Bài cuối: Vững vàng trên trận tuyến chống đói nghèo
Nhiều cựu chiến binh Thủ đô đã ở vào tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn không ngừng chảy trong con tim và khối óc của họ. Đó chính là nguồn sức mạnh để mỗi cựu chiến binh luôn vững vàng trên trận tuyến chống đói nghèo, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Những việc làm tình nghĩa ấy của các cựu chiến binh cũng là cách tiếp thêm ý chí, nghị lực để thế hệ trẻ noi theo.
Nghị lực vượt khó
“Đánh giặc ngoại xâm đã khó nhưng cuộc chiến chống đói nghèo còn gian nan hơn gấp nhiều lần”, cựu chiến binh Trần Thanh Bình (sinh năm 1950, ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) mở đầu câu chuyện của mình giản dị như vậy.
Cựu chiến binh xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, chàng thanh niên Trần Thanh Bình tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ dù thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự. Năm 1975, ông Bình trở về địa phương với mong muốn được làm giàu ngay trên quê hương, nhưng nếu chỉ làm ruộng thì không thể giàu có.
Từ băn khoăn, trăn trở ấy, ông khăn gói vào chiến trường xưa, tìm gặp người quen học cách làm ăn. Được bạn chỉ bảo tận tình, ông về quê phát triển nghề đã học. Nhưng vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên việc kinh doanh không thành.
“Tôi quyết làm lại từ đầu. Lần này tôi lên miền núi phía Bắc thu mua sắn về bán và học hỏi nghề xây dựng. Cứ thế, từ chỗ đi làm thuê cho người ta, tôi thu hút thợ về làm cho mình”, ông Bình kể. Đến nay, ông Trần Thanh Bình là Giám đốc Công ty Vật tư xây dựng Thanh Bình, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương, doanh thu đạt 15-20 tỷ đồng/năm.
Sau khi được nghỉ chế độ, cựu chiến binh Vũ Mạnh Lịch (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cùng một số cựu chiến binh đã góp vốn mở doanh nghiệp vận tải. Ban đầu, Công ty cổ phần Vận tải thương mại Lịch Sự chỉ có 3 xe chuyên chở muối từ Nam Định lên Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu. Nhờ làm ăn có uy tín, không lâu sau, ông Lịch cùng đồng đội mở rộng thị trường. Hiện nay, công ty đã có 30 đầu xe vận chuyển hàng hóa và doanh thu của đơn vị hiện đạt 18 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều người.
Tương tự ông Trần Thanh Bình, ông Vũ Mạnh Lịch, với ý chí kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, trở về với đời thường, hàng chục nghìn cựu chiến binh Thủ đô thời gian qua đã phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.
Trong số đó không thể không nhắc tới mô hình trồng rau sạch của cựu chiến binh Phạm Văn Tá ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì). Không chỉ phát triển tốt tại địa bàn huyện Thanh Trì và tỉnh Hà Nam, cựu chiến binh Phạm Văn Tá, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Hà Nội còn giúp đỡ vốn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm măng tây, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo hàng nghìn việc làm cho cựu chiến binh huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai)...
Cùng giúp nhau thoát nghèo
Khi thành công trong sự nghiệp, nhiều cựu chiến binh đã tích cực giúp đỡ đồng đội và tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa. Điển hình như cựu chiến binh Vũ Mạnh Lịch nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhận nuôi dưỡng 3 cháu mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Cựu chiến binh Trần Thanh Bình nhận phụng dưỡng 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Tam Đồng (huyện Mê Linh); mỗi năm ủng hộ cả chục triệu đồng cho hoạt động khuyến học và các công tác khác của địa phương; ủng hộ hai xã Chu Phan, Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) 50 triệu đồng để xây dựng sân chơi thể thao.
Trong 3 năm qua, ông Bình cũng đã tặng 40 suất quà cho 40 gia đình liệt sĩ trên địa bàn huyện, trị giá gần 30 triệu đồng. Đặc biệt, ông còn vận động được 350 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho 5 gia đình chính sách.
Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là nét tiêu biểu của cựu chiến binh Thủ đô. Từ thực tế này, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai Đề án 03 “Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát và hoạt động tình nghĩa”.
Thực hiện đề án này, 2.542 cơ sở sản xuất do cựu chiến binh làm chủ cùng hàng vạn gia đình cựu chiến binh làm kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh với các mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, gia trại… đã vào cuộc rất tích cực.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mừng (thôn Trung, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức) vừa được Hội Cựu chiến binh huyện Mỹ Đức tặng 1 con bò sinh sản chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, bản thân bị suy thận nặng, thường xuyên phải đi viện điều trị. Tôi không biết nói gì hơn trước tấm lòng của đồng đội và sẽ chăm sóc bò tốt, nâng cao nguồn kinh tế cho gia đình”.
Cựu chiến binh Vũ Thanh Thảo, Trưởng ban Kinh tế Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội cho biết: “Tính từ năm 2014 đến nay, Hội Cựu chiến binh các cấp đã huy động từ nguồn đóng góp của hội viên xây dựng được 524 nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Hoạt động của các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và từ các nguồn khác thường xuyên được duy trì để giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập".
Đến nay, Quỹ “Tình nghĩa” do hội viên đóng góp đạt 9,7 tỷ đồng. Cùng với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn đóng góp của cựu chiến binh Thủ đô đã giúp hơn 32.000 hộ hội viên vay, góp phần giải quyết việc làm cho 39.385 lao động. Số hội viên thoát nghèo trong những năm qua là 4.121 trường hợp.
Những khó khăn chưa phải đã thôi thử thách ý chí và nghị lực của các cựu chiến binh, song không thể làm nản lòng những Bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Ý chí vươn lên làm giàu và tấm lòng tương thân, tương ái của các cựu chiến binh đang góp phần cùng địa phương xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.