Bài học chưa bao giờ cũ

'Lấy công làm lời' là bài học mà nhiều chủ doanh nghiệp đã áp dụng để chủ động ứng phó với tình huống khó khăn khi gặp phải.

1. Do chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, có giai đoạn, lượng đơn hàng của Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM) bị giảm sâu tại thị trường Mỹ và EU, khiến không chỉ ông chủ mà hàng ngàn công nhân mất ăn mất ngủ.

Trước tình hình ấy, sau thời gian "vắt óc", ông Phạm Quang Anh - giám đốc công ty - đã quyết định chuyển hướng thị trường sang châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á để tìm đơn hàng. "Lúc đó, tôi phải đích thân đến nói chuyện, trao đổi và cho đối tác biết rõ hơn về năng lực của mình, từ đó tạo sự tin cậy cho khách hàng, cho họ thấy thiện chí của doanh nghiệp (DN), thay vì làm việc online" - ông Anh tâm sự. Kết quả là lượng đơn hàng của Dony tăng lên khá nhiều.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (phải), đã áp dụng xuất sắc bài học “lấy công làm lời”. Ảnh: HỒNG ĐÀO

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (phải), đã áp dụng xuất sắc bài học “lấy công làm lời”. Ảnh: HỒNG ĐÀO

"Lấy công làm lời", thừa thế xông lên, cho rằng nếu quá phụ thuộc vào xuất khẩu thì khi "họ hắt hơi, mình cũng sổ mũi", Dony định hướng lại chiến lược, không chỉ xuất khẩu mà còn chú trọng thị trường 100 triệu dân nội địa. Minh chứng là trước dịch, doanh thu của Dony có khoảng 60% đến từ xuất khẩu thì trong giai đoạn vừa qua, xuất khẩu gặp khó, DN lập tức quay về khai thác thị trường nội địa và hiện có hơn 60% doanh thu đến từ thị trường nội địa.

"Với lượng khách hàng lên đến 5.600 thì dù có biến động vài trăm khách hàng, Dony vẫn có thể xoay xở. Dony đang làm FOB, nghĩa là DN sẽ chủ động từ nguồn vải, may, in, thêu... và xuất trực tiếp đến khách hàng nên chủ động, phục vụ được rất nhiều đối tượng vì vậy ít lo biến động. Đúng là trong cái khó đã "ló" giải pháp từ việc khai thác triệt để các lợi thế mà trước đây vô tình bị lãng quên" - ông Phạm Quang Anh nói.

2. Thừa kế Công ty TNHH Nước uống Tinh khiết Sài Gòn (SAPUWA) song con đường tiếp nối của ông Lê Như Vũ gặp phải nhiều trở ngại. Năm 2013 - thời điểm tiếp nhận chức vụ tổng giám đốc, ông Vũ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng trăm thương hiệu khác. Sau 6 năm kiên trì "chiến đấu", để phát triển bền vững và giữ việc làm cho người lao động (NLĐ), năm 2019, ông Vũ đầu tư thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát kéo theo suy thoái kinh tế cùng với việc "loại bỏ chai nhựa" trong ý thức người tiêu dùng khiến DN lâm vào khó khăn. Lúc này, ngoài tiết giảm tối đa chi phí, ông Vũ còn thay đổi cả tư duy lẫn cách làm.

"Chiều lòng khách hàng, đồng thời thực hiện chiến lược kinh doanh "xanh", tôi quyết định chuyển sang sử dụng vỏ chai tái chế, chai thủy tinh để duy trì hoạt động của nhà máy. Giải pháp này không hẳn thuận lợi do chi phí nguyên vật liệu và sản xuất tăng cao song với lợi thế thị trường rộng, liên tục mở rộng khách hàng, tôi chấp nhận "lấy công làm lời", tiết giảm chi phí ở nhiều khâu như marketing, dù lợi nhuận thấp nhưng duy trì việc làm, phúc lợi ổn định cho NLĐ" - ông Vũ chia sẻ. Theo ông, chung quy lại cũng nhờ siêng năng, cần kiệm mà SAPUWA trụ vững qua những khó khăn.

3. Thành lập năm 2007 chỉ với 28 nhân sự, đến nay, Tập đoàn PPJ Group (TP Thủ Đức, TP HCM) đã vươn lên mạnh mẽ, sở hữu 30 nhà máy, trung tâm phát triển sản phẩm... trải dài khắp cả nước với hơn 17.000 lao động, đồng thời mở rộng hệ thống sản xuất - thương mại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng Giám đốc PPJ Group, khi mở rộng sản xuất, hầu hết máy móc đều nhập từ nước ngoài nên yêu cầu NLĐ phải làm chủ công nghệ là điều cấp thiết để tiết kiệm tối đa chi phí sửa chữa, vận hành. Do vậy, PPJ Group đã có nhiều chính sách tốt để thu hút, trọng dụng người tài.

"Đến nay, PPJ Group tự hào vì có những kỹ sư, những người thợ giỏi về chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Nhiều công nghệ mới song họ có thể tự khắc phục khoảng 90% lỗi, hỏng hóc của thiết bị, xử lý tốt các sự cố, thậm chí cải tiến hệ thống máy móc cho phù hợp với sản xuất trong nước. Điều này đã thúc đẩy tăng năng suất, đặc biệt là tiết giảm chi phí bảo trì, sửa chữa rất lớn cho DN. Có ý tưởng cải tiến của kỹ sư khiến chính chuyên gia nước ngoài cũng phải ngạc nhiên" - bà Liên nhấn mạnh.

HỒNG ĐÀO - THANH NGA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-hoc-chua-bao-gio-cu-196250122085932207.htm