Bài học chống dịch từ chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

Dịch bệnh xuất phát từ chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng khiến số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở TP.HCM tăng nhanh chưa từng thấy, có thời điểm 50 ca/ngày.

Từ 3 ca bệnh ban đầu được phát hiện vào ngày 26/5, đến nay số người lây nhiễm đã lên tới hơn 320 người là F0, hơn 5.400 trường hợp là F1 và hơn 384.000 trường hợp tiếp xúc; hình thành nên ổ dịch tại 21/22 quận huyện. Bên cạnh đó, 6 tỉnh miền Nam gồm: Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tây Ninh và Trà Vinh cũng có ca lây nhiễm liên quan chùm lây bệnh ở điểm nhóm hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp - nơi điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng hoạt động bị phong tỏa.

Hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp - nơi điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng hoạt động bị phong tỏa.

Không phải là tổ chức tôn giáo, điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng do cấp chính quyền cấp phường quản lý và có những sinh hoạt tín ngưỡng ở tư gia riêng tại địa chỉ số 415/8/4, Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cả nước đang căng mình chống dịch thì điểm nhóm này vẫn có những buổi sinh hoạt chung và không thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch như: Không đeo khẩu trang và tụ tập đông người trong căn phòng chật hẹp. Người đứng đầu điểm nhóm còn đi nhiều nơi, trong đó có Hà Nội nơi mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh.

Liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, vừa qua lực lượng quân đội đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn quận Gò Vấp.

Liên quan đến ổ dịch tại điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, vừa qua lực lượng quân đội đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn quận Gò Vấp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng: Chính sự chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã làm lây lan dịch bệnh.

"Người đứng đầu điểm nhóm thường có nhận thức, thông tin, nhận thức hạn chế. Bên cạnh đó, những điểm nhóm thường hoạt động theo tính chất gia đình, như điểm sinh hoạt của điểm nhóm ở phường 3, quận Gò Vấp là nhà riêng của người đứng đầu điểm nhóm. Quản lý gặp nhiều khó khăn. Do tính chất truyền giáo, đi lại nhiều, nên sau khi xảy ra dịch bệnh cộng với chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm đã lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng"- Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết.

Hẻm 415, Nguyễn Văn Công - ổ dịch lớn nhất của TPHCM, được phun xịt mọi ngóc ngách.

Hẻm 415, Nguyễn Văn Công - ổ dịch lớn nhất của TPHCM, được phun xịt mọi ngóc ngách.

Trong các chuỗi lây nhiễm dịch bệnh ở TP.HCM, trường hợp bà chủ quán bánh canh O Thanh đã chủ động khai báo khi thấy có dấu hiệu nhiễm bệnh, giúp ngành chức năng sớm ngăn chặn thì một số hội viên của điểm nhóm Phục Hưng đã có hành vi giấu bệnh và khai báo không thành thật. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác khoanh vùng truy vết và dập dịch. Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, việc chúng ta khai thác tiền sử tiếp xúc của bệnh nhân gặp trở ngại vì họ cung cấp cho chúng ta thông tin nhỏ giọt. "Vấn đề khai báo và truy vết một số người khai báo chưa trung thực là pháp luật cũng đã có chế tài và việc che giấu không khai báo làm lây lan dịch bệnh"- BS Yến cho biết.

Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện từ cuối năm 2019 đến nay, chưa bao giờ người dân ở TP.HCM chứng kiến cảnh dịch bệnh len lỏi vào từng ngóc ngách, vào cả các cơ sở sản xuất kinh doanh của thành phố nhiều như vậy, nhất là biến chủng của virus gây bệnh đang càng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Thành phố đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15; giãn cách theo Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ ở quận Gò Vấp và một phường ở Quận 12. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, bệnh viện… phải đóng cửa liên quan đến dịch. Giá như lúc đó, những thành viên điểm nhóm Phục Hưng ý thức hơn thì có lẽ hậu quả sẽ không lớn như bây giờ.

Người dân quận Gò Vấp xếp hàng chờ đến lượt qua các chốt kiểm dịch.

Người dân quận Gò Vấp xếp hàng chờ đến lượt qua các chốt kiểm dịch.

"Hoạt động tôn giáo là phải rõ ràng, minh bạch, nhưng họ giấu giếm, đưa vào các ngóc ngách sinh hoạt rồi lây bệnh cho nhau, cuối cùng họ giấu"- ông Trần Minh Phát, ngụ ở hẻm 30, Nguyễn Văn Công, phường 3 Gò Vấp chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, ngụ quận Bình Thạnh cho rằng, những cá nhân này họ lại không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Việc làm này không những làm lây truyền dịch bệnh mà còn gây ảnh hưởng đến rất nhiều người dân khác trên địa bàn thành phố. "Tôi nghĩ việc đưa ra khởi tố là mang tính chất răn đe"- bà Mỹ nói.

Cuộc chiến chống giặc COVID-19 ngoài biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân thì chúng ta cũng huy động sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính quyền để “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà và rà từng đối tượng”. Song thực tế từ câu chuyện lây lan dịch bệnh ở điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cho thấy hoạt động của cấp cơ sở trong phòng, chống dịch chưa hiệu quả; còn có dấu hiệu lơ là chủ quan. Tại cuộc họp liên quan đến công tác phòng, chống dịch ở quận Gò Vấp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng phải thốt lên rằng, giá như tổ phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở hoạt động hiệu quả thì có lẽ hậu quả sẽ hạn chế đi được rất nhiều.

Người dân ra vào quận Gò Vấp phải thực hiện khai báo y tế và được kiểm tra thân nhiệt khi qua các chốt kiểm dịch.

Người dân ra vào quận Gò Vấp phải thực hiện khai báo y tế và được kiểm tra thân nhiệt khi qua các chốt kiểm dịch.

"Các quận huyện hiện nay chúng ta có tổ Covid. Ở một số nơi vừa qua mà hoạt động hiệu quả thì sẽ giảm thiểu đi rất nhiều hậu quả sau này. Vừa qua nếu tổ an toàn COVID-19 mà phát hiện sớm thì sẽ hạn chế được việc lây truyền dịch bệnh như hiện nay"- ông Nguyễn Thành Phong cho biết.

Chúng ta đã chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công dịch bệnh. Trong cuộc chiến này khó có thể nói việc ngăn chặn dịch bệnh được một cách triệt để. Tuy nhiên, để không phải nói hai chữ “giá như” hay lời xin lỗi muộn màng thì sự tự giác của người dân, sự quyết tâm của chính quyền và đoàn thể xã hội từ cấp cơ sở và sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm phòng dịch có thể hạn chế được hậu quả mà dịch bệnh gây ra./.

Việt Đức-Tỷ Huỳnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bai-hoc-chong-dich-tu-chuoi-lay-nhiem-o-diem-nhom-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-863917.vov