'Bài học' rút ra từ vụ tàu Moskva: Nếu bị trúng tên lửa, tàu Nga hay Mỹ cùng đều chìm cả?
Vụ tàu Moskva chìm vẫn chưa rõ lý do, tuy nhiên có nhiều vấn đề cho thấy dù là tàu chiến của Nga hay Mỹ cũng đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa mới.
Bài học nào từ vụ tàu Moskva chìm?
Tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm mang tính biểu tượng của Nga bị chìm đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong giới quân sự và trở thành bài học kinh nghiệm cho một số quốc gia khác. Đặc biệt trong số đó là Mỹ.
Hiện tại, Moscow vẫn chưa lên tiếng xác nhận nguyên nhân khiến tàu tuần dương Moskva chìm, trong khi các bên tuyên bố con tàu đã trúng tên lửa.
Không bàn đến nguyên nhân xảy ra vụ việc, tờ Breaking Defense đã nêu ra một số vấn đề đối với tàu chiến ngày nay, nhấn mạnh rằng không chỉ Nga mà kể cả tàu chiến Mỹ cũng có thể gặp những rắc rối tương tự trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại.
Câu hỏi được đặt ra là tàu chiến Mỹ sẽ làm tốt như thế nào trong tình huống như vậy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong một kịch bản đụng độ với đối thủ như Trung Quốc?
Các loại vũ khí chống hạm ngày càng có giá thành tương đối rẻ và Trung Quốc những năm qua đã đầu tư rất nhiều vào danh mục này, khiến mối đe dọa trở nên rất thực tế.
Các chuyên gia về tác chiến hải quân cho rằng sẽ rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra, nhưng nhìn chung hải quân Mỹ có vị thế tốt hơn trong việc phòng thủ hoặc giải quyết tình hình sau một cuộc tấn công như vậy.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng các thiết kế tàu nổi của hạm đội mặt nước Nga đã lỗi thời và có nhiều vấn đề khiến chúng dễ bị vô hiệu hóa dù chỉ dính một đòn đánh. Hệ thống phòng thủ của Nga cũng không được cập nhật mạnh mẽ như của Mỹ.
"Hải quân Mỹ đang đối mặt với nguy cơ đối đầu với tên lửa hành trình của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết.
"Ngược lại, hải quân Trung Quốc cũng đang dần xây dựng các lực lượng tác chiến mặt nước là chủ yếu và nếu quân đội Mỹ có thể tăng cường kho vũ khí chống hạm thì một mối đe dọa có thể được đặt ra đối với Trung Quốc theo cách tương tự".
Theo Koh, Trung Quốc đã tích lũy được một "kho vũ khí tên lửa hành trình mạnh mẽ".
Theo chuyên gia này, để đạt được hiệu quả, tên lửa không nhất thiết phải đánh chìm một con tàu - nó chỉ cần gây đủ sát thương khiến cho thủy thủ đoàn phải đổi mục tiêu từ tấn công sang cố gắng giữ cho con tàu tiếp tục nổi trên mặt nước.
Nếu một lực lượng yếu hơn tập trung số lượng lớn tên lửa nhắm vào một con tàu, họ có khả năng đạt được một hoặc hai quả trúng đích mang lại tác dụng lớn.
Chi tiết về kết cục của tàu Moskva vẫn chưa rõ ràng, nhưng có sự đồng thuận rằng con tàu bị chìm trong lúc quay trở lại cảng.
Hải quân Israel từng trải qua một sự cố tương tự vào năm 2006 khi nhóm Hezbollah tìm cách tấn công tàu hộ tống INS Hanit từ đất liền, Koh lưu ý.
"Cuộc tấn công không đánh chìm tàu nhưng khiến nó không thể hoạt động. Sự cố này và vụ tàu Moskva (nếu trong trường hợp trúng tên lửa thực sự) củng cố quan điểm rằng trong chiến tranh hải quân ngày nay, bên yếu hơn vẫn có thể gây ra mối đe dọa bất đối xứng đối với các đối thủ mạnh hơn", ông nói.
Lý do khách quan
Nhưng có một số lý do cho thấy so sánh tàu Moskva và các tàu trong lực lượng mặt nước hiện tại của hải quân Mỹ là khập khiễng.
Jerry Hendrix, thuyền trưởng Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là thành viên cấp cao của Viện Sagamore, cho biết sự khác biệt đầu tiên liên quan đến thiết kế của Moskva và các tàu khác của hạm đội Liên Xô.
Được sản xuất từ những năm 1970 và 1980, Liên Xô đã chọn cách cất giữ vũ khí tấn công trên boong. Điều đó có nghĩa là chỉ cần một đòn đánh trúng, ngọn lửa sẽ bùng lên, các thùng chứa tên lửa sẽ biến thành những quả bom hẹn giờ tích tắc.
"Thiết kế đặc biệt của con tàu đã tự khiến nó dễ bị tổn thương", Hendrix nhấn mạnh.
Ngược lại, hải quân Mỹ lưu trữ các loại đạn dược tấn công bên dưới boong, có nghĩa là nếu ngọn lửa bùng lên đe dọa, thủy thủ đoàn có thêm thời gian để khắc phục nhanh hơn.
Một vấn đề khác là hạm đội mặt nước của Nga vốn không được đầu tư và chú ý nhiều như lực lượng tàu ngầm, các hệ thống phòng không "cổ điển" đơn giản không được thiết kế cho quỹ đạo của tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hiện đại.
Mặt khác, Hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ đã được nâng cấp liên tục trong nhiều thập kỷ để thích ứng với các mối đe dọa mới.
James Foggo III, đô đốc Hải quân 4 sao đã nghỉ hưu, hiện là lãnh đạo Trung tâm Chiến lược Hàng hải, nói với Breaking Defense rằng chính thủy thủ đoàn cũng là nhân tố quan trọng trong việc giúp con tàu vượt qua được hay không.
Ông lưu ý rằng thời điểm tàu Moskva chìm trùng với dấu mốc 40 năm Chiến tranh Falklands sắp tới. Trong cuộc xung đột đó, có hai tàu, một của Anh và một của Argentina, đã bị phá hủy trong những vụ việc kỳ lạ tương tự như những gì đã xảy ra với tàu chiến Nga.
Trong cả hai trường hợp, thủy thủ đoàn lẽ ra có thể ngăn chặn được cuộc tấn công hoặc ít nhất là giảm thiểu thiệt hại sau sự việc. Nhưng cả hai trường hợp đó, thủy thủ đoàn đều không làm được.
Mặc dù chưa rõ tàu Moskva của Nga bị chìm vì lý do gì, nhưng tờ Breaking Defense cho rằng, bất kể con tàu nào dù là của Nga hay của Mỹ cũng đều dễ bị tổn thương trước các mối nguy mới trong cách tác chiến ngày nay.