Di dời người dân đến nơi an toàn, giảm thiểu thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ thực hiện nhiều phương án, kế hoạch để phòng, chống nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Chủ động các biện pháp ứng phó
Do ảnh hưởng của bão số 4, áp thấp nhiệt đới, đêm 18/9 đến sáng 19/9, các huyện miền núi biên giới Minh Hóa, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, mưa to. Một số sông, suối ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) nước dâng cao gây ngập và chia cắt cục bộ. Các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Đồn Biên phòng Ra Mai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình duy trì 42 tổ nắm tình hình địa bàn; phối hợp với địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa phòng, chống bão, không đánh bắt cá ở sông, suối; kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ sạt lở, ngập lụt để cập nhật phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn; duy trì quân số ứng phó với các tình huống xảy ra.
Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) đã có quyết định tạm dừng khai thác từ 15 giờ đến 22 giờ ngày 19/9; thực hiện chằng néo hạ tầng, trang thiết bị phương tiện, nạo vét hệ thống thoát nước; thông báo các đơn vị triển khai phương án ứng phó bão số 4, áp thấp nhiệt đới theo phương châm "4 tại chỗ".
Quảng Bình kích hoạt đội xung kích phòng, chống thiên tai với trên 12.000 người tại 151 xã, phường, thị trấn. Khi thiên tai vượt quá năng lực ứng phó, UBND tỉnh Quảng Bình chủ động đề xuất trợ giúp của lực lượng, phương tiện các đơn vị của Quân khu IV.
Tại tỉnh Quảng Trị, chính quyền huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, công trình, tàu thuyền, cắt tỉa cây xanh; đưa toàn bộ khách du lịch ở đảo Cồn Cỏ vào bờ để đảm bảo an toàn. Hiện nay, tất cả 2.270 tàu thuyền với 5.971 thuyền viên của tỉnh đều đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do bão số 4, áp thấp nhiệt đới gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình, diễn biến của bão số 4, áp thấp nhiệt đới; chủ trì, phối hợp sở, ban, ngành, địa phương tổ chức phương án phòng, chống, không để bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra.
Các địa phương, nhất là vùng ven biển, ven sông lớn tăng cường kiểm tra, tuần tra, thực hiện gia cố, khắc phục công trình đê, kè đảm bảo an toàn công trình; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện chủ động triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có công điện gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 17 tỉnh, thành phố lưu ý cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết. Các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đã cho học sinh nghỉ học vào chiều 18/9, tỉnh Quảng Nam cho học sinh nghỉ học từ ngày 19/9.
Để chủ động ứng phó với bão số 4, ngày 19/9, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động triển khai công tác y tế ứng phó với bão.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị, đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, trên địa bàn khu vực Trung Bộ đã có 77 điểm bị ngập lụt, chia cắt. Trước tình hình trên, các địa phương đã di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, trong đó Quảng Bình sơ tán 852 hộ với 2.995 khẩu, tỉnh Quảng Trị sơ tán 1.073 hộ với 2.937 nhân khẩu, tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 283 hộ với 487 khẩu.
Lốc xoáy và mưa lớn tại tỉnh Quảng Trị đã làm một nhà bị tốc mái, một điểm trường bị thiệt hại, 105 m3 đất đá sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở Km 267 + 700, tuyến đường 587 đi xã Húc, tuyến đường từ xã Hướng Tân vào Hướng Linh. Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, hệ thống lưới điện lưới bị hư hỏng nhiều đoạn, tuyến làm mất điện. Hiện địa phương đang thống kê và khắc phục để cấp điện trở lại…
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, lốc xoáy xảy ra tại các xã Phú Hồ và Phú Xuân, huyện Hòa Vang làm một người bị thương, 12 hộ thuộc các xã trên bị tốc mái nhà và công trình phụ.
Tại Đà Nẵng, mưa to, gió mạnh làm 25 cây xanh ngã, đổ; sạt lở một điểm tường rào. Hiện chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn tiếp tục xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300mm, nguy cơ gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại khu vực nói trên.
Do vậy, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 và Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi sát diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tiếp tục phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông. Đồng thời kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống…