Bài học 'Dân vận khéo' theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm 'Dân vận'

'Dân vận' là một trong những tác phẩm tiêu biểu kết tinh những luận điểm cơ bản, những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đặt nền tảng cho công tác dân vận của Đảng. Bài viết tập trung làm rõ nội dung bài học 'Dân vận khéo' theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm 'Dân vận' và đề ra các giải pháp tiếp tục vận dụng bài học 'Dân vận khéo' trong điều kiện mới.

 Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949. Ảnh: TL

Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949. Ảnh: TL

Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, chỉ vẻn vẹn hơn 600 chữ; được trình bày rõ ràng, dễ hiểu trong bốn mục lớn: Nước ta là nước dân chủ, Dân vận là gì, Ai phụ trách dân vận, Dân vận phải thế nào. Nội dung cơ bản của tác phẩm “Dân vận” đề cập đến vai trò của công tác dân vận, lực lượng tiến hành công tác dân vận, phương pháp, cách thức thực hiện hiệu quả công tác dân vận. Một trong những bài học quý báu đó là bài học về “Dân vận khéo”: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1.

Nội dung bài học “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm Dân vận

Một là, “khéo” phát huy vai trò của Nhân dân, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân.

Trên cơ sở kế thừa và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng trọng dân, thân dân trong nền văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, nhất là trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò làm nên lịch sử của Nhân dân, Nhân dân là chủ. Người yêu cầu phải “khéo” phát huy vai trò của Nhân dân, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, bởi vì:

“ NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2.

Trong tác phẩm “Dân vận”, bản chất của Nhà nước Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là “nước dân chủ” - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước dân chủ hoạt động vì lợi ích của Nhân dân, quyền hạn nhà nước là của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của Nhân dân không những là lực lượng có sức mạnh vô địch, lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà còn mang lại sức mạnh cho Đảng, Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng vũ trang. Do đó, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” nên cách mạng muốn thành công thì phải “khéo” động viên, phát huy vai trò của Nhân dân.

Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang là do phát huy được vai trò của Nhân dân, do Nhân dân tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải…

Hai là, các lực lượng thực hiện “dân vận khéo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng thực hiện dân vận khéo: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”3.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện “dân vận khéo” cần có sự phân công rõ nhiệm vụ và phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể, cán bộ canh nông và cán bộ địa phương: “Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn; Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ…”4.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ làm công tác dân vận: “Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”5.

Ba là, các phương pháp, cách thức thực hiện “dân vận khéo”.

Về phương pháp, cách thức thực hiện “dân vận khéo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn rất cụ thể: ra nghị quyết - tuyên truyền quán triệt nghị quyết - triển khai thực hiện - kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết - khen thưởng người tốt việc tốt, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, khuyết điểm - tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm.

“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.

Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”6.

Bốn là, yêu cầu về phong cách, tác phong của cán bộ “dân vận khéo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu về phong cách, tác phong của cán bộ “dân vận khéo”: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”7.

"Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" là cẩm nang về phương pháp dân vận cho tất cả cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận. Cán bộ dân vận phải sâu sát cơ sở, sát thực tế, đến với Nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách.

Các giải pháp tiếp tục vận dụng bài học “Dân vận khéo” trong điều kiện mới

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nội dung, yêu cầu thực hiện “dân vận khéo”.

Trước hết, cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng thực hiện công tác dân vận theo định hướng “dân vận khéo”. Thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về “dân vận khéo” gắn với chương trình học tập, bồi dưỡng của cán bộ, đảng viên; tập huấn nghiệp vụ; sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề; sơ, tổng kết về công tác dân vận, nêu gương điển hình “dân vận khéo”... Tuyên truyền, quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần tôn trọng và phục vụ Nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Để thực hiện bài học “Dân vận khéo” cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng, có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ tuổi, có năng lực; khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất, năng lực yếu kém và không có uy tín về làm công tác dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải có phong cách: “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”8.

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận”9. Từ đó, cán bộ làm dân vận nắm vững và hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo được bản lĩnh vững vàng và linh hoạt trong mọi hoạt động thực tiễn nhằm thực hiện nhiệm vụ bao trùm của công tác dân vận là tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống đúng đắn, hòa nhập với cộng đồng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nơi cư trú; không ngừng cố gắng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm trong công việc; có trách nhiệm, tâm huyết với công tác dân vận; tận tụy phục vụ Nhân dân; là những cán bộ, đảng viên gương mẫu trong công việc và cuộc sống để Nhân dân học tập theo.

Ba là, đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương thức tập hợp, vận động, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể. Trong xây dựng chương trình hành động cần quan tâm, thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Quan tâm điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các giai tầng xã hội; gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng, xã hội. Xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài.

Bốn là, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”.

Xây dựng các tiêu chí đánh giá điển hình “dân vận khéo”, trên cơ sở đó lựa chọn; dự kiến nhân sự; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dân vận; xây dựng cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết cho công tác dân vận đến thử nghiệm mô hình và tổ chức rút kinh nghiệm, học tập, vận dụng để nhân rộng mô hình. Trong quá trình thực hiện phong trào “dân vận khéo” phải luôn luôn theo dõi, đôn đốc, đồng thời nắm bắt các vấn đề phát sinh để có cách khắc phục kịp thời; khi công việc hoàn thành phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm những việc làm được và chưa làm được để đề ra giải pháp khắc phục; phải chú trọng và có sự động viên, khuyến khích kịp thời bằng các hình thức biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình các biểu hiện, các cách chưa tốt, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận.

Năm là, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Tích cực đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận”10. Các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện để nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận sớm đi vào cuộc sống, có hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy đảng lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các công việc liên quan đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và vận động Nhân dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân.

Các cơ quan đảng ở Trung ương thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Quan tâm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là về xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, từ đó tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp.

Thường xuyên kiện toàn, củng cố, phát huy vai trò tham mưu, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cấp, các ngành, các địa bàn. Chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn trong đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp.

Chú thích:

1,2,3,4,5,6,7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232 - 234.

8,9,10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập 2, tr. 248 - 249.

*LÊ MẬU NHIỆM - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm

Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận

**LÊ THỊ MINH HÀ - Tiến sĩ, Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/bai-hoc-dan-van-kheo-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-tac-pham-dan-van-59037.html