Bài học cho các đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã
4 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gần 1 tấn vảy tê tê châu Phi vừa bị xử phạt 18 năm tù. Đây là mức án thích đáng cho các đối tượng gián tiếp khiến hàng nghìn động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm bị giết hại mỗi năm và suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có ý định săn bắt, giết hại, buôn bán ĐVHD.
Bản án thích đáng
Ngày 12/7/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 4 đối tượng với tổng mức án 18 năm tù về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 984kg vảy tê tê. Giá trị tang vật được ước tính lên tới hơn 1,3 tỷ đồng.
4 đối tượng bị đưa ra xét xử bao gồm: Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1988, trú tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), là chủ mưu buôn bán trái phép 984kg vảy tê tê, nhận mức án 7 năm tù; Hoàng Thị Hiền Phương (sinh năm 1984, trú tại khu 2, thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), là đối tượng môi giới tích cực, nhận mức án 5 năm tù; Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1980, trú tại thị trấn Hợp Hòa), là đối tượng vận chuyển, nhận mức án 2 năm tù và Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988, trú tại tổ dân phố Liên Bình, thị trấn Hợp Hòa), là đối tượng giúp sức chính trong vụ án, nhận mức án 4 năm tù.
Các đối tượng bị kết án theo các quy định tại Điều 190 và 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - tương ứng với các hành vi buôn bán hoặc vận chuyển trái phép vảy tê tê của từng đối tượng. Theo hồ sơ vụ việc, ngày 29/3/2021, lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 đối tượng Chính, Phương và Sự với tang vật tịch thu là 984kg vảy tê tê bụng trắng (Manis tricuspis). Qua quá trình mở rộng điều tra và xác minh, cơ quan chức năng đã bắt giữ thành công thêm đối tượng Hà là đồng phạm trong hoạt động mua bán vảy tê tê.
Tê tê bụng trắng là loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Vảy của loài tê tê bụng trắng - sản phẩm của loài thuộc Phụ lục I CITES - là hàng cấm theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và Khoản 5, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Tang vật của vụ án là 984kg vảy tê tê được xác định có giá trị hơn 1,3 tỷ đồng, giá trị đặc biệt lớn so với giá trị tối thiểu định khung theo quy định tại Khoản 3, Điều 190 và 191 Bộ luật Hình sự là 500 triệu đồng.
Nạn buôn bán động vật hoang dã diễn biến rất phức tạp
Theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), vụ án vận chuyển, buôn bán trái phép 984kg vảy tê tê trên không chỉ là vụ án liên quan đến vảy tê tê bị thu giữ lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn là một trong những vụ vi phạm về ĐVHD có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận trong nội địa Việt Nam thời gian vừa qua.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Vụ án với khối lượng vảy tê tê bị thu giữ đặc biệt lớn cũng đã hé mở đường dây buôn bán, vận chuyển vảy tê tê xuyên quốc gia với phương thức hoạt động hết sức tinh vi. Việc bắt giữ thành công, truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử nghiêm minh 4 đối tượng trên là dấu mốc quan trọng, thể hiện thái độ không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD của các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội. ENV hy vọng, tiếp nối thành công này, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm về ĐVHD, đặc biệt tập trung điều tra, làm rõ và xử lý những đối tượng đứng đằng sau các đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép hàng chục tấn vảy tê tê, sừng tê giác và ngà voi có nguồn gốc từ châu Phi vào Việt Nam mỗi năm”.
Buôn lậu ĐVHD vẫn thường xếp sau 3 thị trường buôn bán bất hợp pháp lớn nhất thế giới gồm buôn người, buôn vũ khí và buôn ma túy dựa trên các chỉ số đánh giá về lợi nhuận, chi phí và mức độ nghiêm trọng. Mặc dù có nhiều nỗ lực và bước tiến trong công tác xử lý tội phạm ĐVHD những năm gần đây, nhất là khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, song, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tâm điểm của nạn buôn lậu ĐVHD.
Nghiên cứu mới nhất vừa được công bố vào tháng 11/2021 do Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) thực hiện chỉ ra rằng, từ năm 2010, Việt Nam liên quan đến hơn 700 vụ bắt giữ ĐVHD với tổng cộng ít nhất 123 tấn ngà voi, 111 tấn vảy tê tê và 2,7 tấn sừng tê giác, trong đó, 75% khối lượng có nguồn gốc từ châu Phi. Cũng từ năm 2010, chỉ căn cứ vào các vụ bắt giữ ĐVHD được xác nhận trên toàn cầu, Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu bộ phận và sản phẩm của ít nhất 18.000 cá thể voi, 111.000 cá thể tê tê và 976 cá thể tê giác.
Tuy nhiên, những con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ bức tranh buôn lậu ĐVHD mà Việt Nam liên quan, vì phần lớn hoạt động buôn lậu diễn ra mà không bị phát hiện. Trong năm 2020 - 2021, bất chấp đại dịch, các nhóm tội phạm vẫn âm thầm buôn lậu ĐVHD, đơn cử 6 tháng đầu năm 2021, ít nhất 249 cá thể tê giác bị săn trộm tại Nam Phi, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 1/2021, Nigeria thực hiện 3 vụ bắt giữ lớn, xấp xỉ 19 tấn ngà voi và vảy tê tê với 1/3 vụ được xác nhận vận chuyển đến Việt Nam.
Có thể thấy, trong bối cảnh lợi nhuận từ hoạt động buôn bán ĐVHD được đánh giá là đặc biệt lớn, những án phạt tù nghiêm khắc như bản án cho đối tượng trong vụ án này cũng được hi vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về rủi ro pháp lý để các đối tượng đã và đang làm giàu bất chính từ ĐVHD lựa chọn từ bỏ hoạt động tội phạm không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học trong nước và thế giới, mà còn đang làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC), Việt Nam là điểm đến chính của các giao dịch bất hợp pháp về ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác và gỗ trắc, đồng thời là điểm trung chuyển ĐVHD bất hợp pháp đến Trung Quốc.