Bài cuối: Sửa quy định để ngăn chặn từ sớm, từ xa

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn - Công ty Luật E&D cho rằng, để ngăn chặn từ sớm, từ xa việc thành lập các 'doanh nghiệp ma', bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản về trình tự thủ tục thì vẫn phải có các điều kiện, nguyên tắc cụ thể đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp được quy định khá đơn giản. Ảnh tư liệu.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp được quy định khá đơn giản. Ảnh tư liệu.

PV: Thời gian qua, lợi dụng sự thông thoáng trong khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp, nhiều cá nhân đã lập các “doanh nghiệp ma” để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Bà nhìn nhận thế nào về thực trạng trên?

LS. Đỗ Thị Thanh Nhàn: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp thì trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được rút gọn và đơn giản hơn so với trước đây. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu các chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, lợi dụng những điều kiện thuận lợi này, nên nhiều cá nhân đã thành lập ra các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động trái pháp luật nhằm trục lợi. Các công ty này được thành lập ra không phải mục đích để hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà mục đích để thực hiện các hoạt động trái pháp luật như: hoạt động rửa tiền; mua bán hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thời gian qua, nhóm tội phạm này đã gia tăng với thủ đoạn ngày một tinh vi, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường kinh doanh, làm thất thu ngân sách và việc kiểm tra giám sát của nhà nước về sự tuân thủ trong hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng cần quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp, quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà cá nhân làm đại diện pháp luật. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?

LS. Đỗ Thị Thanh Nhàn: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp được quy định khá đơn giản, với nguyên tắc là: “Người thành lập doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo”.

Do đó, ngay từ khâu phê duyệt hồ sơ đăng ký thành lập cũng sẽ khó kiểm soát các thông tin đăng ký, không phát hiện được các dấu hiệu bất thường, cho đến khi các “doanh nghiệp ma” thực hiện các hoạt động trái pháp luật một thời gian thì mới bị phát hiện và lúc đó đã gây hậu quả, thậm chí hậu quả rất xấu đã xảy ra.

Vì vậy, việc quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, phải chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp, quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật, là những biện pháp thanh lọc ban đầu để giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn trong khâu phê duyệt hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Việc này sẽ hạn chế tình trạng sử dụng thông tin giả mạo và kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường như một cá nhân làm đại diện pháp luật của nhiều công ty…, từ đó hạn chế tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan nhằm mục đích xấu, ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường kinh doanh, do đó theo tôi đây là nội dung phù hợp.

PV:Tổng cục Thuế đã đề xuất sửa quy định tại nghị định đăng ký kinh doanh để rút ngắn thời gian thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm còn 90 ngày. Theo bà, đề xuất này có giúp cơ quan quản lý thuận lợi trong giám sát hoạt động của doanh nghiệp?

LS. Đỗ Thị Thanh Nhàn: Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về đề xuất quy định rút ngắn thời gian xuống còn 90 ngày nếu doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký thì sẽ bị xem xét để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Về nguyên tắc, doanh nghiệp ngừng, hoặc tạm ngừng hoạt động thì đều phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động và không chấp hành việc báo cáo trong thời hạn 1 năm mới bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chưa phù hợp, vì tôi cho rằng, thời hạn 1 năm là hơi dài.

Trong khi đó, hoạt động “hậu kiểm” phải được tiến hành kịp thời, liên tục, thường xuyên, đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước sớm phát hiện ra những bất thường, những dấu hiệu vi phạm pháp luật của các công ty “ma” và kịp thời ngăn chặn, tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Vì vậy theo tôi, đề xuất này giúp nâng cao hiệu quả đối với việc giám sát doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Xin cảm ơn bà!

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung

Theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý hoạt động kinh doanh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để dễ dàng phối hợp và phát hiện những sai phạm, bất thường trong hoạt động của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dễ dàng tra cứu và quản lý dữ liệu.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-cuoi-sua-quy-dinh-de-ngan-chan-tu-som-tu-xa-160219-160219.html