Bài học từ buông lỏng quản lý thi công thủy điện ở Lai Châu

Lợi dụng công trình thủy điện thi công ở vùng sâu, vùng xa và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương, các đơn vị nhà thầu ở Lai Châu đã ngang nhiên vi phạm các quy định của Nhà nước trong thi công, đảm bảo an toàn lao động.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt mạng nhiều người, khiến nhiều người bị khởi tố là bài học, là hồi chuông cảnh báo đối với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong công tác quản lý khi trên địa bàn còn nhiều công trình thủy điện đã và đang xây dựng.

Các vụ mất an toàn lao động thủy điện ở Lai Châu đều liên quan đến thi công đường hầm

Các vụ mất an toàn lao động thủy điện ở Lai Châu đều liên quan đến thi công đường hầm

Thủy điện Nậm Cấu tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu) nằm cách đường ô tô hơn 6 giờ đi bộ, với cung đường trèo đèo, lội suối hiểm trở. Sau vụ tai nạn nổ mìn trong hầm làm 2 công nhân thương vong, công trình đã bị cơ quan chức năng buộc tạm dừng thi công.

Công trường nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh, ít bị cơ quan chức năng kiểm tra, nên chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị thi công đã cấp hàng tấn thuốc nổ cho công nhân nổ mìn mà không có chỉ huy nổ mìn. Đặc biệt, trong ngày 9/8 vừa qua, quản lý nhà thầu đã chỉ đạo cấp 144kg thuốc nổ, cùng 120 kíp visai cho nhóm công nhân không có hộ chiếu nổ mìn để thi công hầm, dẫn tới sự cố tai nạn mìn nổ làm 2 công nhân thương vong.

Cơ quan Cảnh sát điều tra công bố lệnh khám xét nơi làm việc của cán bộ quản lý đơn vị thi công thủy điện Nậm Cấu

Cơ quan Cảnh sát điều tra công bố lệnh khám xét nơi làm việc của cán bộ quản lý đơn vị thi công thủy điện Nậm Cấu

Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 7/2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu mới tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho gần 1.000 lượt lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, người lao động làm việc trong các nhà máy thủy điện chỉ có gần 350 lượt và không có lao động nào đang làm việc tại các công trường thủy điện đang thi công. Nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động tại các công trường thủy điện đang thi công, được đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lai Châu đưa ra là do các công trường thủy điện thường xuyên biến động lao động và quy định cấp chứng chỉ kéo dài.

Ông Phùng Thanh Hùng, Trưởng phòng quản lý lao động giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu nói: "Các đơn vị để xảy ra tai nạn lao động trong thời gian qua đa số là các doanh nghiệp đều đã thực hiện huấn luyện về vệ sinh an toàn lao động. Tuy nhiên, do lao động biến động liên tục, thứ hai là chứng chỉ hoàn thành khóa học an toàn lao động 2 năm sẽ phải huấn luyện lại một lần. Chính vì vậy một số lao động mới vào làm việc hoặc hết thời hạn chưa được huấn luyện. Về việc này thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp để rà soát, làm sao đảm bảo về huấn luyện an toàn cho người lao động".

Hầu hết các công trường thủy điện đều thi công ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn

Hầu hết các công trường thủy điện đều thi công ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn

Đến nay, UBND tỉnh Lai Châu đã cấp chủ trương đầu tư cho hơn 120 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, với tổng công suất gần 4.000 MW, tổng mức đầu tư 120.400 tỷ đồng. Hiện đã có 49 dự án đưa vào vận hành phát điện và hàng chục dự án đang trong quá trình đầu tư thi công. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tại địa phương đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động trong các công trường thủy điện, làm 5 công nhân thiệt mạng. Riêng trong hơn 1 tháng gần đây liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn, làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Từ điều tra ban đầu sau khi các vụ tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra địa phương đã chỉ ra một điểm chung là giám đốc các công ty nhận thầu thi công và chỉ huy trưởng công trình đều không được đào tạo đúng chuyên ngành; không nghiên cứu và nắm vững những kiến thức về an toàn lao động, tuyển dụng công nhân làm việc không có hợp đồng.

