Bài cuối: Màu xanh nơi địa đầu Tổ quốc
Bài 1: Những 'cột mốc' thiêng liêng giữa trùng khơi
Bài 2: Viết tiếp truyền thống cha ông
Đến với quần đảo Trường Sa hôm nay, ngoài màu xanh của biển khơi, chúng tôi còn nhìn thấy màu xanh đầy sức sống của những loài cây “hùng dũng, kiêu sa” nơi địa đầu Tổ quốc và cả những người ngày đêm “gieo chữ” ươm “mầm xanh tri thức” cho thế hệ tương lai của đất nước.
CB-CS trên điểm A đảo Đá Tây chăm sóc cây phi lao xanh.
Quần đảo Trường Sa - mảnh đất nằm giữa biển trời mênh mông của Tổ quốc với bốn bề nắng gió. Khi phải chịu điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của nắng gió những tưởng Trường Sa sẽ khô cằn, thiếu sức sống. Tuy nhiên, khi đến với các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên khi nhìn thấy màu xanh tươi tốt của cây cối, mà còn cảm nhận được màu xanh của vùng biển, đảo quê hương xanh - sạch - đẹp.
TỪ MÀU XANH CÂY LÁ
“Quê em ở Trường Sa, những đảo chìm, đảo nổi
Quê em có biển trời, bốn mùa xanh bao la
Sinh ra ở Trường Sa, em là con của biển
Những chuyến tàu quê hương, mang hơi ấm đất liền…”
Những câu hát “Quê em ở Trường Sa” của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp do chính các “công dân nhí” ở Trường Sa thể hiện là món quà đặc biệt dành tặng cho đoàn công tác đến Trường Sa.
Nhìn từ xa, mảng màu xanh của các loại cây tươi tốt như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa muôn trùng sóng vỗ. Tuy nhiên, để các loại cây tươi tốt luôn phải nhờ đến sự chăm sóc của các cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trên đảo để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Trung tá Bùi Văn Đệ, Chính trị viên Cụm Chiến đấu 2, đảo Trường Sa cho biết: “Vào những lúc thời tiết lạnh dịp gần Tết Nguyên đán hằng năm, sương muối từ biển thổi vào làm lá cây bàng vuông, cây tra cháy đỏ. Có những cây lá bị cháy hơn một nửa, nhưng khi có mưa xuống, cây lại ra lá xanh tươi. CB-CS trên đảo thường xuyên chăm sóc để cây không bị chết và nhanh chóng nhân giống để tiếp tục phủ xanh đảo”.
Ở Trường Sa còn có những luống rau xanh như rau muống, cải xanh hay bầu, bí… mang hương vị quê nhà. Với CB-CS, những luống rau xanh giữa biển là hình ảnh thân thương, quen thuộc giúp vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.
Trung tá Lê Đình Lân, Chính trị viên, Phó đảo Trường Sa Đông nói như khoe: “Vườn rau tăng gia sản xuất của đảo với nhiều loại rau như rau muống, mồng tơi, cải xanh hay bầu, bí… được anh em CB-CS chăm sóc tươi tốt đã cung cấp nguồn rau xanh phong phú cho bữa ăn của CB-CS”.
Lớp học đặc biệt ở đảo Trường Sa do thầy Tình giảng dạy.
ĐẾN “MẦM XANH TRI THỨC”
Quần đảo Trường Sa không chỉ là nơi công tác, làm nhiệm vụ của CB-CS, mà còn là nơi sinh sống của nhiều hộ dân. Cùng theo cha mẹ ra đảo, những “công dân nhí” nơi đây đang lớn lên giữa tình quân - dân ấm áp, bền chặt như “cá với nước”. Các em là những mầm xanh của quần đảo tiền tiêu, đang được chính biển, đảo quê hương nuôi dưỡng.
Bên dưới hàng cây xanh tươi tốt của đảo Trường Sa có tiếng trẻ học bài ê a… và Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa trở thành trường học đặc biệt. Do đặc thù ở đảo, trường chỉ có một lớp học ghép, với nhiều học sinh thuộc các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 cùng học tập. Lớp học đặc biệt này do thầy giáo Bành Hữu Tình (quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) phụ trách.
“Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa, sau thời gian công tác ở đất liền, tôi đã viết đơn tình nguyện vượt sóng ra đảo “gieo chữ” cho các em học sinh trên đảo đã được 2 năm. Việc dạy học ở đảo là ước muốn của tôi từ nhỏ nên tôi sẽ cống hiến hết mình cho niềm đam mê dạy học cho những mầm xanh tương lai của đất nước nơi đảo xa” - thầy Tình chia sẻ.
