Bài cuối: Liên kết để phát triển

Bài 1: Những kết quả bước đầu

Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu lúa - gạo trên địa bàn Tiền Giang đang chỉ ở bước khởi đầu. Để hình thành và phát huy thương hiệu lúa - gạo, hướng đến sản xuất lúa - gạo bền vững, cần phải tạo được chuỗi liên kết giữa các nhà.

KHÓ Ở ĐÂU?

Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu lúa - gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất nằm ở khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc sản xuất theo kiểu truyền thống, thiếu liên kết là “điểm nghẽn” trong việc xây dựng thương hiệu lúa - gạo. Theo lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè), trung bình mỗi năm, HTX có khoảng 200 ha lúa tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Các huyện phía Đông đang tập trung khai thác, phát huy thương hiệu "Gạo Gò Công".

Các huyện phía Đông đang tập trung khai thác, phát huy thương hiệu "Gạo Gò Công".

Trước đây, HTX liên kết với Công ty Lương thực Tiền Giang. Khoảng 2 năm nay, HTX liên kết với Công ty TNHH Thương mại HK cùng 1 doanh nghiệp (DN) khác để xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, chuỗi liên kết này vẫn còn khó khăn về đầu ra.

Cụ thể, diện tích liên kết không lớn như mong muốn của DN, chủ yếu liên kết đầu vào; còn đầu ra, chủ yếu thông qua các DN nhỏ, thương lái truyền thống. Diện tích sản xuất không tập trung nên DN cũng ngán ngại khi đưa máy móc, phương tiện vào. Thời điểm chốt giá, giữa DN và nông dân không thống nhất được.

“Cái khó hiện nay là DN phải thu mua với số lượng lớn; còn thương lái bên ngoài có thể mua lúa với số lượng linh hoạt. Do đó, giá thu mua của thương lái bao giờ cũng cao hơn DN. DN nằm chờ đủ số lượng mới đem đi sấy nên giá thị trường có thể đã thay đổi.

Trước đây, xã Hậu Mỹ Trinh có truyền thống sản xuất lúa thơm Jasmine 85 trên 10 năm. HTX dự định xây dựng thương hiệu gạo này, nhưng giống lúa này bị thoái hóa nên phải thay đổi các giống khác. Đó cũng là cái khó trong xây dựng thương hiệu lúa - gạo hiện nay” - lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh chia sẻ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, việc xây dựng vùng nguyên liệu có vai trò hết sức quan trọng để DN đáp ứng sản lượng khi tham gia xuất khẩu và nâng cao sức cạnh tranh.

Từ lâu, tỉnh đã hình thành 2 vùng sản xuất tập trung là vùng lúa chất lượng cao ở các huyện phía Tây (các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy) với diện tích 21 ngàn ha, chiếm 37,1% diện tích trồng lúa của tỉnh); vùng lúa thơm, đặc sản ở các huyện phía Đông (chủ yếu tập trung ở huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông, với diện tích 18 ngàn ha, chiếm 31,8% diện tích trồng lúa của tỉnh). Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các DN liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo một nguyên lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang, việc xây dựng thương hiệu lúa - gạo phải làm ngay từ bây giờ, để 5 - 10 năm sau chúng ta có được thương hiệu. Để xây dựng thương hiệu thì hướng sản xuất phải đi từ cây lúa. Trong đó, không có con đường nào khác là phải thực hiện liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu giữa các bên; đặc biệt là tổ chức đại diện cho nông dân với DN. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện hết sức khó khăn dù đã triển khai rất nhiều.

Đơn thân độc mã từng DN thực hiện là rất khó. “Cái khó lớn nhất là cách tổ chức sản xuất. Mặc dù ký kết với HTX, nhưng vẫn mang tính hình thức nhiều hơn. Cuối cùng vẫn là sản xuất nhỏ nên công tác kiểm soát mua bán, tổ chức sản xuất tuân thủ theo quy định hợp đồng còn rời rạc, chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, bản thân HTX chưa đủ mạnh để thực hiện theo hướng tập trung sản xuất lớn, DN còn thiếu vốn để thực hiện. Hạn chế về hạ tầng thu mua, bảo quản, thu gom khiến các DN rất khó khăn khi mở rộng quy mô” - nguyên lãnh đạo Công ty Lương thực Tiền Giang chia sẻ.

TẬP TRUNG GỠ KHÓ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, để xây dựng thương hiệu lúa - gạo, công tác tuyên truyền, quảng bá đóng vai trò quan trọng; đặc biệt là phải có các DN tâm huyết để đưa thương hiệu “Gạo Gò Công” ngày càng mở rộng thị trường. Hiện nay, dù đã có một vài DN khai thác thương hiệu “Gạo Gò Công”, nhưng số lượng vẫn còn ít, cần thêm nhiều DN tham gia đầu tư.

Để phát huy thương hiệu “Gạo Gò Công”, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Sản xuất phải theo quy trình, tiêu chuẩn mới tạo ra hạt gạo chất lượng, an toàn.

Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu lúa - gạo.

Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần liên kết sản xuất để xây dựng thương hiệu lúa - gạo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, để xây dựng thương hiệu lúa - gạo, trước hết cần phát triển vùng sản xuất lúa tập trung, giống chất lượng cao, đặc sản. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và canh tác theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, an toàn… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, cần có sự ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững giữa DN với HTX, nông dân sản xuất, giảm khâu trung gian. Một trong những nội dung quan trọng là chú trọng xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu gạo đặc sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài với bản sắc riêng. Đồng thời, phải có những chiến lược quảng bá sản phẩm thông qua các khâu đóng gói, mẫu mã của bao bì, tên thương hiệu, logo, marketing... góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam.

Cũng theo Sở NN&PTNT, để ngành hàng lúa - gạo của tỉnh phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung các giải pháp quản lý tốt quy hoạch đất trồng lúa, ổn định diện tích đất canh tác lúa đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề án, dự án phát triển lúa - gạo được phê duyệt.

Một trong những giải pháp trọng tâm là tập trung bố trí thời vụ sản xuất hợp lý, theo hướng tập trung, thuận thiên, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai và lợi thế của tỉnh; đảm bảo nước ngọt đủ cho sản xuất lúa tại các huyện phía Đông; né lũ, triều cường cho các huyện phía Tây.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giống chất lượng, công nghệ mới, công nghệ thông minh trong sản xuất lúa - gạo; củng cố nâng chất mạng lưới khuyến nông cơ sở, nhất là củng cố, nâng chất Tổ Khuyến nông cộng đồng. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nâng cao năng lực cho các HTX trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa - gạo.

Một trong những giải pháp trọng tâm là xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của tỉnh, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa - gạo, tái sử dụng phụ phẩm để tăng giá trị gia tăng ngành hàng lúa - gạo.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202409/xay-dung-thuong-hieu-lua-gao-kho-o-dau-bai-cuoi-lien-ket-de-phat-trien-1021548/