Bài cuối: Triển khai giải pháp mang tính dài hơi, bền vững
Theo các chuyên gia môi trường, để hoạt động phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả cao về kinh tế, mang lại lợi ích về môi trường, tỉnh Đồng Nai cần tiến hành những giải pháp mang tính dài hơi và bền vững. Theo đó, song song với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, áp dụng chế tài xử phạt phù hợp; cần nhân rộng những mô hình điểm để hoạt động phân loại rác thực sự trở thành thói quen thường xuyên, hàng ngày của người dân.
Bài 1: Những chuyển biến bước đầu
Bài 2: Còn khiêm tốn và chưa đồng đều
Bài 3: Đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển
Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các bên
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Minh Đức, theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bắt buộc phân loại rác thải tại các hộ gia đình và tính phí rác thải theo khối lượng. Những hộ nào không phân loại sẽ không được thu gom; hộ nào phân loại, lượng rác tái chế sau phân loại sẽ được thu gom miễn phí, nếu không sẽ phải trả phí cho toàn bộ lượng rác thải ra. Điều đó đòi hỏi, thời gian tới, các địa phương phải nâng cao hơn nữa công tác phân loại rác thải tại nguồn, từ ấp đến xã cần có phương án cụ thể, tuyên truyền vận động người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Phạm Lê Nhân, Bí thư xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết, việc tuyên truyền cho người dân về phân loại rác thải tại đã được địa phương triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay ý thức của nhiều người dân chưa đạt với nhu cầu thực tế. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Theo đó, phải tuyên truyền để người dân hiểu việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là trách nhiệm, nghĩa vụ, nhằm góp phần giữ môi trường trong lành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát; một người cán bộ có thể giám sát không tốt nhưng nhiều người cùng giám sát, sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Để hoạt động phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả và bền vững, theo ý kiến của các chuyên gia, phân loại rác thải cần được áp dụng tương tự như trước đây quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; có thể ban đầu nhiều người không thích, không tuân thủ, nhưng khi bị phạt, sẽ nhớ và thực hiện, lâu dần hình thành thói quen. Việc áp dụng chế tài xử phạt đổ trộm và không phân loại rác có thể được căn cứ thông qua kiểm tra trực tiếp bởi đoàn liên ngành, tổ phản ứng nhanh của các phường, xã và qua hệ thống camera giám sát được kết nối với Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Triển khai chương trình có trọng tâm, trọng điểm
Để hoạt động phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả cao, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, cần xây dựng kế hoạch triển khai bài bản về động bộ, với nhiều hình thức khác nhau, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đi trước một bước trong việc xác định nhóm đối tượng nào cần triển khai trước, nhóm nào sẽ triển khai sau, vừa làm, vừa điều chỉnh trước khi triển khai đồng loạt.
Thực tế, để giải bài toán khó về sự quá tải trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Biên Hòa, mới đây, thành phố đã tái khởi động Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đồng loạt trên địa bàn. Đây là một trong những chương trình trọng tâm mang tính lâu dài để giải quyết tình trạng quá tải trong xử lý rác sinh hoạt của một thành phố hơn 1,2 triệu dân.
UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn phải thực hiện trước, sau đó nhân rộng trong cán bộ, đảng viên thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nhà mình để làm gương cho người dân hưởng ứng tham gia. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức Ngày hội Ra quân vệ sinh môi trường, Ngày hội Phân loại đổi chất thải lấy quà lồng ghép với tuyên truyền đến người dân tại các phường, xã việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Đồng thời, chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để xây dựng được thói quen phân loại rác ở người dân, sau đó là áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, đó là phạt tiền hoặc từ chối thu gom chất thải đối với hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không phân loại rác.

Ứng dụng xử lý chất thải thực phẩm bằng IMO (sinh vật bản địa) tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Ảnh: NT
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Theo các chuyên gia, phân loại rác thải tại nguồn như một mũi tên trúng nhiều đích; sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác phải xử lý, chôn lấp; tận dụng rác thải để tái chế thay thế một phần nguồn tài nguyên; tạo ra những sản phẩm có lợi từ rác như rác hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón… Vì vậy, cần khuyến khích người dân phân loại rác thải, nhân rộng những mô hình điểm tại địa phương.
Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là một địa phương tiên phong đi đầu về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời ứng dụng thành công xử lý chất thải thực phẩm bằng IMO (sinh vật bản địa). Đây là loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương; tạo ra các vi sinh vật rất khỏe và có hoạt tính sinh học cao và rất tốt cho việc sử dụng vào mục đích canh tác.
Thực tế, từ năm 2020 một số xã của huyện Vĩnh Cửu như Tân Bình, Hiếu Liêm, Vĩnh Tân… đã thành công trong việc áp dụng chế phẩm IMO xử lý rác thành phân, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng làm phân bón, chống các loại côn trùng gây hại phát triển diện tích vườn cây ăn trái gồm các loại cây có múi như cam, bưởi lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Sử dụng IMO sẽ giúp người nông dân tận thu được các phụ phẩm nông nghiệp ở trong vườn như trái non, trái rụng, rau rác, tất cả cho vào hầm, bồn và đổ men vào ngâm sau đó đem ra sử dụng.
Ngoài ra, việc ủ rác thải thành phân từ chế phẩm IMO cũng giúp giải quyết phần nào bài toán xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải hữu cơ phát sinh từ rác thải sinh hoạt. Mô hình này còn được ứng dụng để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, tại các điểm tập kết rác tạm…
Đây là chương trình mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm rác thải sinh hoạt ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Từ huyện Vĩnh Cửu, mô hình này đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.