Bài cuối: Tăng cường giám sát của Quốc hội

Để công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới thực sự 'không có vùng cấm', 'không có ngoại lệ', kết hợp được giữa 'xây' và 'chống', tạo bước đột phá mới, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội ngay cả đối với các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng.

Bài 1: Hoàn thiện cơ chế phối hợp

Chưa có giám sát chuyên đề

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là quy định về giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại Điều 7. Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Còn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách; riêng Ủy ban Tư pháp có thêm nhiệm vụ, chức năng giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

Song theo Vụ trưởng Vụ Tư pháp Hoàng Nam Hải, từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gần như chưa thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Có chăng thì trong quá trình giám sát chuyên đề về một nội dung nào đó có lồng ghép hoạt động phòng, chống tham nhũng nhưng chưa thực sự rõ nét. Vì vậy, đã có ý kiến đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh pháp luật thích hợp theo hướng giao toàn bộ hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng cho Ủy ban Tư pháp. Đồng thời, quy định trách nhiệm phối hợp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khi Ủy ban Tư pháp tiến hành giám sát về phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác phụ trách.

Thực tiễn cũng cho thấy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Phòng, chống tham nhũng chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giám sát công tác phòng, chống tham nhũng nên hiện nay việc giám sát của mỗi Ủy ban thực hiện theo những trình tự khác nhau, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Đồng tình với chia sẻ này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, thực tế tham nhũng có thể phát sinh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng vì vậy cũng bao trùm tất cả hoạt động thuộc lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách. Do đó, trong quá trình giám sát việc tổ chức thực hiện, thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần xem nhiệm vụ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị cơ bản cần phải thực hiện. Đồng thời cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, liên tục để khắc phục những khó khăn, trở ngại về nguồn nhân lực, quỹ thời gian, số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ…

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Hồ Long

Có thể có nghị quyết riêng

Hiện, hoạt động xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo của các đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng có tác động lớn đến các phương thức giám sát khác. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã có quy định Quốc hội xem xét, quyết định ban hành nghị quyết về xem xét báo cáo với những yêu cầu cụ thể về nội dung. Tuy nhiên trên thực tế kết quả xem xét các báo cáo thường được nêu trong các nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc nghị quyết kỳ họp Quốc hội, ít có nghị quyết riêng cho báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là một điểm cần lưu ý để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương thức giám sát thời gian tới.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Tự Nam, Kết luận số 12-KL/TW ngày 6.4.2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu “phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu dân cử trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”; “tăng cường công tác giám sát, tập trung giám sát ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc”.

Như vậy, để thực hiện chủ trương “kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng”, Quốc hội cần tăng cường giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan này thông qua phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, tăng cường giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, về trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Trong chất vấn cần chú trọng tới việc ban hành nghị quyết sau chất vấn, nội dung của nghị quyết phải xác định rõ hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và trách nhiệm cụ thể của cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng cũng như trách nhiệm của người đứng đầu.

Giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng là một công việc khó khăn, phức tạp, trong tổ chức thực hiện khó tránh khỏi những lúng túng, hạn chế về năng lực, cách thức tiến hành. Do đó cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động qua các nhiệm kỳ, ông Nguyễn Đình Quyền lưu ý thêm.

Anh Dũng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/bai-cuoi-tang-cuong-giam-sat-cua-quoc-hoi-i292728/