Bài cuối: Quyết liệt, đồng bộ hơn nữa

Một trong năm mục tiêu Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt ra là xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, nền công vụ chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội đã có bước đột phá với 'cuộc cách mạng' về phân cấp, ủy quyền; nhưng với những thách thức đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa trong thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU.

Cải cách từ “gốc”

Hà Nội thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” khi lĩnh vực này được coi là khâu đột phá, đã có nền nếp từ những năm trước. Vì vậy, cải cách hành chính với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như hoàn thiện bộ phận “một cửa”, cải cách hệ thống thủ tục hành chính, cải cách thể chế, ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng vào quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức... tiếp tục được triển khai đồng bộ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, bằng tư duy khoa học, đổi mới và phong cách hành động, dám nghĩ, dám làm, Thành ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, trong đó cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, phải tập trung ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Đây là lĩnh vực khó khăn, gai góc nhưng kết quả đạt được đến nay đã khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn, một bước đi đột phá. Theo đánh giá của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, chủ trương phân cấp, ủy quyền thực sự là “cuộc cách mạng” trong cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thực hiện Đề án Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, Hà Nội đã rà soát tổng thể trên cả công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, thành phố đã nghiên cứu, đề xuất tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, với 210 nhiệm vụ chính. Đồng thời, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, chiếm 45,6% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố. Kết quả này tăng 6 lần so với trước đó (trước đó có 91 thủ tục hành chính, chiếm 5,31% trên tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện được phân cấp, ủy quyền).

Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền chính là cải cách hành chính từ “gốc”, đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương: “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”. Có thể nói, phân cấp, ủy quyền đang tạo động lực cho hàng loạt sự đổi mới quan trọng khác. Đây cũng chính là mục tiêu mà Chương trình số 01-CTr/TU đề ra.

Truyền tỏa tinh thần đổi mới

Quyết tâm từ thành phố đã truyền tỏa tinh thần đổi mới xuống các cấp, ngành, địa phương. Khẩn trương tiếp nhận và thực hiện các thủ tục được ủy quyền, đến nay, mọi hoạt động của quận Cầu Giấy diễn ra thuận lợi, thông suốt. Cấp thành phố (bao gồm UBND thành phố, sở, ngành) đã ủy quyền 142 thủ tục hành chính cho UBND quận; ủy quyền trực tiếp cho các phòng 6 thủ tục hành chính, phường 1 thủ tục hành chính. UBND quận Cầu Giấy cũng đã ủy quyền trực tiếp tới các phòng 27 thủ tục hành chính, cấp phường 1 thủ tục hành chính. Phòng Tư pháp quận ủy quyền cho cấp phường giải quyết 3 thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết: “Việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý là một bước đột phá trong cải cách hành chính. Qua đó, góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo động lực nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính”.

Ngày 23-3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Trong đó, quận Hoàn Kiếm vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của khối quận, huyện với kết quả chỉ số đạt 96,08%. Đây là bước tiến nổi bật của quận Hoàn Kiếm sau nửa nhiệm kỳ triển khai các nội dung cụ thể hóa Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy đặt trọng tâm vào: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị”.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Khánh thông tin, đến nay 17/18 phường đã ban hành quyết định ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện việc ký chứng thực nhằm cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí và thời gian của người dân. Quận tiếp tục tổ chức triển khai ủy quyền đối với 163 thủ tục hành chính cấp thành phố và quận.

Tại Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Phùng Khải Lợi, các cơ quan, đơn vị trong khối đã công bố danh mục 857 thủ tục hành chính; thay thế 68 thủ tục hành chính, bãi bỏ 750 thủ tục hành chính; ban hành 18 quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. “Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ”, đồng chí Phùng Khải Lợi chia sẻ.

Còn tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt theo chỉ đạo của Thành ủy, đến nay, tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính trước hẹn và đúng hẹn cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 99%. 100% xã, thị trấn trong huyện được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, qua đó nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU, kết quả phân cấp, ủy quyền vừa qua mới chỉ là bước đầu, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Và sâu xa hơn, cùng với phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền thủ tục hành chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy, con người, các cơ quan liên quan cũng sẽ phải sắp xếp lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Vừa qua, thành phố đã tiến hành việc này đối với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố; tới đây sẽ tiếp tục làm đối với các sở, như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch và Kiến trúc, Xây dựng...

Bên cạnh đó, trong công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khi các chỉ số, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vẫn còn ở mức chưa cao, chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô Hà Nội. Đó là thách thức rất lớn mà các cấp, các ngành phải chung sức, đồng lòng, tiếp tục cố gắng vượt qua.

Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo Thành ủy thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU xác định trong những năm tiếp theo, với quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nghi-quyet-doi-song/1061756/bai-cuoi-quyet-liet-dong-bo-hon-nua