Bài học kinh nghiệm giáo dục đạo đức và lối sống hiệu quả
Sự việc nam sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia phát ngôn thiếu chuẩn mực đã gây xôn xao dư luận.
Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục và các nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống và ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh, sinh viên.
Phát ngôn “bộc phát”
Sự việc em Chu Ngọc Quang Vinh - học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), thí sinh từng đoạt giải cao trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ đã gây bức xúc trong dư luận.
Là thí sinh từng dự Olympia và lọt vào trận chung kết năm, Nguyễn Trọng Thành - học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) cho biết khá bất ngờ với dòng trạng thái của bạn. Đáng buồn hơn là đối với thí sinh thi Olympia khi phải đọc và hiểu nhiều kiến thức xã hội, lịch sử.
Nguyễn Thành Đạt - sinh viên Trường Đại học Xây dựng cho rằng đó là quan điểm lệch lạc, bộc phát, không đại diện cho thế hệ trẻ hiện nay. Trường hợp Chu Ngọc Quang Vinh cho thấy sự thiếu hụt tri thức lịch sử, thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức công dân...
Liên quan sự việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Chúng ta có thể thông cảm với những hành động bồng bột của lứa tuổi vị thành niên, nhưng các em cần phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn và hành vi của mình.
Đối với các nhà trường, đặc biệt trường chuyên, cần rút ra bài học kinh nghiệm trong việc giáo dục đạo đức và lối sống một cách hiệu quả thay vì chỉ tập trung vào các môn học hay cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Cùng đó, cần giáo dục để trò biết ứng xử văn hóa trên môi trường mạng, tăng cường giáo dục về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
“Giáo dục đạo đức và tư tưởng giúp các em không chỉ hiểu đúng, mà còn phải có khát khao thực hiện những điều đó. Điều quan trọng là giúp thế hệ trẻ tìm ra cách biến những mong muốn đó thành hành động cụ thể trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở lời nói đúng và hay, mà còn phải biết cách hành động hiệu quả”, TS Lâm nói.
TS Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý đến từ Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phát ngôn của nam sinh vừa qua có thể xuất phát từ 3 nguyên nhân: Tâm lý cá nhân, môi trường giáo dục và ảnh hưởng của thông tin rác, độc hại ở mạng xã hội. Học sinh phát ngôn như vậy chứng tỏ thiếu kiến thức cuộc sống, xa rời thực tế.
Theo ông Sơn, cần phải giáo dục cho học sinh các giá trị cốt lõi về đạo đức để các em hiểu được lễ, nghĩa cơ bản nhất, từ đó tôn trọng, biết ơn cha mẹ, những người xung quanh. Giáo dục đạo đức, tư tưởng học sinh phải triển khai từ sớm để nắm bắt được thời điểm vàng, trước khi hình thành cá tính.
Gia đình, nhà trường có một phần trách nhiệm
Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: Trong những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Nhìn chung thế hệ trẻ có đạo đức tốt, tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Tuy nhiên vừa qua, cá biệt có trường hợp học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đăng tải nội dung không phù hợp trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Trong sự việc này, đáng trách đầu tiên là bản thân học trò nhưng gia đình, nhà trường cũng có một phần trách nhiệm.
Sau sự việc này, sở chỉ đạo các trường tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Lý luận chính trị. Triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn học và hoạt động giáo dục.
Qua sự việc thí sinh phát ngôn sai lệch, ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Khoa học Công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội) trao đổi: Chúng ta cần nhìn nhận khách quan về những nguyên nhân dẫn đến sự việc này. Bên cạnh yếu tố cá nhân như sự nông nổi, thiếu chín chắn của tuổi trẻ thì việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là điều cần được quan tâm.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các bạn trẻ có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin sai lệch. Vì thế, nếu thiếu sự định hướng, thiếu tìm hiểu, các em dễ sa vào nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc.
Thực tế này đòi hỏi công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên phải có sự đổi mới. Trong thời đại công nghệ số, khi mọi thông tin có thể tìm kiếm qua Internet thì việc giáo dục lý tưởng cách mạng cần áp dụng các phương pháp hiện đại, tạo ra sản phẩm truyền thông hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các em.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Phương Thảo - Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội) chia sẻ: Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng cho học sinh sẽ đạt hiệu quả cao nếu giáo viên tổ chức tốt các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Thông qua các tiết học này, giáo viên tạo cơ hội cho học sinh được nói, trình bày trước lớp. Học sinh được trình bày ý kiến quan điểm cá nhân về gia đình, bạn bè giúp giáo viên có thể hiểu được tâm sinh lý mỗi trò để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên không chỉ là công việc của nhà trường mà gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện, chia sẻ giúp trẻ hình thành suy nghĩ, lối sống đúng đắn. Ngoài ra, địa phương, Đoàn Thanh niên phải đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng gần gũi, thực tế, khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội.