Nhiều biện pháp bảo vệ lúa vụ đông xuân

Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn TP. Huế, cuối tháng 3 đến giữa tháng 4/2025, địa phương còn chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân.

Bệnh vàng lá xuất hiện trên một số diện tích lúa ở phường Hương Phong

Bệnh vàng lá xuất hiện trên một số diện tích lúa ở phường Hương Phong

Chủ động từ đồng ruộng

Vụ đông xuân này, anh Trần Đại Thương ở thôn An Xuân Đông, xã Quảng An (Quảng Điền) đưa vào sản xuất lúa giống HG224 và J02 trên diện tích 5ha. Đây là giống lúa ngắn ngày chất lượng cao. Để đảm bảo năng suất cho cây trồng, từ đầu vụ đến nay, anh Thương tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và HTX đề ra.

Anh Thương chia sẻ, theo thông báo của HTX, tới đây thời tiết sẽ chịu ảnh hưởng đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa rét, dẫn đến gia tăng tỷ lệ gây hại trên cây lúa như bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt… Để bảo vệ diện tích sản xuất, bà con đã tiến hành bơm các loại thuốc phòng trừ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của HTX và ngành chức năng.

Theo ông Trần Quang Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Xuân, xã Quảng An, trước diễn biến bất lợi của thời tiết, có thể gây mưa lớn, rét hại trong thời điểm cây lúa chuẩn bị trổ đòng, đơn vị đã triển khai hướng dẫn cho bà con các biện pháp phòng ngừa; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng hoạt động của 2 trạm bơm đạt hết công suất để đáp ứng tiêu úng toàn bộ diện tích canh tác 254,3ha của HTX.

Những cánh đồng lúa ở TDP Thuận Hòa, phường Hương Phong, quận Thuận Hóa đang xuất hiện bệnh vàng lá ở một số diện tích. Qua tìm hiểu được biết, đa số bệnh vàng lá xảy ra ở những diện tích gieo trồng giống lúa 4B.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa cho biết, đối với giống lúa 4B, bệnh vàng lá là loại bệnh sinh lý ở thời điểm chuẩn bị trổ đòng, sau khi chuyển đòng độ một tuần cây sẽ xanh lá trở lại. Toàn bộ diện tích lúa của HTX hơn 145ha, trong đó chỉ có 30ha được bà con sản xuất giống lúa 4B, còn lại gieo trồng giống lúa J02. HTX đã hướng dẫn bà con bơm các loại thuốc chống nấm, phòng bệnh cho cây lúa.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bình, HTX đã hợp đồng với cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ hại lúa, nhất là ứng phó trong thời tiết mưa rét để đảm bảo chất lượng cho cây trồng.

Đảm bảo năng suất, sản lượng

Vụ đông xuân 2024-2025, toàn thành phố đã gieo cấy hơn 27.900ha, diện tích đại trà đang giai đoạn đứng cái làm đòng. Nhìn chung lúa sinh trưởng phát triển khá tốt. Các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng như bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm khoảng 346ha, chiếm tỷ lệ gần 1,5%, chủ yếu trên các giống J02, BĐR999, nếp địa phương và nếp than...; chuột gây hại hơn 621ha, tỷ lệ gần 2,5%; bệnh khô vằn gây hại 327ha, tỷ lệ 1,2%. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Huế, ông Hồ Đính cho hay, các sinh vật gây bệnh thối thân, thối bẹ, bệnh đốm nâu, gạch nâu, rầy các loại... không nhiều, mật độ và tỷ lệ gây hại thấp hơn so với mùa vụ trước.

Để bảo vệ sản xuất vụ đông xuân và hạn chế thiệt hại do các đối tượng sinh vật gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bố trí cán bộ kết hợp với các phường, xã, thị trấn, HTX... hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý, bón phân thúc đòng đúng thời điểm, cân đối hợp lý để cây lúa phát triển tốt. Cùng với đó, đơn vị tăng cường cán bộ xuống đồng kiểm tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại, diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhieu-bien-phap-bao-ve-lua-vu-dong-xuan-152162.html