Bài học của REE sau thất bại trên thị trường chứng khoán năm 2008
Bài học đắt giá năm 2008 đã giúp REE thay đổi, công ty tái cấu trúc hoạt động, đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lõi và giảm dần tỷ trọng vào đầu tư tài chính.
Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II tích cực với doanh thu thuần 2.023 tỷ đồng, tăng 24% và nhận lợi nhuận sau thuế đạt 755 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.068 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.711 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 81% so với nửa đầu năm ngoái.
Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản của công ty tăng 11,5% so với đầu kỳ lên khoảng 35.502 tỷ đồng. Công ty sở hữu lượng tiền mặt lớn với 1.600 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và hơn 1.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của REE trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh và hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ vì đầu tư cổ phiếu trên sàn khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại chính sai lầm của REE năm 2008.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, REE hoạt động trên 4 lĩnh vực bao gồm đầu tư tài chính, điện lạnh, bất động sản, văn phòng cho thuê. Thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ, REE đã đẩy mạnh sang lĩnh vực đầu tư tài chính, bỏ ra cả nghìn tỷ đồng mua vào lượng lớn cổ phiếu ngân hàng (chủ yếu là Sacombank và ACB), bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
Kết quả, khi thị trường chứng khoán lao dốc năm 2008, công ty ghi nhận những khoản thua lỗ nặng nề. Tổng vốn đầu tư tính đến cuối năm 2008 là khoảng hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó công ty lỗ đầu tư ước tính 384 tỷ đồng, tổng trích lập dự phòng đầu tư tài chính 467 tỷ đồng. Thua lỗ tài chính khiến REE lỗ ròng 140 tỷ đồng trong năm 2008, mức lỗ lớn nếu so với quy mô doanh nghiệp thời điểm đó.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE, bà Nguyễn Thị Mai Thanh khi đó cho biết thua lỗ của REE trong năm 2008 là sai lầm lớn nhất của Ban giám đốc và Hội đồng Quản trị. Công ty đã lên kế hoạch cắt lỗ từ quý 1/2008, nhưng không cương quyết làm ngay vì vẫn hy vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại vào quý 3 hoặc quý 4/2008.
Không chỉ mắc sai lầm trong đầu tư tài chính khi ngần ngại cắt lỗ, việc công ty rót quá nhiều nguồn lực vào một lĩnh vực cũng khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị mất đối xứng. Trong năm 2008, ngoại trừ mảng đầu tư tài chính, các mảng kinh doanh lõi khác của REE như cơ điện lạnh hay cho thuê văn phòng vẫn có lợi nhuận. Mặc dù vậy, công ty vẫn lỗ lớn.
Bài học đắt giá năm 2008 đã giúp REE thay đổi, công ty tái cấu trúc hoạt động, đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lõi như cơ điện lạnh, bất động sản cho thuê, năng lượng và giảm dần tỷ trọng vào đầu tư tài chính.
Chiến lược đúng đắn đã giúp REE xây dựng được nền tảng bền vững và kết quả lợi nhuận ấn tượng nhiều năm liên tiếp. Năm 2022, bất chấp các dự báo lợi nhuận các công ty sẽ suy giảm mạnh, REE vẫn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kế hoạch doanh thu của công ty 9.200 tỷ đồng, tăng trưởng 60% và lợi nhuận là 2.061 tỷ đồng tăng 11% so với năm ngoái.
Đến nay, REE vẫn duy trì mảng đầu tư tài chính, vẫn sở hữu cổ phiếu. Tuy nhiên, đây không còn là lĩnh vực hoạt động chính của REE và chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu hoạt động của công ty, với danh mục khoảng 110 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 lượng tiền mặt công ty đang sở hữu.
Sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến nhiều doanh nghiệp lặp lại sai lầm tương tự như REE hơn 10 năm trước. Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, có nhiều doanh nghiệp “tay ngang” thua lỗ hàng trăm tỷ đồng vì đầu tư vào chứng khoán, có thể kể tới những cai tên như Licogi 14, Nhà Đà Nẵng, Thép Tiến Lên…