Bài học chưa cũ
Hôm vào bệnh viện thăm người bạn, bà Ba hết sức ngạc nhiên khi các con rể của bạn mình đang ở đó chăm sóc mẹ vợ rất chu đáo. Mẹ con nói chuyện rất thân mật, nếu người ngoài không biết cứ ngỡ là mẹ con ruột. Nhìn cảnh hạnh phúc của bạn mình bà không khỏi chạnh lòng vì bà chẳng được như vậy.
Bà tủi thân cũng phải vì thật ra chuyện gì cũng có nguyên nhân. Bởi trước kia bà quá khó khăn với dâu rể, ai làm gì không phải bà mắng nhiếc chẳng nể nang gì cả. Thường ngày bà hay bắt lỗi dâu rể từng chút một, ai làm không vừa ý bà bà quát tháo om sòm. Bà cho rằng con trai là ruột thịt, con rể là người dưng nước lả nên không thể thương yêu như con trai! Nếu một con rể không ưa mẹ vợ thì có thể đổ lỗi do chàng rể đó ăn ở bạc tình, còn đằng này cả ba rể đều chẳng rể nào ưa, có lẽ nguyên nhân do bà mẹ vợ.
Đi tới đâu, bà cũng than trách các chàng rể ăn ở chẳng ra gì với bà. Họ đến nhà cha mẹ vợ chơi vô tình như là khách khứa. Bà thường mượn câu nói của người xưa để nói bóng nói gió cho các chàng rể hiểu “Dâu là con, rể là khách”. Các con gái của bà cho rằng mẹ mình ăn nói không bình thường, ai ở cũng không ở vừa lòng bà. Đụng ai bà cũng chê, hết chê rể tới chê sui gia. Nói tới rể họ còn im lặng nhưng nói đụng tới cha mẹ thì họ chẳng nhịn nhục đâu.
Bà có bà sui thường hay đổ bánh khoai mì đem qua nhà tặng bà. Bà cho rằng chị sui ăn ở không vệ sinh, nhà cửa bề bộn nên chẳng bao giờ ăn, chị sui về bà đem cho người nghèo trong xóm. Nhiều lần như vậy nên chàng rể hay được giận lắm cho rằng mẹ vợ làm thế là không phải, có ý coi thường gia đình sui gia. Chẳng những thế, bà còn kêu chàng rể về nói lại với mẹ đừng làm bánh cho nữa bà gớm lắm chẳng dám ăn đâu, sợ đau bụng! Lòng thơm thảo của người khác bị tổn thương vì lời nói của con người kém lịch sự.
Dưới mắt bà, con rể chẳng có gì để khen cả. Bà nói các con bà vô phước lấy chồng nào cũng nghèo, lương công nhân ba cọc ba đồng. Thiên hạ con rể họ làm tiền vô như nước, mỗi tháng cung cấp cho cha mẹ vợ cả chục triệu xài vặt. Chuyện xấu xa nhất, bà sai con rể lớn về nhà cha mẹ mình mượn vàng cho bà để làm vốn rồi sau đó im luôn không trả. Con rể không dám đòi nhưng lòng kính trọng từ đó giảm bớt nhiều lắm. Tình sui gia cũng từ đó bắt đầu lạnh nhạt vì tính tình của bà thất thường chẳng giống ai.
Hôm bà nằm điều trị bệnh ở bệnh viện, các chàng rể đi thăm mẹ vợ qua loa cho có mặt chẳng quan tâm điều gì cả. Nằm buồn suy nghĩ bà giận các chàng rể lắm. Nhưng buồn nhất các sui gia họ vẫn biết bà đang bệnh, chẳng người nào nhín chút thời gian đến thăm bà. Càng nghĩ tới thêm chút tủi thân, bệnh muốn nhiều hơn.
Già rồi, chẳng còn sống được bao lâu nữa, hơn nhau một hai câu nói chẳng được lợi lộc gì. Bà nhớ ra câu nói của người xưa vẫn còn rất mới: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Bà tự nghĩ bấy lâu nay mình sống ích kỷ, chẳng biết đến ai, hay bắt bẻ người khác chuyện này chuyện nọ, nay người ta hững hờ với mình cũng phải có lý do. Bà chiêm nghiệm, miệng lưỡi con người coi vậy rất lợi hại. Người ta thương hay ghét mình phần nhiều cũng do đó mà ra. Bởi vậy, người đi trước từng dặn dò, muốn nói điều chi phải uốn lưỡi bảy lần!
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/bai-hoc-chua-cu-41778.html