Bài học đắt giá từ 'sóng thần Covid-19' ở Ấn Độ

Những điểm mù trong phản ứng của Ấn Độ đối với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai trở thành lời cảnh báo mạnh mẽ cho các quốc gia khác.

Ấn Độ 'vỡ trận' trong làn sóng Covid-19 thứ hai Ấn Độ đang bị tàn phá bởi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. Chỉ trong 24 giờ, số người chết do đại dịch của nước này lên đến 2.000 người và hơn 300.000 ca mắc mới.

Số liệu về các ca nhiễm mới mà Ấn Độ báo cáo vào tháng 1 và tháng 2/2021 khả quan quá mức so với dự đoán, khi quốc gia hơn 1,3 tỷ người ghi nhận mức giảm ngoạn mục so với mức đỉnh đầu tiên vào năm 2020 là hơn 100.000 ca xuống dưới 10.000 ca nhiễm/ngày.

Các dữ liệu báo cáo sau đó về số ca nhiễm và ca tử vong đều thể hiện dường như có một phép màu đã xảy ra.

 Với hơn 312.000 ca mắc Covid-19 mới, hôm 22/4 Ấn Độ đã phá kỷ lục của Mỹ và trở thành nước có số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất thế giới. Ảnh: New York Times.

Với hơn 312.000 ca mắc Covid-19 mới, hôm 22/4 Ấn Độ đã phá kỷ lục của Mỹ và trở thành nước có số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất thế giới. Ảnh: New York Times.

Jishnu Das, một nhà kinh tế học y tế tại Đại học Georgetown, Mỹ, nói với NPR trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 2: “Không phải là Ấn Độ đang xét nghiệm ít hơn hoặc dữ liệu đang được báo cáo dưới mức. Lúc đầu, số ca nhiễm tăng vọt rất nhanh rồi bỗng biến mất. Các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện đã giảm xuống. Mọi chỉ số đều thể hiện sự suy giảm của đại dịch".

Có điều, đại dịch không biến mất dễ dàng như vậy. Có thể phải mất nhiều năm mới tìm ra được lý do cho sự ảo tưởng đó, nhưng rõ ràng Ấn Độ đã bỏ sót tỷ lệ thật của các ca nhiễm vào đầu năm nay, ngay cả vào thời điểm mọi người đang ăn mừng sự suy giảm của dịch bệnh, cho đến khi quá muộn.

Mặc dù người ta cho rằng nguyên nhân là loại biến chủng Covid-19 mới phát hiện ở Ấn Độ, làn sóng này trỗi dậy là do sự kết hợp thất bại của quản lý xã hội, điểm yếu trong hệ thống y tế của Ấn Độ và các quyết sách.

Trước khi làn sóng thứ hai - được ví như một cơn sóng thần - càn quét quốc gia đông dân thứ hai thế giới, virus được cho đã bị chế ngự ở Ấn Độ, thậm chí một số khu vực được tin là đang tiến tới miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng đang trong tiến trình thực hiện, nên nhiều người có lý do để tin rằng tình hình có thể kiểm soát.

Giới chuyên gia cho rằng có vẻ như Ấn Độ đã mắc những lỗi tương tự với các quốc gia khác, kể cả Anh, sau khi làn sóng đầu tiên lên đến đỉnh điểm. Sau đó các quốc gia sẽ trở lại trạng thái bình thường rồi lại bị làn sóng thứ hai tấn công nghiêm trọng.

Tiến sĩ Chandrakant Lahariyaviết trong một bài báo cho India Today vào tuần trước: “Làn sóng thứ hai của Covid-19 đã đến vài tháng sau làn sóng thứ hai ở các quốc gia khác, nơi đã xảy ra tình trạng tương tự ở đâu đó vào giữa đến cuối năm 2020. Không có lý do gì để tin rằng tình hình sẽ khác ở Ấn Độ".

"Mặc dù sự lỏng lẻo trong quản lý xã hội được ghi nhận, từ tháng 2 đến tháng 4/2021, chính phủ cũng không quyết tâm thực thi các biện pháp phòng dịch y tế công cộng. Trong khi hướng dẫn thông lệ về điều chỉnh xã hội với Covid-19 đã ban hành, chính các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo được bầu đã buông lỏng cho sự tụ tập đông đúc. Trong số đó phải kể tới các lễ hội, như Holi vào cuối tháng 3, Kumbh Mela ở Haridwar (tháng 3 và 4), các cuộc biểu tình bầu cử ở 5 bang (tháng 3 đến tháng 4)".

Mặc khác, Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn thế giới, đã lặp lại những sai lầm cũng đã xảy ra ở Mỹ và các nơi khác, khi cho rằng chỉ cần tiêm vaccine là đủ để kiểm soát Covid-19. Thủ tướng Narendra Modi sau đó nhấn mạnh rằng giãn cách xã hội vẫn là một biện pháp "tối ưu cuối cùng".

Thực tế, từ kinh nghiệm của nước Anh, sự kết hợp giữa tiêm chủng tích cực, ngăn chặn và giám sát sẽ mang lại cơ hội tốt nhất để giảm thiểu tác động của đại dịch.

Có 3 yếu tố then chốt: Đầu tiên, nếu không chú trọng vào việc giám sát hiệu quả, Covid-19 sẽ tận dụng những điểm mù đó để lây lan trở lại.

Thứ hai, ngay cả giữa phong trào tiêm chủng như của Ấn Độ, khi nhiều người chưa được tiêm thì Covid-19 vẫn là một mối đe dọa mạnh mẽ, có thể gây áp lực cho hệ thống y tế.

Bài học thứ ba và cuối cùng là về sự lãnh đạo. Hành động thúc đẩy cải thiện nhận thức của công chúng và khuyến khích thành kiến với bình thường hóa có tác động thực sự trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vốn phụ thuộc lớn vào việc khuyến khích người dân cẩn thận hơn.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-dat-gia-tu-song-than-covid-19-o-an-do-post1207267.html