĐND cấp trên về quản lý đầu tư công ở cấp xã.

Cuối cùng vấn đề then chốt, đó chính là nắm bắt và định hướng tư tưởng, bản lĩnh cho đại biểu HĐND. Một khi đại biểu hiểu và hành động thì không còn “vùng cấm”, không còn lĩnh vực nào là “khó”, là “nhạy cảm” nếu đó là vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, trao quyền cho đại biểu. Muốn vậy, ngoài tạo điều kiện cho đại biểu tiếp cận, nghiên cứu và vận dụng các quy định của Đảng pháp luật của Nhà nước, mỗi người đứng đầu hãy là một tấm gương sáng dẫn đường để HĐND cấp xã thực hiện tốt trọng trách của mình, xứng đáng với vị thế mà nhân dân trao quyền, pháp luật thừa nhận: cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi%C2%A0khang-dinh-vi-the-co-quan-quyen-luc-i328788/