Bài học từ 2 chiếc pizza trị giá hơn 300 triệu USD
Cách đây 11 năm, lập trình viên Laszlo Hanyecz đã mua 2 chiếc pizza với giá 10.000 Bitcoin.
Thế giới tiền mã hóa có một ngày kỷ niệm đặc biệt, gọi là Pizza Day. Vào ngày 22/5/2010, lập trình viên Laszlo Hanyecz sống tại Florida, Mỹ đã mua 2 chiếc pizza từ cửa hàng Papa John với giá 10.000 Bitcoin. Với giá Bitcoin tính tới ngày 24/5, 2 chiếc pizza đó có giá tương đương hơn 300 triệu USD.
"Tôi chỉ muốn nói với mọi người rằng tôi đã đổi thành công 10.000 Bitcoin lấy pizza", Hanyecz thông báo trên diễn đàn BitcoinTalk cách đây 11 năm. Đây cũng là giao dịch đầu tiên dùng Bitcoin để mua một loại hàng hóa thật ngoài đời.
Không hối tiếc
Vào năm 2010, đồng Bitcoin có giá rất thấp và mới chỉ lưu hành trong một nhóm nhỏ những người đam mê công nghệ blockchain. Hanyecz đã tìm cách chứng minh đồng tiền này có thể dùng để thanh toán. Cuối cùng, anh thỏa thuận được với một thành viên khác trong diễn đàn BitcoinTalk để chuyển 10.000 Bitcoin cho người này, đổi lại 2 chiếc Pizza.
Hai chiếc pizza mà Hanyecz nhận về có giá khoảng 40 USD. Ở thời điểm Bitcoin đạt đỉnh, giá của chúng tương đương khoảng 684 triệu USD.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ sẽ thật tuyệt khi mình có thể nói với mọi người, rằng 'tôi vừa mua đồ bằng loại tiền mã nguồn mở trên mạng'. Tôi cho rằng chẳng có gì tốt hơn đồ ăn, vì đồ ăn là thứ cơ bản ai cũng cần", Hanyecz chia sẻ trong chương trình 60 Minutes vào năm 2019.
Tuy nhiên, lập trình viên này không dừng lại ở pizza. Anh cho biết mình còn mua thêm một số thứ khác, trong đó chủ yếu là đồ ăn. Tổng số Bitcoin mà Hanyecz đã bỏ ra là khoảng 100.000 đồng.
"Có bao giờ anh thức giữa đêm, và nghĩ rằng mình đã có thể sở hữu 800 triệu USD nếu không mua những chiếc pizza", người dẫn chương trình Anderson Cooper của 60 Minutes hỏi.
Đáp lại, Hanyecz cho rằng anh không quá hối tiếc về quyết định của mình.
"Tôi nghĩ rằng cách tư duy như vậy không tốt với tôi", Hanyecz cho biết.
Sau 11 năm, Bitcoin vẫn không đạt mục đích
Giao dịch đầu tiên do Hanyecz thực hiện cho thấy Bitcoin hoàn toàn có thể dùng để trao đổi hàng hóa. Tuy vậy, đồng tiền mã hóa này sau 11 năm vẫn không được nhiều tổ chức chấp nhận như một phương thức thanh toán. Bản thân Hanyecz cũng đồng ý rằng Bitcoin có giá trị tích lũy hơn.
Vào tháng 2, Tesla thông báo cho phép người dùng mua xe điện bằng Bitcoin. Trả lời Bloomberg, Hanyecz cho biết anh sẽ không mua xe bằng Bitcoin.
"Cá nhân tôi cũng không quá thích xe Tesla. Nếu để đó 5 năm, tôi nghĩ số Bitcoin bỏ ra sẽ có giá trị hơn chiếc xe", Hanyecz chia sẻ.
Giá của mỗi đồng Bitcoin có mức dao động quá lớn. Vào đầu năm 2020, mỗi đồng Bitcoin có giá khoảng 8.000 USD. Bitcoin đạt đỉnh vào giữa tháng 4 ở mức hơn 64.000 USD, trước khi tụt xuống hơn 30.000 USD trong tuần qua.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu Chainalysis, lượng tiền mã hóa để mua hàng hóa chỉ chiếm khoảng 0,3% trong năm 2020. Phần còn lại là các hoạt động giao dịch, mua đi bán lại. Mỗi khi Bitcoin tăng giá mạnh, lượng giao dịch mua hàng do các công ty trung gian như BitPay xử lý có thể giảm tới 27%.
Vào năm 2010, ý định giữ đồng Bitcoin không tồn tại khi giá trị của mỗi đồng là quá thấp. Tuy nhiên, mọi thứ đã khác vào năm 2021.
"Khi đó, giá trị nhỏ xíu của Bitcoin khiến nó rất khó nắm bắt, và tương lai cũng bất định. Do vậy, mọi người có thể thử nghiệm vui vẻ", Steve Ehrlich, CEO của Voyager Digital nói với Decrypt.
Theo Decrypt, ngoài mức giá biến động, lượng cung định sẵn và chi phí đào đắt đỏ khiến phí cho mỗi giao dịch bằng Bitcoin cũng rất cao. Do đó, nó giống một loại vàng số hơn là đồng tiền để thanh toán.
"Tôi đã thử mua pizza bằng Bitcoin, nhưng bị đáp lại với cái nhìn lạ lẫm", Jayne Cripps, làm việc tại công ty quản lý tài sản ảo GlobalBlock nói với Decrypt.
Cộng đồng duy nhất vẫn mua pizza bằng Bitcoin
Ngày pizza có ý nghĩa khác với Bitcoin Cash, đồng tiền tạo ra như một phiên bản mới của Bitcoin vào năm 2017, với định hướng cho thanh toán. Đồng tiền này, với mã BCH, vẫn được nhiều cửa hàng chấp nhận. Một số người ủng hộ BCH vẫn mua hàng bằng đồng tiền này như Laszlo Hanyecz vào năm 2010.
Hayden Otto, một nhà đầu tư BCH, cho biết ông ăn mừng ngày pizza năm nay với 30 người khác tại nhà hàng Mama Teresa's Pizzeria ở Australia. Nhà hàng này chấp nhận thanh toán bằng BCH.
Dù vậy, Bitcoin Cash cũng có mức biến động không kém gì Bitcoin. Vào ngày 19/5, khi toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm giá, đồng BCH giảm từ mức trên 1.000 USD xuống còn 547 USD. Một ngày sau, có lúc BCH tăng giá lên hơn 850 USD, trước khi hạ xuống mức dưới 500 USD trong đợt mất giá tối 23/5.
"Nếu bạn đói, mua pizza bằng tiền mặt vẫn dễ hơn", cây viết Ekin Genc của Decrypt kết luận.