Bài cuối: Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực
Không thể đẩy mạnh kinh tế số nếu thiếu đi nguồn nhân lực số. Đây hiện vẫn là một thách thức không riêng của Hà Nội. Xây dựng đủ, chất lượng nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế số của Thủ đô.
Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Thực trạng nguồn nhân lực của Hà Nội
Hà Nội nhiều năm qua dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Về tiềm lực giáo dục, Hà Nội là trung tâm giáo dục đại học, cao đẳng của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 100 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường học với hơn 660.000 sinh viên đến từ khắp các tỉnh, thành, chiếm 40% tổng số sinh viên cả nước.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội ngày càng được củng cố, tiếp tục có bước phát triển, chất lượng đào tạo không ngừng tăng lên, cung ứng nhân lực cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như cả nước. Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội…
Với rất nhiều những thế mạnh nổi bật về đào tạo và hệ thống đào tạo, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của kinh tế số nói riêng, chuyển đổi số nói chung thì nguồn nhân lực này vẫn chưa đảm bảo yêu cầu:
Thứ nhất là lao động tay nghề chưa cao, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế, đa phần các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Thứ hai hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, trường học, viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế nên chuyển giao công nghệ, đáp ứng vận hành công việc ngay của nhân lực mới ra trường vẫn còn chưa cao;
Chưa kể hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, việc khai thác nguồn nhân lực đã qua đào tạo chưa phát huy được hiệu quả. Trong khi đó, đối với kinh tế số, đòi hỏi về nhân lực lành nghề lại cao, đòi hỏi về khả năng ứng dụng công nghệ phải đáp ứng sự thay đổi nhanh của khoa học.
Để thực hiện chuyển đổi số nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng hiệu quả và bền vững, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, rất cần nhân lực số. Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực số từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu.
Theo Bộ trưởng, các đại học truyền thống cũng đã tới giới hạn về đào tạo vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam, nếu chậm sẽ lỡ mất cơ hội.
Hà Nội, ở vị thế trung tâm giáo dục, khoa học của cả nước phải đi đầu, đi trước với chiến lược phát triển nhân lực cho kinh tế số hiệu quả.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số
Tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND về “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của UBND TP Hà Nội, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số cũng được quan tâm.
Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng các video bài giảng trực tuyến và chi phí tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến thông qua các phần mềm dạy học trực tuyến để phổ biến kiến thức về chuyển đổi số miễn phí cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng internet;
Cung cấp miễn phí tài khoản truy cập vào hệ thống đào tạo chuyển đổi số trực tuyến; hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi sự kinh doanh theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số; hỗ trợ 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực hoạt động về kế hoạch, chiến lược, thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, chế biến về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, cần có hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp SME, các sở, ban, ngành kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội doanh nhân trẻ,… tổ chức các chuỗi hội thảo, giao lưu theo từng lĩnh vực kinh tế trọng điểm, như nông nghiệp, dịch vụ, thương mại,… chia sẻ về xu hướng và cách thức ứng dụng công nghệ số vào doanh nghiệp. Cùng với đó, các sở, ban, ngành làm đầu mối trung gian kết nối doanh nghiệp Start-up và SME với doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố, tạo cơ hội cho các Start-up và SME học hỏi và trao đổi, áp dụng các công nghệ số vào đơn vị thông qua các diễn đàn online, các chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nghiệp.
Vấn đề giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cần được chú ý từ cấp dưới, tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được thiết kế riêng cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó, đoàn viên, thanh niên sẽ đào tạo lại, lan tỏa đến người dân, bởi đây là lực lượng trẻ, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ, kỹ thuật.
Các diễn đàn trao đổi về kiến thức, thông tin chuyển đổi số; xu hướng, mô hình chuyển đổi số trong các khu vực/lĩnh vực cần hiệu quả hơn; giới thiệu gương mặt chuyển đổi số tiêu biểu và kinh nghiệm triển khai thành công. Tổ chức các phong trào/cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp, lập nghiệp; các chương trình hội thảo, tập huấn trên diện rộng cho đoàn viên, thanh niên về ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế. Tạo cơ chế, chính sách đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn...