Bài hát ru cổ nhất về Hoàng Sa
'Ơ hớ ơ ơ... Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa...'. Những câu hát ru như vọng về từ trăm năm trước, bay lên thinh không, văng vẳng giữa biển trời, sóng nước Lý Sơn.
Người đàn bà hát ru
Đây là những câu hát nằm trong bài hát ru về đội hùng binh Hoàng Sa mà những người mẹ Lý Sơn ngày trước thuộc nằm lòng để hát ru những đứa trẻ ở hòn đảo tiền tiêu này. Thế nhưng, bây giờ ở Lý Sơn chỉ còn mình bà Đỗ Thị Hảo (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) biết hát ru về Hoàng Sa.
“Ơ hớ ơ ơ ơ... Con ơi con ngủ cho xong/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Chứ ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/Ơ hớ ơ ơ ơ... Hoàng Sa là của nước ta/Để người côi cút xâm vào an yên, con ơi/Ơ hớ ơ ơ ơ... con ngủ cho yên/Để mẹ đi tiễn ơ hớ ơ.../Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù ơ ơ ơ... kêu”.
Bà Hảo bảo, đây là bài “Ốc u”, bài hát ru cổ nhất về hùng binh Hoàng Sa. Nó có từ thời xa xưa lắm rồi, thời những người hùng binh theo lệnh chúa Nguyễn ra bãi cát vàng thu lượm sản vật và khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Bài hát “Ốc u” này gắn bó suốt thời thơ ấu của bà Hảo và đi theo bà đến tận bây giờ, khi đã qua ngưỡng thất thập được vài năm. Bà Hảo chia sẻ, bà thuộc hàng trăm bài hát ru, nhưng bài hát về loài ốc u là bài lột tả rõ thân phận người phụ nữ miệt biển nhất. Cả cuộc đời họ cứ như hòn vọng phu trung trinh chờ chồng, chờ con.
Trong ký ức của bà Hảo, Cù Lao Ré (tên gọi khác của Lý Sơn) ngày trước còn hoang sơ lắm. Thời điểm đó chỉ có ánh đèn dầu leo lắt, người dân chỉ đi biển bằng thuyền buồm, bằng mái chèo, nên biển cả không có tiếng động cơ ồn ào huyên náo. Trên đảo chỉ có những người già, trẻ con và những người đàn bà ngồi vá lưới, trồng tỏi, bởi những người đàn ông quanh năm ở ngoài biển khơi. Nỗi nhớ chồng, nhớ con, họ chỉ biết gửi gắm vào những câu hát ru để nuôi dưỡng tình yêu biển cả, nhắc nhớ những đứa trẻ miệt biển này về Hoàng Sa.
Ốc u là một loài ốc lớn, sống dưới biển sâu, có thân hình vặn xoắn và người dân đảo Lý Sơn đục thủng phần đuôi để làm nên những chiếc tù và. Tiếng ốc u cũng là tiếng báo hiệu tàu về, nhưng trước đây, người phụ nữ trên đảo Lý Sơn thường sợ nghe tiếng báo hiệu này, bởi nhẽ cũng là chuyến tàu về, nhưng đôi khi người trở về không đủ. Vậy nên trên hòn đảo nhỏ này mới nhiều mộ gió và mộ chiêu hồn như vậy. Và cũng bởi thế, tiếng ốc u lúc thì như lời báo hiệu để đón người về, lúc là thanh âm của tiễn biệt, chia ly.