Trung tá Phạm Văn Hưng, Chính trị viên, Phó đảo Đá Tây cho biết, điểm A đảo Đá Tây được nâng cấp đảo chìm lên thành đảo cấp 1, hiện đang trồng hơn 16.000 cây phi lao xanh trên nền cát và san hô. Mặc dù vậy, cây vẫn mọc lên xanh tốt nên đảo đang đề nghị cấp trên lấy biệt hiệu là “Đảo phi lao xanh”.
Do là lớp học ghép của nhiều lớp học, với nhiều độ tuổi khác nhau nên thời gian đầu khi nhận lớp, thầy Tình gặp một số khó khăn trong việc sắp xếp giảng dạy. Nhưng với tình cảm dành cho các em nhỏ nơi đảo xa, thầy Tình đã tìm tòi, làm quen để nắm bắt tính cách, khả năng tiếp thu của từng em, để có cách giảng dạy phù hợp.
Chỉ khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự nhiệt huyết và tình yêu của thầy giáo trẻ dành cho các em nhỏ nơi đảo xa. Sự nhiệt huyết ấy thể hiện rõ qua từng lời giảng ân cần, cái gò tay tận tình cho các em học sinh khối lớp 1 viết chữ hay những lúc thầy trò cùng nhau sinh hoạt các trò chơi sáng tạo…
Sự nhiệt huyết của thầy Tình đã gieo nên những “mầm xanh tri thức” nơi đảo xa. Qua những bài giảng của thầy, các em học sinh đã nuôi dưỡng cho mình những ước mơ về tương lai tươi sáng, đầy hoài bão.
Em Nguyễn Xuân Trà, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa chia sẻ: “Đối với em mỗi ngày được đến trường là một ngày vui. Ở trường, em được thầy dạy chữ, cùng các bạn học tập, vui chơi. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành nhà thiết kế thời trang”.
GIỮ CHO BIỂN MÃI XANH
Đến với Trường Sa, chúng tôi không chỉ nhìn thấy màu xanh tươi tốt của cây cối nơi đây, mà còn cảm nhận được màu xanh của vùng biển, đảo quê hương xanh - sạch - đẹp. Để có những bãi cát san hô ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa trải dài trắng xóa giữa biển xanh mênh mông vô cùng đẹp mắt là nhờ các CB-CS ở đây đã làm tốt công tác vệ sinh đảo, bảo vệ môi trường biển.
Với tinh thần cùng cả nước thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, CB-CS Vùng 4 Hải Quân đã chung tay tổ chức nhiều hoạt động như: Thực hiện tốt việc dọn vệ sinh hằng ngày; phát động thực hiện tổng vệ sinh môi trường vào ngày nghỉ; Đoàn Thanh niên tổ chức ngày nghỉ tình nguyện vì môi trường xanh - sạch - đẹp, nhặt rác trên bãi biển, dọn vệ sinh, làm sạch cảnh quan môi trường trong toàn đảo…
Trung tá Lê Đình Lân, Chính trị viên, Phó đảo Trường Sa Đông cho biết: “Việc đảm bảo vệ môi trường biển là việc làm thường xuyên liên tục của CB-CS trên đảo. Thời gian qua, CB-CS trên đảo luôn duy trì thực hiện nghiêm túc Chương trình “chung tay làm sạch biển” vào thứ năm hằng tuần và Chương trình “Ngày thứ bảy tình nguyện” để làm sạch bờ biển, dọn vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong toàn đơn vị”.
Rác thải được CB-CS thu gom, phân loại thành 2 nhóm hữu cơ và vô cơ. Đối với rác thải vô cơ như hộp nhựa, túi ni lông, vỏ lon… được các CB-CS đóng bao gửi các tàu đem vào bờ xử lý. Riêng rác thải hữu cơ, được CB-CS ủ làm phân bón, sử dụng cho các vườn cây, vườn rau… Thông qua các hoạt động, ý thức bảo vệ môi trường của CB-CS ngày càng được nâng lên.
Chiến sĩ Tạ Nguyên Đức, Phân đội Bộ binh xe tăng, đảo Trường Sa chia sẻ: “Qua các hoạt động, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, nhất là đối với những người đang làm nhiệm vụ giữa biển khơi. Việc bảo vệ môi trường biển không chỉ mang lại những lợi ích hiện tại, mà còn là bảo vệ môi trường biển sạch, giữ vững hệ sinh thái biển đa dạng trong tương lai”.