Bãi đá Cà Dược và những người nhặt rác
Sóng biển, thủy triều, đặc biệt là hiện tượng nước trồi đã tạo nên những thắng cảnh tuyệt đẹp trên quê hương biển xanh, cát trắng, nắng vàng Bình Thuận. Bãi đá Cà Dược, còn gọi là bãi đá bảy màu nằm trong quần thể du lịch Cổ Thạch là một trong những tuyệt phẩm như thế của bà mẹ thiên nhiên. Tuy nhiên để giữ được trọn vẹn vẻ mỹ quan ấy, có những con người âm thầm, lặng lẽ, mỗi tuần hai lần, không quản nắng mưa, gió bấc, sóng tung, họ kiên trì, cặm cụi, lom khom, tỉ mỉ nhặt sạch từng cọng rác nhỏ.
Bãi đá Cà Dược và những người nh
Trong quần thể du lịch Cổ Thạch
Quần thể du lịch Cổ Thạch cách thành phố Phan Thiết 90 km thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Đó là bãi biển xanh biếc với những con sóng bạc đầu hiền hòa ì oạp đều đặn vỗ bờ.
Cổ Thạch Tự, điểm dừng chân thứ hai của Tổ Thiền tông Bảo Tạng Hải Bình, trong sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp về phương Nam. Chính nơi đây ông đã viết câu đối nổi tiếng: “Đạo khởi viễn hồ tai, tằng văn Tây hữu; Phật tức tâm nhi dĩ, thùy vị Nam vô”, (Đạo bắt đầu thật xa thay, từng nghe phương Tây có đạo; Phật là tâm ấy vậy, ai bảo người phương Nam không có Phật trong mình- bản dịch của Lam Điền). Và theo truyền thống hàng năm, cứ vào độ giữa tiết thanh minh tháng 3 lại diễn ra lễ hội hoa đăng trên biển Cổ Thạch thu hút hàng trăm tăng ni, phật tử tham gia. Việc truyền đăng từ ngọn đèn thiền tỏa của đức Phật, từ đó lan tỏa đến hàng trăm ngọn nến khác, tạo nên không gian lung linh, ấm áp.
Thắng cảnh bãi đá Cà Dược được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2020. Ảnh: Ngọc Lân
Đó là bãi rêu nổi tiếng được các nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế mê đắm. Hình ảnh khối đá “Bà Khòm” trên bãi rêu đã trở thành điểm nhấn trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Và đó là bãi đá Cà Dược, một kiệt tác độc đáo, đẹp đến kỳ diệu. Bãi đá kéo dài trên một đoạn bờ biển hình cánh cung dài gần 1 km, chiều rộng bãi đá lộ thiên khi thủy triều xuống lên đến hơn 300 m, lượng đá chồng dày gần 2 m. Với trữ lượng 244.000 m3, muôn ngàn viên đá đủ màu sắc và kích cỡ tạo nên quần thể tuyệt đẹp, độc đáo, có một không hai. Chính sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của hàng triệu triệu viên đá nhẵn thín, bảy màu cùng nét quyến rũ của biển cả mênh mông đã tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng du khách gần xa. Vào ngày 14/11/2020, lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tuy Phong phối hợp cùng UBND xã Bình Thạnh chủ trì buổi lễ đón nhận bằng di tích thắng cảnh cấp tỉnh bãi đá Cà Dược (bãi đá bảy màu) tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Việc được công nhận và đón bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh không chỉ là sự ghi nhận về giá trị vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh mà còn là hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.
Những người nhặt rác
Nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng, xám, đen… Đó là những viên đá màu chiếm phần nhiều trên bãi đá đặc biệt này. Về cấu trúc, đa phần là đá granit, riolit, đá vôi, cát kết, bột kết, sét kết, thạch anh nhiệt dịch, đá phiến thạch anh - mica... Cuội, cuội kết đặc trưng và rất phổ biến trong trầm tích bãi đá Cà Dược.