Điển hình như vụ tai nạn xảy ra tại thủy điện Nậm Cấu ngày 9/8 vừa qua, đơn vị thi công đã thuê công nhân người Trung Quốc đào hầm, nhưng không có hợp đồng lao động và sử dụng lao động không đúng với hợp đồng lao động. Sau tai nạn, chỉ huy công trường, công nhân và người lao động đều thừa nhận chưa được tập huấn về an toàn lao động; không có phương án, hoặc không thực hiện đúng các phương án đã được duyệt trong quá trình thi công công trình.

Hiện trường đường hầm thủy điện Nậm Cấu nơi có 2 công nhân bị thương vong do nổ mìn

Hiện trường đường hầm thủy điện Nậm Cấu nơi có 2 công nhân bị thương vong do nổ mìn

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Cả 3 vụ án đã khởi tố đều có điểm chung là vi phạm liên quan đến an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ trong quá trình đào hầm. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với các nhà thầu, chủ đầu tư trong quá trình thi công công trình thủy điện.

"Nhiều bị can là giám đốc các đơn vị thi công nói rằng chưa bao giờ nghe câu chuyện thi công công trình ngầm thì phải đo nồng độ khí thải; thậm chí có người còn nói với cơ quan công an là nếu như làm như thế này thì không có lợi nhuận. Chúng tôi thực sự rất suy tâm và có cảm giác "điếc không sự súng" trong vấn đề thực hiện các điều kiện về an toàn lao động. Công an tỉnh đang tập trung tham mưu với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định về an toàn lao động tại công trình thủy điện đang thi công", ông Đăng nói.

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án mất an toàn lao động trong thi công thủy điện tại cơ sở

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án mất an toàn lao động trong thi công thủy điện tại cơ sở

Liên quan 3 vụ việc này, đến nay đã có 10 bị can bị bắt tạm giam để điều tra; trong đó riêng vụ tai nạn xảy ra tại thủy điện Nậm Cấu đã có 5 cá nhân thuộc đơn vị thi công bị khởi tố. Ngoài ra, mở rộng điều tra liên quan đến các vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu cũng đã khởi tố bắt giam để điều tra đối với 2 cá nhân, trong đó có 1 trưởng phòng của Sở Công thương Lai Châu do đưa và nhận hối lộ trong quá trình tổ chức lớp tập huấn, thi và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp.

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết thêm: "Chúng tôi không thể kiểm tra 100% các công trình thủy điện đang thi công mà các chức năng này của một số sở, ban, ngành; nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết để qua 3 vụ án vừa rồi không tái diễn nữa. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung để xử lý các hành vi vi phạm và kiên quyết xử lý những công trình không đảm bảo an toàn theo quy định. Với quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an cũng như lãnh đạo tỉnh trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, trên lĩnh vực điều tra xử lý tội phạm thì chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm minh, công bằng theo quy định của pháp luật".

Vũ Văn Hinh, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Lai Châu bị bắt vì liên quan đến nhận hối lộ trong đào tạo tập huấn kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

Vũ Văn Hinh, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Lai Châu bị bắt vì liên quan đến nhận hối lộ trong đào tạo tập huấn kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp

Việc khai thác các tiềm năng để phát triển thủy điện đã, đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội ở Lai Châu. Tuy nhiên, để tiềm năng trên được khai thác và phát huy hiệu quả bền vững, thì chính quyền tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo nghiêm các quy định của pháp luật về chất lượng công trình, môi trường, an toàn lao động… trong quá trình thi công và vận hành, nhằm tránh các vụ việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bai-hoc-tu-buong-long-quan-ly-thi-cong-thuy-dien-o-lai-chau-post1116118.vov