Bài dự thi Cờ đỏ:Dạy tiếng Chăm để bảo tồn văn hoáBài 2: Hành trình 25 năm đưa chữ Chăm vào trường học
'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi' (câu nói Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được nhắc lại trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021. Sau khi nhắc đến câu nói bất hủ này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ thêm: 'Tôi nhớ trước đây, một vị tiền bối từng nói văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất'.
Chữ viết là nét đẹp văn hóa
Khơi dậy nét chữ Chăm
Thầy Thông Minh Khôi tiếp tục “truyền lửa” dạy chữ Chăm cho các em học sinh
Văn hóa giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi quốc gia dân tộc. Cộng đồng người Chăm cũng vậy, văn hóa Chăm gần như đặc biệt trong văn hóa của 54 dân tộc anh em nằm trải rộng khắp chiều dài đất nước. Cộng đồng ấy, dân tộc ấy mang trong mình những nét đặc thù riêng, không thể bị pha trộn. Vì vậy, bản sắc văn hóa chính là linh hồn, là nét đẹp của mỗi dân tộc. Tháng 5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 28 – KH/TW về việc thực hiện Kết luận số 76 – KL/TW, của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là nghị quyết tâm huyết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú ý các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương.
Huyện Hàm Thuận Bắc suốt 25 năm qua, kể từ ngày đưa chương trình dạy tiếng Chăm vào bậc tiểu học đã minh chứng cho tinh thần coi trọng bản sắc văn hóa, coi trọng nét đẹp truyền thống để giúp các bạn nhỏ thêm yêu quý cội nguồn mình, gìn giữ những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy thông qua chữ viết.
Thầy Lê Trung Chính – Phó Phòng Giáo dục Hàm Thuận Bắc, phụ trách giáo dục tiểu học, chia sẻ: “Việc dạy tiếng Chăm cho các em học sinh tiểu học, huyện đã bắt đầu từ những năm 1998. Đây là công việc không đơn giản, nhưng tất cả các thầy cô giáo đều có chung một ước nguyện, đó là làm sao để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, một trong những chủ trương lớn của Ðảng, của Nhà nước. Nâng cao quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giúp các dân tộc có điều kiện phát triển về mọi mặt. Chữ Chăm đã có từ lâu đời, đồng bào Chăm truyền tụng và lưu truyền, song ít được phổ biến rộng rãi. May mắn hơn từ khi triển khai đến nay đã ngót 25 năm, việc dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm tại các trường tiểu học liên tục được phát triển và ngày càng thu hút các em học sinh thích thú với việc học chữ Chăm.
Các em học sinh tập viết tiếng Chăm
Tại huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 3 trường đang dạy tiếng Chăm, đó là Trường TH Hàm Phú 1, Trường TH Lâm Giang và Trường TH Lâm Hưng (gộp chung từ Trường tiểu học Tầm Hưng và điểm trường Lâm Thiện). Mặc dù, mỗi tuần các em chỉ được học 4 tiết, đan xen trong chương trình bình thường, nhưng chứng kiến các em nhỏ hăng say tìm hiểu về chữ viết của chính dân tộc mình, khiến cho người xem trân quý. “Mặc dù các con có thể nói chuyện hàng ngày, nhưng khi vào học các con phải tập phát âm cho đúng, tập viết chữ. Chữ Chăm vốn dĩ rất khó nhớ, khó viết. Cũng có bé dù là người Chăm nhưng khi ở nhà lại dùng tiếng Kinh hoàn toàn nên cũng sẽ khó khăn cho việc bắt đầu.” – Thầy Thông Minh Khôi (Trường TH Lâm Hưng) cho biết.
25 năm qua, các giáo viên cũng đi từ những khó khăn từ khi bắt đầu. Thế nhưng, nhiều thầy cô vì thương học trò, vì yêu văn hóa cội nguồn của chính cộng đồng người Chăm đã vượt qua hết những khó khăn nhất định để theo đuổi hành trình này như thầy Nguyễn Văn Đại (TH Hàm Phú 1), cô Thông Thị Thanh Giang, Thầy Thông Minh Khôi ...
