Bài cuối: Phát huy nội lực, lấy kinh tế làm trọng tâm

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hàng năm hơn 3%… tỉnh Gia Lai xác định triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, phát huy nội lực vươn lên của người dân và cộng đồng, lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững...

Nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng so với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn khá cao. Cụ thể, toàn tỉnh còn 38.550 hộ nghèo (chiếm 10,06%) và 37.253 hộ cận nghèo (chiếm 9,72%). Trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 21,2%, hộ cận nghèo DTTS chiếm 17,6%… Đơn cử như xã Ia Phí (huyện Chư Păh) có 1.744 hộ (gần 100% là DTTS) thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 17,6%, hộ cận nghèo 22,3%; xã Đak Rong vẫn còn 430 hộ nghèo (chiếm 36,3%) và 196 hộ cận nghèo (chiếm 16,5%); hay như xã Ia Kreng (huyện Chư Păh), vẫn còn 311 hộ nghèo (chiếm 54,5%) và 165 hộ cận nghèo (chiếm 28,8%)….

Hỗ trợ sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại làng Đê Kôn, huyện Mang Yang. Ảnh: K. Ngọc

Hỗ trợ sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại làng Đê Kôn, huyện Mang Yang. Ảnh: K. Ngọc

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Đỗ Văn Đông cho biết: nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2022 được cấp vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, tư liệu sản xuất còn thiếu, trình độ năng lực, chuyên môn kỹ thuật của người dân còn thấp dẫn đến việc phấn đấu thoát nghèo còn chậm; nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động...

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Nguyễn Tiến Đãng chia sẻ, năm 2022, tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện không đạt kế hoạch tỉnh giao. Do người dân còn chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên toàn huyện phát sinh 228 hộ nghèo. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các chỉ số đánh giá giảm nghèo đa chiều vẫn còn là vấn đề nan giải.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Rcom Sa Duyên cho rằng, công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn do hình thức hỗ trợ việc làm chưa đa dạng; việc huy động nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo chưa nhiều, chủ yếu vẫn sử dụng ngân sách nhà nước, chưa khai thác và huy động hết nguồn lực tại chỗ... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cũng gặp vướng mắc khi một số dự án, tiểu dự án chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể; kinh phí hàng năm Trung ương phân bổ muộn.

Theo UBND tỉnh, một trong những “điểm nghẽn” trong công tác giảm nghèo là một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn chưa tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến để mang lại thu nhập cao… Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu; việc huy động nguồn lực xã hội hóa còn nhiều hạn chế; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện giảm nghèo bền vững ở một số địa phương thiếu sâu sát; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn nghèo để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiêu thụ, chế biến sản phẩm và cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chất lượng giáo dục, y tế tại các xã khó khăn chưa được cải thiện… Bởi vậy, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, nhiều năm không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Chú trọng giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm hơn 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%/năm… UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng; lấy phát triển kinh tế là trọng tâm để giảm nghèo bền vững; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân…

Cùng với đó, đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”, khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… Đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát giúp hộ nghèo tiếp cận các chính sách hiện có, nhất là chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh; lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin truyền thông cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Mục đích nhằm tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân thiếu hụt các chỉ số đo lường giảm nghèo đa chiều chưa được tiếp cận…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, cần kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với công tác giảm nghèo bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, đặc biệt chú trọng mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào DTTS. Cơ quan thường trực và các địa phương rà soát, bổ sung số liệu, phân tích làm rõ tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nói chung và hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS nói riêng. Thực hiện phương châm tỉnh phân tích huyện, huyện phân tích xã và phải cụ thể đến từng thôn, làng, hộ dân…

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, thống nhất triển khai thực hiện, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, vì đích đến cuối cùng vẫn là giảm nghèo bền vững… “HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tăng cường giám sát, phản biện xã hội và có những phản hồi để UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa công tác giảm nghèo ngày càng đi vào thực chất”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch đề xuất.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi%C2%A0phat-huy-noi-luc-l%E1%BA%A5y-kinh-t%E1%BA%BF-lam-tr%E1%BB%8Dng-tam-i329988/