Bài học phòng cháy, chữa cháy từ vụ cháy tàu cá
Đã 3 tháng trôi qua từ sau vụ cháy lớn 11 tàu cá xảy ra ngày 7/12/2023 tại Công ty TNHH Sửa chữa và đóng tàu Phan Thiết (khu phố 2 - phường Phú Hài – TP. Phan Thiết), nhưng chủ của những chiếc tàu ấy vẫn chưa được bồi thường thiệt hại.
Ngay sau sự cố nghiêm trọng xảy ra, UBND tỉnh đã có Công văn số 4813/UBND-KT đề nghị Công ty Bảo hiểm Bình Thuận, Công ty Bảo Minh Bình Thuận khẩn trương tiếp cận vụ việc, nắm bắt thông tin, tình hình thiệt hại của các tàu cá để hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục cần thiết nhằm sớm xúc tiến việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho ngư dân có tàu cá bị tai nạn trong vụ cháy nêu trên.
Vụ cháy tàu nghiêm trọng 3 tháng trước. Ảnh: N. Luân
Để tạo điều kiện cho ngư dân sớm sửa chữa, đưa phương tiện vào hoạt động, Văn phòng Tỉnh ủy đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy gởi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ cháy 11 tàu cá. Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá thiệt hại về tài sản đối với 11 tàu cá bị cháy nêu trên.
Về phía Công ty Bảo Việt Bình Thuận, hiện công ty đã phân công giám định viên tiếp cận hiện trường và phối hợp cùng chủ tàu khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Theo đó, ngày 8/12/2023, Công ty giám định độc lập BADINCO (do Bảo Việt chỉ định) đã đến hiện trường vụ cháy 11 tàu cá và đã tiến hành giám định 6 tàu cá có tham gia bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt Bình Thuận. Hiện tại, Công ty Bảo Việt Bình Thuận đã xác định và ước tính thiệt hại của 3 tàu cá bị cháy được bảo hiểm tại Bảo Việt Bình Thuận, tuy nhiên vẫn còn 3 tàu (BTh-97181-TS, BTh-99981-TS và BTh-97399-TS) đơn vị giám định BADINCO vẫn chưa tiếp cận được hiện trường để xác định số tàu, số máy do cơ quan Công an đang phong tỏa để điều tra nguyên nhân. Công ty Bảo Việt Bình Thuận sẽ tiếp tục phối hợp cùng các chủ tàu và Công ty giám định BADINCO để giám định khi được sự cho phép của cơ quan chức năng và sớm hoàn tất hồ sơ để giải quyết trách nhiệm bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định ngay khi nhận được kết luận điều tra nguyên nhân cháy của cơ quan chức năng.
Những cơ sở đóng tàu thuyền tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. (ảnh: L. Phúc)
Liên quan đến vụ cháy lớn vừa qua, Công ty Bảo Minh Bình Thuận cũng có bảo hiểm thân tàu cho 3 tàu cá (BTh-99897-TS, BTh-96789-TS, BTh-95239-TS). Hiện tại, Công ty Bảo Minh Bình Thuận cũng đang trong quá trình thu thập hồ sơ, tài liệu để có cơ sở đánh giá, giải quyết khiếu nại, yêu cầu bồi thường đối với tổn thất của 3 tàu cá nêu trên. Đồng thời, Công ty Bảo Minh Bình Thuận đã có công văn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về việc tổn thất cháy 3 tàu cá. Sau khi nhận được phản hồi từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Công ty Bảo Minh Bình Thuận sẽ nhanh chóng xem xét, giải quyết khiếu nại của chủ tàu cá, đảm bảo tối đa quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng theo đúng các điều kiện, điều khoản bảo hiểm các bên đã giao kết và theo đúng quy định pháp luật.
Qua sự việc trên cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy ở những cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trong tỉnh chưa đảm bảo, chưa có quy định cụ thể để ngành chức năng quản lý. Do đó, nơi đây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao vì Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn của cả nước với hơn 7.000 tàu thuyền lớn nhỏ. Mỗi năm, nhu cầu sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khá lớn, nhưng hầu hết các điểm sửa chữa tàu thuyền trong tỉnh ít để ý đến vấn đề phòng cháy chữa cháy cho đến khi sự việc đau buồn vào cuối năm 2023 xảy ra. Vì vậy, ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể những cơ sở này, cũng như tuyên truyền để ngư dân nâng cao ý thức, trước khi đưa tàu lên ụ sửa chữa, cần kiểm tra và dọn dẹp những vật liệu dễ cháy, hạn chế đến mức thấp nhất sự việc không hay tương tự xảy ra.
Toàn tỉnh có 24 cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền, tuy nhiên chỉ có 1 cơ sở đủ kiện nằm trong diện quản lý phòng cháy chữa cháy.