Bài cuối: Thực hiện những giải pháp linh hoạt, phù hợp
Những năm gần đây, thanh niên có trình độ cao được ưu tiên tuyển chọn nhập ngũ để vừa góp phần nâng cao chất lượng quân đội nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự hiệu quả, vừa tạo nguồn cán bộ cho địa phương khi xuất ngũ. Tuy nhiên, sau khi xuất ngũ, những khó khăn do thiếu việc làm khiến nhiều đảng viên là quân nhân xuất ngũ mất đi cơ hội cống hiến xây dựng địa phương. Để khắc phục những vấn đề đang đặt ra, rất cần sự quan tâm của các cấp thông qua việc thực hiện những giải pháp linh hoạt, phù hợp.
Tư vấn đào tạo nghề góp phần định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm ổn định cho quân nhân xuất ngũ.
Cấp ủy quan tâm, đồng hành
Theo khảo sát, trong số quân nhân xuất ngũ hằng năm của thành phố có khoảng 15% được quy hoạch làm cán bộ nguồn ở các địa phương; khoảng 40% được cử đi học, bổ sung vào lực lượng dự bị động viên; khoảng 30% đăng ký đi học nghề; số còn lại làm công nhân và nghề tự do. Thực trạng này cho thấy, việc làm, thu nhập của quân nhân xuất ngũ còn nhiều khó khăn.
Đảng viên Vũ Duy Hùng (ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Để giúp những đảng viên phải đi làm xa như tôi được tham gia sinh hoạt Đảng đều đặn, chi bộ cần có sự vận dụng linh hoạt trong việc sinh hoạt, đóng góp ý kiến với tổ chức Đảng. Cho phép đảng viên có thể đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về chi bộ, đảng bộ. Chúng tôi cũng luôn mong có sự động viên của cấp ủy và các đảng viên trong chi bộ để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, gắn bó với Đảng”.
Rõ ràng, cùng với sự nỗ lực của đảng viên thì sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, giúp họ vươn lên trong cuộc sống đóng vai trò rất quan trọng. Bí thư chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) Trịnh Xuân Toan thường xuyên giữ liên lạc với từng đảng viên, nhất là đảng viên bộ đội xuất ngũ đi làm xa.
Bí thư chi bộ Trịnh Xuân Toan cho biết, trước mỗi cuộc họp quan trọng, các buổi sơ kết, tổng kết, ông trực tiếp điện thoại thông báo để đảng viên đi làm xa chủ động sắp xếp công việc về dự. Mặc dù có giấy tạm miễn sinh hoạt nhưng ông vẫn yêu cầu mỗi đảng viên đi làm xa tối thiểu phải dự sinh hoạt chi bộ một lần trong năm để nghe phổ biến về những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, ông thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với gia đình, hàng xóm, bạn bè của đảng viên đi làm xa, coi đây là một kênh giúp nắm bắt, thu thập thông tin về họ.
Để động viên, khích lệ đảng viên trẻ là quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt Đảng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) Trần Thị Vân khẳng định: “Lãnh đạo xã thống nhất chủ trương tạo thuận lợi để đảng viên xuất ngũ có trình độ trung cấp, cao đẳng nếu có nguyện vọng sẽ được bố trí vào lực lượng công an xã. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các chi bộ sắp xếp thời gian sinh hoạt Đảng phù hợp để những đồng chí làm việc tại doanh nghiệp hoặc đi làm xa có thể tham gia sinh hoạt đầy đủ”.
Phối hợp đồng bộ, hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, định hướng việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan quân sự với các cơ sở dạy nghề. Trong đó, chính quyền cơ sở phải thể hiện được vai trò trong việc kết nối với các doanh nghiệp, khảo sát, lập danh sách cụ thể bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm ổn định để hỗ trợ.
Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt nêu quan điểm, khi đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, tạo điều kiện cho họ rèn luyện phấn đấu, khi cần có thể bố trí, sử dụng.
Mặt khác, các đơn vị quân đội cần tăng cường giáo dục rèn luyện và kết nạp vào Đảng những chiến sĩ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thời gian tại ngũ. Làm tốt việc này, không những góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong quân đội mà còn tạo điều kiện để các chiến sĩ khi xuất ngũ đóng góp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở...
Cũng nhằm khắc phục tình trạng đảng viên bộ đội xuất ngũ không mặn mà với công việc được địa phương bố trí do thu nhập không như mong muốn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ba Đình Đặng Văn Tường kiến nghị, các đơn vị quân đội cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng những quần chúng ưu tú để khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao phó khi tại ngũ cũng như xuất ngũ trở về địa phương. Khi đảng viên bộ đội xuất ngũ, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng cần tiếp tục quan tâm đến công tác này. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên hơn nữa dành cho họ khi tuyển dụng vào hệ thống chính trị ở địa phương.
Với mong muốn tạo nguồn cán bộ trẻ từ đảng viên bộ đội xuất ngũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành chia sẻ: “Thành phố đã làm tốt công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú trước khi nhập ngũ để có thể được kết nạp Đảng khi tại ngũ. Vì vậy, khi quân nhân là đảng viên xuất ngũ cần tiếp tục có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho họ để có thể bố trí, sử dụng lâu dài trong hệ thống chính trị”.
Có giải pháp thích đáng, quan tâm tạo điều kiện cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ, tin chắc rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, họ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội, “truyền lửa” cho những thế hệ kế tiếp, sẵn sàng lên đường nhập ngũ và phấn đấu rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, phát huy tốt vai trò của đảng viên bộ đội xuất ngũ còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới.