Bài cuối: Toàn dân đoàn kết thi đua đẩy lùi Covid-19
Trong những lúc cam go, gian lao, vất vả, Nhân dân các dân tộc Lào Cai lại càng phát huy tinh thần đoàn kết và những ngày qua, lá cờ đoàn kết tiếp tục được giương cao để tạo nên sức mạnh đẩy lùi nguy cơ dịch Covid-19. Mỗi hành động nhỏ lúc này theo chiều tích cực, thậm chí chỉ là tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế cũng là những đóng góp lớn cho cộng đồng.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống Covid-19
Khi biết chị là người đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để cắt may và mua khẩu trang, nước sát khuẩn hỗ trợ người dân phòng dịch thì tôi hình dung chị là người có điều kiện kinh tế khá giả, cuộc sống an nhàn nhưng kỳ thực, mọi sự đều ngược lại. Đó là chuyện về chị Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1965 ở thôn Pèng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai.
Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đơn sơ của chị Hường, nổi bật nhất có lẽ là chiếc máy khâu hiệu “Con bướm” tại gian chính giữa, bắc chéo ngay lối ra vào - vật dụng mà chị Hường bảo đã nuôi sống gia đình mấy chục năm trời. Chị Hường có điều kiện eo hẹp, khó khăn tới mức không đủ vốn mua vải về cắt may đồ cho khách, chỉ ai mang vải tới, sửa quần, áo chị mới nhận làm. Sức khỏe cũng là vấn đề do cách đây mấy năm chị phải mổ u tuyến giáp. Chồng chị cũng không hỗ trợ được nhiều vì việc làm thuê, làm mướn vốn thu nhập bấp bênh.
Trong hoàn cảnh ấy, suốt mấy tháng qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Hường vẫn luôn miệt mài với việc cắt may những chiếc khẩu trang vải 2 lớp để phát miễn phí cho người dân địa phương. Số tiền dành dụm được từ việc sửa chữa quần áo, chị dành toàn bộ để mua vải, chỉ may. Có ngày chị làm việc từ sáng sớm tới đêm muộn, ngày như thế được khoảng 50 khẩu trang 2 lớp. Sản phẩm của chị có hàng chục màu sắc nhưng được người dân xã Hợp Thành ưa dùng vì là loại vải in họa tiết chim công, hoa mẫu đơn đỏ trên nền trắng (vỏ chăn con công).
Nhà giáp mặt đường chính của xã nên lúc giải lao, đầu giờ sáng, cuối buổi chiều, chị Hường lại bắc ghế ra cổng, ai đi qua không đeo khẩu trang chị đều vẫy lại để phát miễn phí sản phẩm mình làm ra. Rồi ngày chợ phiên Hợp Thành nào chị cũng có mặt, khệ nệ bê từng bịch khẩu trang phát cho người dân đi chợ. Mới đây, chị còn quyết dùng số tiền con cái cho mua thuốc bổ bồi dưỡng để mua 4 hộp khẩu trang phát cho người dân vì một số người không thích đeo khẩu trang vải, nhất là nam giới.
Cũng có nhiều việc làm tốt là bà Vàng Thị Mai ở thôn Ma Chóa Sủ, điển hình trong tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại xã biên giới Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương. Bà Mai luôn nhắc người trong dòng họ Vàng không vượt biên trái phép qua biên giới để làm thuê, trong thôn có ai đi xa về cũng không được che giấu. Bà nói đúng nên mọi người nghe theo. Lúc rảnh rỗi, bà tìm tài liệu, thông tin về quy định 5K của Bộ Y tế để thông tin cho bà con. Cách nói của bà Mai đơn giản nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận, ví như bà khuyên mọi người đi chợ phiên nếu thấy ai bán hàng mà không đeo khẩu trang thì không lại gần. Với những người bán hàng bà lại khuyên nếu thấy ai không đeo khẩu trang thì từ chối bán hàng hoặc nhắc nhở thực hiện. Giờ đây, người dân trong thôn Ma Chóa Sủ ai đi ra khỏi nhà đều đeo khẩu trang, thậm chí cả khi một mình lên nương, lên đồi. Hăng hái, nhiệt tình, tuổi đã cao nhưng bà Mai vẫn tình nguyện xin làm thành viên Tổ tự quản phòng, chống dịch của thôn. Bà bảo, bình thường hoạt động một, khi có dịch bệnh thì mỗi người cần phải thực hiện gấp hai, ba lần, như thế mới đủ sức đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh.
Hoặc chuyện về chị Nguyễn Thị Thúy Yên ở thôn Ngầm Thỉn, xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn. Nhà ở của gia đình chị ngay gần nút IC16, lối lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Từ khoảng 2 tháng qua, nắng như đổ lửa xuống các chốt kiểm soát dịch tại nút IC16, nơi có các cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng dân quân, cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ khiến chị Yên rất ái ngại. Vậy là ngày nào chị cũng tự mình nấu một thùng nước to, hôm thì nước chè, hôm thì nước vối, hôm lại nước lá cây và đá mang ra ủng hộ miễn phí các chốt. Hôm nào nắng nóng, nước đá được sử dụng hết là chị vui lắm vì biết mình đóng góp một phần công sức vào cuộc phòng, chống dịch.
Buổi chúng tôi tới gặp cũng là lúc chị Nguyễn Thu Hà ở tổ 7, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên cùng một số người trong nhóm thiện nguyện vừa rang khô mấy yến ruốc thịt để đóng hộp, gửi ủng hộ vùng trọng điểm dịch tỉnh Bắc Giang. Những hộp ruốc thơm ngậy được xếp ngay ngắn bên cạnh những bịch khẩu trang y tế lớn chuẩn bị chuyển về Bắc Giang, chúng tôi không khỏi cảm động.
Chị Hà còn cho biết thêm, trong tháng 5/2021, chị đã vận động người thân, bạn bè được 22,5 triệu đồng và 4 thùng khẩu trang (trị giá 5 triệu đồng) để ủng hộ các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn huyện Bảo Yên. Nói về việc làm của mình, chị bảo: Mình vẫn cứ cố gắng cho đến khi nào hết dịch thì thôi. Để dịch bùng phát khắp nơi thì cuộc sống bình thường của mình cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa.
Còn với ông Nguyễn Quang Xuyên ở tổ dân phố số 5, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, việc lần đầu tiên được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích chống Covid-19 là phần thưởng đặc biệt. Ông Xuyên luôn tâm niệm, công tác xã hội không vì danh hiệu nhưng được tặng Bằng khen khiến ông có thêm động lực lớn để cống hiến. Thời gian qua, không chỉ tích cực tham gia vận động, tuyên truyền, ông Xuyên còn cùng các thành viên Tổ phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng công an phường Kim Tân kiểm soát chặt lượng người, phương tiện ngoại tỉnh đến chợ nông sản đầu mối (chợ Kim Tân) thuộc địa bàn tổ dân phố quản lý. “Chợ hoạt động từ nửa đêm đến gần sáng, anh em trong tổ khi tiếp cận với người ngoài địa phương cũng phát sinh nhiều vấn đề. Có lúc chúng tôi bị phản ứng gay gắt, không giải quyết được thì báo cho cơ quan công an xử lý”, ông Xuyên nói.
Không thể kể xiết những tấm gương, việc làm bình dị, giản đơn nhưng cao quý, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc, ủng hộ, những hành động thiết thực của mỗi người dân đã làm nên “phòng tuyến, trận địa vững chắc” trước các làn sóng nguy cơ dịch Covid-19.