Bấc. Mùa thổi. Với không khí se lạnh thường làm cho nhiều người xao xuyến, nhưng với những người cặm cụi, lom khom nhặt rác trong cơn sóng gió trắng trời, trắng đất thì gió bấc thổi quả là thử thách. Họ là cán bộ, nhân viên của Khu du lịch Cổ Thạch, mỗi tuần hai lần, tất cả đều ra bãi đá nhặt sạch đến từng cọng rác nhỏ nhất.
Chị Lê Thị Nan, một nhân viên đang nhặt rác trên bãi đá cho biết: “Mùa bấc thổi như thế này, rác từ biển theo sóng hất lên bờ nhiều lắm, nếu không kịp thời nhặt dọn thì không giữ được bãi đá sạch đẹp như vầy. Phần nữa, một số du khách không ý thức vứt rác lung tung, họ ngồi chơi, ăn uống xong không cho vỏ chai, bao bì vào thùng, cứ để nguyên đó. Chúng tôi phải kịp thời dọn đi để khỏi ảnh hưởng đến nét sạch đẹp chung của bãi đá”.
Những người nhặt rác trên bãi đá Cà Dược
Anh Lê Thuần, một nhân viên, tâm sự: “Nhiều lúc nắng quá, mắt bị chói nên nhanh mỏi, lóa nhưng vẫn ráng căng mắt ra để phát hiện cả những cọng rác ẩn dưới đá. Mệt nhưng hạnh phúc, mình nghĩ mình đã góp phần nhỏ làm cho bãi đá đẹp hơn”.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Giám đốc Khu du lịch Cổ Thạch cho biết: Bãi đá Cà Dược nằm trong quần thể Khu du lịch Cổ Thạch ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Với ý thức đây là tài sản quý giá và chúng tôi đang có trọng trách giữ gìn, khai thác du lịch nhằm phát triển địa phương, nên trong kế hoạch hàng năm chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ bãi đá và các điểm nhấn du lịch chung quanh luôn sạch đẹp. Mỗi tuần hai lần, chúng tôi huy động toàn thể cán bộ, nhân viên ra bãi đá và bãi rêu nhặt rác. Chính nhờ vậy mà ngày nay khu du lịch này rất sạch sẽ, giữ gìn trọn vẹn mỹ quan cho khách du lịch đến tham quan danh thắng.
Chúng tôi hỏi ông Sơn, nếu như có điều gì đó cần kiến nghị để khai thác, tôn tạo, giữ gìn hiệu quả hơn bãi đá Cà Dược thì đó là gì? Ông Sơn trầm ngâm một lúc rồi nói: Bản thân tôi rất tâm đắc với nhiệm vụ hiện nay nhưng thật sự là tôi và anh em cán bộ, công nhân viên luôn ước ao có một con đường thật đẹp đi ra bãi đá. Được như vậy thì lượng du khách sẽ tăng lên rất nhiều và người dân địa phương sẽ bớt khổ vì có công ăn việc làm.
Quả là như vậy, khi chiếc xe buộc phải dừng lại, chúng tôi đi ra bãi đá trên con đường mòn lem nhem sỏi đá, bản thân người viết bài này cũng nghĩ và ước ao như ông Sơn, người chịu trách nhiệm chính ở đây.
Vì công việc, tôi có dịp đi nhiều nơi, từng đứng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tuyệt mỹ và hoang dã của các bãi đá. Đất trời ưu đãi cho miền Trung có nhiều bãi đá đẹp như ghềnh đá Bàng Than (Quảng Nam), bãi đá Hoàng Hậu (Bình Định), bãi đá Đĩa (Phú Yên)… Nhưng mỗi khi về ngồi ngắm bãi đá Cà Dược (còn gọi là bãi đá bảy màu) của quê nhà Bình Thuận là lòng tôi lại dâng lên nhiều cảm xúc khó tả, có gì đó dường như đã vượt lên sự rung động trước vẻ đẹp thông thường. Vì vậy khi thấy những người nhặt rác cặm cụi làm công việc bảo vệ cho vẻ đẹp ấy thêm hoàn hảo trước những cơn gió bấc thổi giật trắng trời trắng đất, nhìn những gợn trắng mồ hôi muối in ngoằn ngoèo trên lưng áo của họ, tôi thật sự yêu mến và biết ơn họ thật nhiều.
Bút ký: Nguyễn Hiệp