Hào khí hùng binh
Sáng sớm, gió thổi từ phía biển vào đưa theo mùi muối, mùi cá tôm bay qua những ruộng tỏi còn ướt hơi sương. Không khí biển khơi luôn tràn ngập hòn đảo này, trong từng sinh hoạt, trong từng nhịp thở của cuộc sống. Và những câu chuyện về Hoàng Sa cũng thế, luôn hiện diện ở hòn đảo tiền tiêu này. Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 6, tờ 18-19) viết về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và sự kiện vua Minh Mạng cho người ra dựng chùa lập bia lưu dấu tích trên đảo Hoàng Sa năm 1835 như sau:
“Đảo Hoàng Sa ở phía đông Lý đảo huyện Bình Sơn. Từ cửa biển Sa Kỳ ra khơi, thuận gió (đi) 3, 4 ngày đêm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt, tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh. Giữa đảo có bãi cát vàng, bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi Vạn lý Trường Sa, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Sản sinh nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tích tụ ở đó.
Lúc mới lập quốc đặt ra đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, mỗi năm cứ tháng 3 ra khơi lấy hải vật, tháng 8 trở về, qua cửa Tư Hiền dâng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải, sai đội Hoàng Sa kiêm quản, đi ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải tìm lấy hải vật. Phía đông đảo gần phủ Quỳnh Châu, Hải Nam, nước Thanh...”.
Thường khoảng đầu tháng 3 khi trời yên biển lặng, đội hùng binh sẽ xuất phát ra Hoàng Sa. Buổi sáng sớm, khi nghe tiếng ốc u thổi giục giã dưới bến thuyền, vợ của những hùng binh lại tất tả thu dọn đồ đạc, nấu cơm chuẩn bị cho chồng ra khơi. Bữa cơm này cũng là bữa cơm cuối, cuộc chia tay này được hiểu là tiễn biệt, một đi không trở lại.
“Mỗi lần hát lên bài hát về loài ốc u, tôi đặt mình vào vị trí người vợ, người mẹ có chồng, con đi canh giữ Hoàng Sa. Câu hát trở nên da diết hơn, bi tráng hơn, như từ trăm năm trước dội về”, bà Hảo nói, đôi mắt mờ đục thời gian đỏ lên vì xúc động.
Bà Hảo tiếp lời rằng, mỗi lần hát lên là mỗi lần bà khóc, bởi sống mấy mươi năm trên đảo, bà hiểu rằng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau của những người vợ côi cút tiễn chồng đi biển dữ. Những chuyến biển lành ít, dữ nhiều. Bà cũng bảo rằng, bà như tất cả dân đảo, đều không thể quên Hoàng Sa. Hoàng Sa luôn ở trong tim, trong từng hơi thở của mọi người.
“Những bài hát ru về Hoàng Sa không chỉ đơn thuần là bài hát ru, mà còn là hào khí lịch sử của những con người can trường lắng đọng trong đó. Khi hát phải hát bằng niềm tự hào, phải đủ trải nghiệm để cảm nhận thấy nỗi đau, sự da diết trong từng câu chữ, mới có thể hát hay được. Tôi cũng sẽ rất buồn nếu sau này không thể tìm được ai hát ru được về Hoàng Sa nữa”, bà Hảo chia sẻ.
Chúng ta vẫn đang chờ một ngày Hoàng Sa trở về với đất mẹ. Nhiều năm qua, trong những sự kiện lớn về biển đảo của Quảng Ngãi nói chung, huyện đảo Lý Sơn nói riêng; người ta lại thấy bà Đỗ Thị Hảo thể hiện các bài hát ru về Hoàng Sa. Tiếng hát ru của bà làm lay động, thổn thức người nghe không chỉ bởi câu chuyện chủ quyền biển đảo đang nóng lên từng ngày, mà bởi vì người đàn bà này hát những bài hát ru về Hoàng Sa bằng cảm xúc góp nhặt cả đời về thân phận những “hòn vọng phu” miệt biển.
Sẽ là một mất mát lớn khi bà Hảo không còn nữa, hoặc không thể hát những bài hát ru về Hoàng Sa nữa. Khi ấy, những ký ức về Hoàng Sa sẽ thiếu đi phần nào đó thanh âm biển khơi, thanh âm hào hùng như hào khí của đội hùng binh từ hàng trăm năm trước dội về.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-hat-ru-co-nhat-ve-hoang-sa-564699.html