Bài cuối: Không tự hài lòng, tiếp tục hành động

Kết quả thực hiện chủ đề 'Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị' hai năm qua rất đáng khích lệ. Song, không tự hài lòng với những gì đã đạt được, thành phố Hà Nội đang tiếp tục đề ra các mục tiêu xa hơn, nhiệm vụ cao hơn đáp ứng với những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn.

Chú trọng phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hữu Tiệp

Những kinh nghiệm cần thiết

Nhìn lại hai năm thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, có nhiều bài học rất đáng quan tâm, vận dụng trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát là một bài học kinh nghiệm quý.

Hai năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng. Tại quận Hoàn Kiếm, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND quận đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở 11 phòng, ban, qua đó phê bình, rút kinh nghiệm với 9 cá nhân.

Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, ngay trong đợt kiểm tra đầu tiên phục vụ “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, 42 cán bộ các xã: Dương Hà, Kim Lan, Trung Mầu, Văn Đức, Yên Thường đã bị hạ thi đua. Nhờ sự nghiêm khắc đó, hiện nay, trong giờ hành chính, công chức của huyện tuyệt đối không tự ý vắng mặt không có lý do...

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn, năm 2018, các đoàn kiểm tra công vụ của UBND thành phố đã phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy định. Tính chung toàn thành phố, năm 2018, có 277 cán bộ, công chức vi phạm chính sách pháp luật và quy tắc ứng xử bị kỷ luật. Năm 2019, các đoàn kiểm tra của UBND thành phố cũng đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó là hàng loạt những bài học kinh nghiệm quan trọng khác như việc 100% cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thành phố Hà Nội”; tổ chức thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) tới từng cá nhân theo vị trí việc làm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính cấp xã, cấp phòng; tổ chức các phiên giải trình của HĐND các cấp...

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, một trong những kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà quận đã thực hiện hiệu quả là chấm dứt luân chuyển cán bộ từ phường yếu lên công tác ở quận; kiên quyết không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Quyết tâm làm tốt hơn nữa

Mặc dù đạt kết quả tích cực và khá toàn diện trong hai năm qua, nhưng với tinh thần cầu thị, Hà Nội đã nghiêm túc nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, bất cập, cũng như xác định tinh thần tiếp tục hành động.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Nhiều người nói, vừa qua Hà Nội đã đi đầu về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Đây là thành công rất đáng phấn khởi. Nhưng, thành phố vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là chủ đề rất rộng, bao trùm, nên phải tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

Trong khi đó, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, thành phố vẫn còn nhiều nội dung bất cập, triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa đáp ứng theo yêu cầu của trung ương trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Đơn cử như Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018) của Hà Nội, chỉ số thành phần về "Tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị" chỉ đạt 70,7%; nội dung "Cơ quan thông báo kết quả xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị" đạt dưới 70%; nội dung "Cơ quan tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh kiến nghị tích cực" đạt 70,29%...

Năm 2020, mặc dù không tiếp tục lấy tên chủ đề như hai năm qua, nhưng tinh thần “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” vẫn là trung tâm trong chủ đề mới. Thành ủy Hà Nội đã xác định chủ đề công tác năm 2020 là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, hướng tới tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp”. Như vậy, những kết quả đạt được trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sẽ là tiền đề để thành phố Hà Nội hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của năm 2020.

Chủ đề công tác năm 2020 của thành phố nhận được sự đồng tình cao của cán bộ chủ chốt các cấp cũng như nhân dân. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn khẳng định sẽ cụ thể hóa chủ đề của thành phố thành chương trình, kế hoạch của quận, phường để bắt tay vào thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm tới…

Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Trịnh Lê Đức cho biết, phường sẽ tiếp tục chú trọng phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Hai năm thực hiện cùng một chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” cho thấy quyết tâm của thành phố Hà Nội trong củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Mặc dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhưng kinh nghiệm và quyết tâm chính trị là hành trang, là cơ sở để thành phố bước vào năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020 với tâm thế vững vàng, tự tin thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.

Hiền Thu - Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/953584/bai-cuoi-khong-tu-hai-long-tiep-tuc-hanh-dong