Bài học quản lý con trong việc sử dụng mạng xã hội, từ vụ Youtuber Thơ Nguyễn
Vụ việc lùm xùm liên quan đến đoạn clip 'xin vía' búp bê giả như Kumanthong đăng trên tài khoản Tiktok của Youtuber Thơ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Hồng Thơ) nhiều ngày nay đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội.
Phần lớn các phụ huynh đều bày tỏ ý kiến không đồng tình với cách làm video của một kênh Youtube có đối tượng khán giả hầu hết là trẻ em như vậy và đồng loạt kêu gọi tẩy chay Thơ Nguyễn.
Cụ thể, video của Thơ Nguyễn xuất hiện trên tài khoản TikTok của Thơ Nguyễn từ ngày 27/2 với thời lượng 60 giây. Hiện, có hơn 900.000 lượt theo dõi của cô về việc “xin vía” học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê “bùa ngải” Kumanthong ở Thái Lan).
Trong ngày 10/3, Thơ Nguyễn đã ẩn toàn bộ các clip trên TikTok nói chung và clip chính trong sự việc nói riêng.
Sau đó, Thơ Nguyễn có đăng tải một đoạn clip khóc nức nở tuyên bố sẽ dừng không làm video nữa.
Có khả năng xóa kênh của Youtuber Thơ Nguyễn
Ngày 11/3, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) cho biết, đang phối hợp cùng Cục A03 (Bộ Công an) mời Youtuber Thơ Nguyễn.
Nếu Youtuber Thơ Nguyễn không hợp tác, sẽ đề nghị Google đóng hẳn kênh Youtube của cá nhân này.
Cục PTTH&TTĐT cho biết, sau khi liên hệ với Youtuber nói trên thông qua số điện thoại và email, Cục PTTH&TTĐT vẫn chưa nhận phản hồi. Hiện Cục đã phối hợp với Cục A 03 nhằm tìm địa chỉ cũng như số điện thoại của chủ kênh Thơ Nguyễn để tiếp tục liên hệ làm việc.
Cha mẹ cần cẩn thận trong việc kiểm soát con sử dụng mạng xã hội
TS. Vũ Thu Hương - chuyên gia về tâm lý kỹ năng sống, nguyên Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay môi trường trên mạng đang chưa có “bộ lọc” cho trẻ em.
Không có mức giới hạn lứa tuổi xem. Trong khi trẻ em lại được cha mẹ cho tiếp xúc với mạng internet từ rất sớm.
Vì thế, TS. Hương cho rằng những nội dung, chương trình trên mạng phải có “vùng cấm quy định rõ ràng lứa tuổi nào thì xem những nội dung nào”.
Thực tế, đã có nhiều bài học vì xem và làm theo trên mạng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của trẻ như trường hợp thắt cổ tự tử, cắt cổ tay tự tử theo phong trào Momo một thời, hay làm theo hướng dẫn trên TikTok thắt cổ tự tử mà không chết, có trẻ đã làm theo và phải trả giá cả mạng sống.
TS. Hương cũng cho rằng, trẻ nhỏ học bằng cách bắt chước. Nên việc làm các sản phẩm trẻ em, chúng ta phải luôn cẩn trọng.
Cách so sánh rút ra bài học thường chỉ phù hợp với người lớn, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Vì vậy, theo TS. Hương, khi chưa có quy định rõ ràng về “bộ lọc” thông tin cho trẻ xem trên mạng thì cha mẹ cần phải quan tâm hơn đến con, kiểm soát con và có quy định cho con xem những kênh thông tin nào để ngăn cản trẻ tiếp xúc với các nhân vật có thể gây hại đến trẻ.