Bài học phòng xa từ động đất
Trận động đất kinh hoàng ở Myanmar một lần nữa làm nóng câu hỏi có nên phòng xa cho động đất và phòng xa như thế nào ở Việt Nam.
Ngày 28/3, Myanmar rung chuyển bởi trận động đất độ lớn 7,7, khiến ít nhất 2.970 tòa nhà dân cư, 150 tòa nhà tôn giáo ở Myanmar bị đổ sập hoặc hư hỏng. Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi 2.000 công trình bị thiệt hại với mức độ khác nhau, trong số đó có tòa nhà cao tầng đang xây dở ở thủ đô Bangkok đổ sập chỉ trong vài giây.
Trong trận động đất giải phóng năng lượng tương đương 334 quả bom nguyên tử này, số người chết và bị thương lên tới hàng nghìn.
Theo Giáo sư Daniel Aldrich, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khả năng Phục hồi tại Đại học Northeastern (Mỹ), có nhiều yếu tố khiến động đất ở Myanmar gây thiệt hại lớn về vật chất, nhưng vấn đề cốt lõi là các nước đang phát triển như Myanmar tụt hậu về luật và tiêu chuẩn xây dựng.

Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Một báo cáo gần đây về mức độ sẵn sàng ứng phó thảm họa của Myanmar cho thấy nước này dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Myanmar thiếu hệ thống cảnh báo sớm đáng tin cậy và có ít kinh nghiệm xử lý động đất lớn hơn so với các thảm họa khác như lũ lụt, bão và hỏa hoạn. Các tòa nhà cao 10 tầng chủ yếu làm bằng bê tông và gạch, nhưng thiết kế của các công trình này chưa thực sự tính đến các biện pháp chống động đất.
Với Thái Lan, một báo cáo đánh giá khả năng chuẩn bị ứng phó thảm họa cho thấy nước này có tình trạng nghiên cứu và phát triển không đầy đủ trong lĩnh vực khoa học động đất và sóng thần, thiếu bảo trì thích hợp đối với các cơ sở quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do động đất và sóng thần, đồng thời thiếu nhận thức về nguy cơ này.
Theo Giáo sư Alrich, một phần vấn đề ở các nước đang phát triển là họ có nhiều ưu tiên khác nhau trong khi ngân sách lại hạn chế. Ông cho rằng khả năng cao là các nhà quy hoạch ở những nước này chưa từng xem động đất là một ưu tiên hàng đầu, khác hẳn với quốc gia giàu có và thường xuyên hứng chịu động đất là Nhật Bản. Ông Aldrich nói rằng ở Nhật Bản, một trận động đất mạnh như thế này chưa từng khiến một tòa nhà đang xây dựng bị sập như tòa nhà ở Bangkok.
Nhật Bản đã phải đối mặt với động đất thường xuyên đến mức họ buộc phải hành động. Thế còn với Việt Nam vốn ít xảy ra động đất thì sao? Chúng ta đã hành động ở mức độ nào để chuẩn bị cho một kịch bản xấu về động đất?
Ví dụ của Thái Lan cho thấy dù một quốc gia không nằm trên vành đai động đất chính như Myanmar, nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, thiệt hại gián tiếp nhưng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. Điều đó cũng có thể đúng với Việt Nam.
Trận động đất ngày 28/3 ở Myanmar chỉ khiến một số tòa nhà ở Hà Nội, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh rung lắc ở mức độ khiến đèn chùm đung đưa, bể cá gợn sóng nhẹ, đồ đạc loảng xoảng hay gây cảm giác chóng mặt, nôn nao. Dù vậy, người dân sống và làm việc trong các cao ốc cũng đã cảm thấy bất an, hoảng loạn, chen chân tháo chạy xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích trong quá trình đó.

Trưa 28/3, nhiều người dân đang làm việc tại tòa nhà Viettel Tower, Quận 10 đã cảm nhận rung lắc và tháo chạy xuống khuôn viên của tòa nhà. Ảnh: Báo Tin tức
Điều này cũng dễ hiểu vì đất nước chúng ta, đặc biệt là các thành phố lớn, không thường xuyên xảy ra động đất, nên người dân không có kỹ năng ứng phó với loại hình thiên tai này một cách bài bản và thành phản xạ như người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, phòng xa không phải là chuyện thừa, ít nhất nhất là về quy chuẩn xây dựng nhà cửa và nhận thức của mỗi cá nhân.
Về mặt xây dựng, theo đánh giá của báo chí và các chuyên gia, nhiều công trình ở Việt Nam chỉ áp dụng các biện pháp kháng chấn ở mức cơ bản, chưa đầy đủ và chi tiết. Các chung cư thương mại tại Việt Nam chưa được áp dụng các công nghệ tiên tiến đề phòng động đất như cách ly nền móng, thiết bị hấp thu dao động… do chi phí cao và thiếu chuyên môn kỹ thuật. Chúng ta cũng đã có tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 về thiết kế công trình chịu động đất, nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn này trong thực tế còn hạn chế, đặc biệt là trong các công trình nhỏ và vừa của người dân.
Thiết nghĩ, nếu đã có quy định và tiêu chuẩn về chống động đất trong xây dựng thì cần phải thực hiện và giám sát thực hiện nghiêm túc để phòng xa, cho dù nguy cơ trước mắt là thấp. Nếu chúng ta để xảy ra các sự kiện gây hậu quả nặng nề rồi mới thực hiện thì sẽ phải trả giá bằng nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản, tương tự như việc chúng ta chỉ siết chặt quy định, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy sau khi đã xảy ra quá nhiều vụ cháy làm quá nhiều người chết.
Về mặt nhận thức, cũng tương tự như các bài học về phòng cháy chữa cháy hay phòng ngừa các loại thiên tai khác, đừng để đến lúc có hậu quả rồi mới học được bài học đắt giá. Trong thực tế, mỗi khi thế giới có trận động đất lớn hay thiên tai lớn xảy ra, chúng ta mới nhấn mạnh tới các kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Trong khi đó, những kỹ năng này nên được tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức.
Có lẽ trận động đất ở Myanmar nên là sự kiện để chúng ta nghiêm túc nhìn lại công tác phòng xa cho kịch bản động đất mạnh ở Việt Nam, để đảm bảo những ngôi nhà, những căn hộ chung cư mà chúng ta gọi là tổ ấm không biến thành mối nguy hiểm đến tính mạng.