Ước mơ giữ tiếng cội nguồn
“Ở đây, có một số em cha là người Kinh, mẹ là người Chăm, khi ở nhà nói chuyện lúc bằng tiếng Kinh, lúc bằng tiếng Chăm, khi đến lớp phát âm không chuẩn nên sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ cách viết. Các em học sinh là người thuần Chăm sẽ thuận lợi hơn. Như lớp mình đang dạy có em người dân tộc K’ho, có 3 em Kinh cựu. Em xuất thân là học sinh của trường này, em rất thích học tiếng Chăm nên sau này em trở về và muốn dạy lại cho các em, đây cũng là cách em muốn góp phần bảo tồn cho tiếng nói của dân tộc mình” – thầy Thông Minh Khôi (Trường TH Lâm Hưng, thị trấn Ma Lâm) bộc bạch.
Sinh ra và lớn lên ở chính nơi này, ngay từ nhỏ đã được các thầy cô giáo dạy chữ Chăm, lớn lên khi được học và trở về làm công tác Đội tại trường. Cộng thêm khi nhìn thấy những thầy cô giáo đã từng dạy tiếng Chăm cho mình ngày một lớn tuổi, thầy Khôi quyết định tiếp bước con đường dìu dắt các em nhỏ được học tiếng Chăm. Nhiều năm qua, thầy Khôi đã miệt mài trên lớp với các em học sinh một cách cần mẫn. “Việc dạy chữ Chăm không chỉ đơn thuần giúp các em biết đọc, biết viết mà chính trong việc học sẽ khơi gợi cho các em thêm yêu quý tiếng nói của dân tộc mình, có thể tự hào về nó. Một khi đã yêu quý thì sau này các em sẽ là những người biết cách gìn giữ văn hóa dân tộc mình”.
Hiện tại, mỗi tuần ở các trường sẽ có khoảng 4 tiết dạy tiếng Chăm cho tất cả các khối lớp từ 1 – 5. Mỗi tiết học bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết. Cô Nguyễn Thị Thu Vân – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Giang (xã Hàm Trí) cho biết: “Về tiếng Chăm, trường dạy với kết quả đạt rất tốt. Cuối năm tất cả học sinh học tiếng Chăm đều đạt kết quả hoàn thành trở lên. Trường còn tham gia nhiều hoạt động ở huyện Bắc Bình tổ chức trong dịp Lễ hội Katê. Trong đó, giáo viên và học sinh đều tham gia, giáo viên tham gia kiến thức tiếng Chăm và chữ viết tiếng Chăm, còn học sinh tham gia chữ viết tiếng Chăm đã đạt thành tích cao. “Việc dạy và học tiếng Chăm trong trường học đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ các vị chức sắc trong làng cũng như phụ huynh học sinh. Ngoài ý nghĩa bảo tồn tiếng nói và chữ viết Chăm, việc dạy tiếng Chăm bổ trợ rất nhiều cho việc dạy tiếng Việt, bây giờ riêng các em khối lớp 4 - 5 có thể viết được một đoạn văn ngắn bằng chữ Chăm. Thành quả ấy cũng là mong muốn của các thầy cô giáo trong việc góp phần bảo tồn giá trị cội nguồn truyền thống” – Cô Thu Vân chia sẻ thêm.
Ông Lê Trung Chính cho biết: Khó khăn lớn nhất trong việc dạy tiếng Chăm hiện nay là hầu hết thiết bị và đồ dùng dạy học tại các trường đều do giáo viên tự làm, tài liệu tham khảo còn ít. Nhiều giáo viên dạy tiếng dân tộc đạt chuẩn hoặc chuyên sâu về môn học này chưa được đào tạo, khó khăn về cơ sở vật chất: Thiếu các thiết bị, tranh ảnh phục vụ dạy học, vở bài tập, vở tập viết.
So với những năm trước đây, việc triển khai dạy tiếng Chăm trong hiện tại có nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh việc hầu hết các trường đều bảo đảm cho học sinh có đủ sách giáo khoa, vở bài tập, các trường đều có giáo viên là người Chăm tâm huyết, có kinh nghiệm. Toàn tỉnh hiện có gần 50 giáo viên dạy tiếng Chăm được đào tạo. Các giáo viên giảng dạy tiếng Chăm đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn hàng tháng để đề xuất biện pháp đổi mới phương pháp dạy học tiếng Chăm, vận dụng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) trong tổ chức lớp học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng tiếng Chăm, giúp giờ học sinh động, hiệu quả. Các giáo viên dạy tiếng Chăm được tiếp tục đào tạo ở các lớp bồi dưỡng, nâng cao để có thể từng bước giảng dạy học tiếng Chăm hiệu quả, góp thêm một thành quả trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn văn hóa truyền thống, bởi "Văn hóa còn, là dân tộc còn".