Giăng bẫy
'Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, doanh nhân phải vươn ra hội nhập, làm ăn trên thương trường quốc tế - một môi trường với rất nhiều cam go, thách thức, thậm chí phải biết cách và có kinh nghiệm để 'thoát lừa trong gang tấc'. Tôi chọn câu chuyện Giăng bẫy - là một trong số những câu chuyện mà tôi đã phải trải qua 'bẫy lừa' để kể cho bạn đọc Doanh Nhân Sài Gòn trong những ngày Xuân mới'.
Cuối tháng 10, Minh cùng đồng nghiệp công ty là Kphucsinh tham dự hội chợ nông sản SIAL tại Paris. Hôm nay là ngày đầu, mọi thứ được trang hoàng đẹp đến hoa cả mắt. Sau khi đến sớm, dọn dẹp, sắp xếp xong gian hàng của công ty, Minh nhắn nhủ các đồng nghiệp rồi dạo quanh một vòng tham quan các công ty khác. Phải công nhận là gian hàng của các công ty từ khắp nơi trên thế giới đổ về đẹp thật, tất cả đều long lanh hấp dẫn quá làm Minh cứ mải miết đi…
- A lô! Anh Minh ơi, có một khách hàng là anh Allagui đang ngồi ở gian hàng chờ anh”, nhân viên Minh gọi điện thoại.
Sau thủ tục chào hỏi, vị khách tên Allagui nói muốn mua 20 container cà phê Robusta loại 1clean, giao hàng đến cảng Misurata, Lybia.
Minh chốt giá bán là 1870 CNF Misurata, thanh toán trước 15%, phần còn lại thanh toán T/T copy bộ chứng từ gốc. Thỏa thuận mua bán xong.
Hội chợ vô cùng nhộn nhịp. Khách từ khắp nơi trên thế giới đổ đến hội chợ. Làm việc tại hội chợ lớn như thế này, thời gian 5 ngày thật là quý báu. Ngày nào Minh cũng tiếp khách từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhiều hôm đến 6 giờ tối rồi mới thu dọn gian hàng và ra về.
Ở hội chợ, kinh nghiệm của Minh rút ra, nếu hiểu biết một chút về văn hóa của khách hàng các nước thì thật tuyệt vời. Nếu bạn bán hàng cho các nước Tây Âu thì phải là hàng chất lượng tốt và an toàn cho sức khỏe. Nếu bán hàng cho châu Phi thì phải thật rẻ, còn bán cho thị trường Mỹ thì phải có khối lượng thật nhiều.
Sau một ngày kết thúc hội chợ, mọi người đều thấm mệt và hối hả dọn dẹp để ra về.
Paris đẹp tuyệt. “Ai cũng phải đến Paris một lần” nhưng tàu đi hội chợ của Paris thì khủng khiếp. Mọi người đợi mỏi mòn ở ga tàu gần hội chợ. Tàu đến là mọi người ào ào kéo lên, một đám đông khổng lồ toàn người là người ùa vào các toa tàu. Người bị lèn chặt với người không thể nhúc nhích, đứng san sát nhau và nghẹt thở. Còi tàu rú lên báo hiệu sẽ rời đi trong vài giây khi vẫn còn hàng dài người chưa chen được lên tàu. Những người trong toa lại tiếp tục bị lèn để đầy thêm người khác vào, Khi tàu đóng cửa toa để chạy. Rất nhiều người không len lên được, đành đợi chuyến tàu tiếp theo. Còn những hành khách trong toa tàu thì phải đứng suốt gần một tiếng mới về đến khách sạn, tắm rửa và nghỉ ngơi.
Ở Paris rộng lớn này, giao thông từ các khách sạn đến hội chợ đều như vậy và đó là một đặc sản của hội chợ thực phẩm SIAL Paris. Tuy nhiên, những điều đó không làm Paris mất đi vẻ lấp lánh của nó vì sau khi về khách sạn tắm rửa sạch sẽ, thơm tho, đi dạo và ăn tối ở Paris thật tuyệt vời, hàng quán thức ăn, đồ uống và hàng hóa Paris quả là 5 sao, câu nói ai cũng phải đến Paris một lần. Vẫn đúng làm sao!
Sau hội chợ Minh và các đồng nghiệp trở về Việt Nam với một núi công việc khổng lồ. Đang ngồi làm việc tại văn phòng, Minh nhận được cuộc gọi của Allagui, đề nghị muốn thay đổi về điều khoản thanh toán toàn bộ lô hàng bằng L/C trả chậm 90 ngày và ngân hàng phát hành bên Dubai sẽ chiết khấu luôn cho Minh ngay khi nhận bộ chứng từ và ông không phải trả lãi suất.
Minh không đồng ý và yêu cầu Allagui vẫn phải thanh toán như đã thỏa thuận mới giao hàng.
5 ngày sau, Minh nhận 15% trả trước và 10 ngày sau công ty Minh nhận được L/C do ngân hàng Lybia có chi nhánh nhánh ở Dubai phát hành. Tuy nhiên, sau khi đọc L/C thấy có nhiều điều khoản bất lợi nhưng Allagui đã thuyết phục được Minh. Minh nghĩ: “Mình cũng đã nhận được 15% đặt cọc rồi. Hàng đã chuẩn bị xong. Book tàu được rồi. Thôi mình cho xuất hàng”.
5 ngày sau, ngân hàng ở Việt Nam nhận được thông báo của ngân hàng Dubai từ chối thanh toán vì không hợp lệ. Minh gọi điện cho Allagui nhưng không có tín hiệu. Ngay lúc đó, nhân viên của Minh cho biết, tàu hàng đã tới Trieste (Ý) sau 4 ngày nữa sẽ đi Misurata. Minh ra lệnh nhân viên thông báo với hãng tàu cho dừng 20 containers cà phê ở Trieste, chấp nhận trả tiền lưu kho lưu bãi.
Không may, hãng tàu bị nhầm lẫn, thay vì cho 20 container nằm ở Trieste, bộ phận điều phối hãng tàu lại cho lên tàu tới Misurata.
Minh tiếp tục liên hệ với Allagui nhưng vẫn không liên lạc được. Không có tín hiệu. Hai tuần liền như thế. Mặc dù Minh đã quen xử lý nhiều việc cân não nhưng chịu đựng những việc như thế này thật không dễ dàng chút nào với anh.
Một tiếng sau có thông tin từ hãng tàu là lô hàng 20 container cà phê sẽ không dỡ ở cảng Misurata mà được giữ lại trên boong rồi quay trở lại Trieste. Minh thở phào, vơi đi đôi chút căng thẳng.
Khi biết tin tàu hàng quay trở lại Trieste, Allagui liền gọi điện nài nỉ Minh cho hàng quay lại Misurata. Lúc này, Minh không những ra điều kiện Allagui phải thanh toán ngay lô hàng thì mới đồng ý giao hàng mà yêu cầu Allagui phải thanh toán15.000 USD phí hãng tàu kéo hàng về Trieste. Cuối cùng, Allagui đành phải chấp nhận. Minh đã nhận được đủ tiền và 20 containers cà phê đã quay lại Misurata.
Xem lại lịch sử có rất nhiều lô hàng đã bị lừa ở Karachi, Misurata… như thế này. Và may mắn, Minh đã thoát được bẫy lừa giăng sẵn.. “ Thế giới rộng mở và nhiều cơ hội làm ăn nhưng làm ăn thì cũng đau tim lắm”, đó là những gì Minh muốn kể.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/giang-bay-315860.html