Bài học từ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Sau hơn 1 tháng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhiễm vào tỉnh, trên 6.700 con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng trên 373 tấn. Từ công tác phòng, chống DTLCP đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm, đồng thời đặt ra những vấn đề lớn đối với phát triển chăn nuôi.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 1-7, đã có 218 thôn ở 63 xã, phường, thị trấn ghi nhận có dịch, chiếm 45% tổng số phường, xã, thị trấn của tỉnh. Tính phức tạp và mức độ lây lan nhanh của DTLCP đã đặt ra những yêu cầu mới cả về nhận thức cũng như cách thức tổ chức phòng, chống DTLCP, đó là cả hệ thống chính trị tiếp tục phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Ngay khi có thông tin DTLCP nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi lợn trên thế giới, trong đó có Việt Nam; UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do đồng chí Nguyễn Đình Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP. Nhiều văn bản, cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp cấp bách về công tác phòng, chống DTLCP cũng đã được thực hiện.

Lợn nhiễm DTLCP được tiêu hủy theo đúng yêu cầu “4 tại chỗ” để giảm thiểu lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, vai trò của chính quyền địa phương trong việc chủ động xử lý yếu tố gây bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan... vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm từ xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho thấy sự vào cuộc của chính quyền và người dân trong công tác phòng, chống dịch là bài học quý cho các địa phương học tập.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai chia sẻ, xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch xâm nhiễm. Đặc biệt khi phát hiện ổ dịch, xã đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ lợn nhiễm dịch, thực hiện phun thuốc khử trùng, rắc vôi khu vực chăn nuôi; lập chốt, tổ cơ động kiểm dịch theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn thịt, sản phẩm chế biến thịt lợn ra ngoài vùng dịch. Chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch nên sau hơn 30 ngày xã Hoàng Khai không phát sinh thêm ổ dịch.

Sau hơn 1 tháng “gồng mình” phòng, chống DTLCP bài học nữa cần phải rút ra là thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” như phương án phòng chống thiên tai. Thực tế, dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ các biện pháp phòng, chống DTLCP nhưng khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, song chính quyền, thú y cơ sở ở một số địa phương vẫn chờ đợi cơ quan chuyên môn xuống “cầm tay chỉ việc”, thậm chí là làm thay; công tác chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong phòng, chống, khoanh vùng dập dịch vẫn còn rất lúng túng. Đặc biệt là việc lấy mẫu bệnh phẩm, tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Vấn đề đặt ra cho ngành chăn nuôi

Chủ trương của tỉnh là quyết liệt phòng chống, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất DTLCP lan rộng nhưng cần thận trọng trong từng việc. Không tiêu hủy cả đàn, chỉ tiêu hủy lợn bệnh để giảm tổn thất về kinh tế. Nhất là khi chăn nuôi lợn đang đóng góp tỷ trọng lớn (80%) vào mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Nếu như chăn nuôi lợn lâm vào tình trạng khủng hoảng thì ngành nông nghiệp không chỉ mất đi yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng, mà ngân sách Nhà nước còn phải chi thêm cho địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh cho công tác phòng chống dịch, xử lý ô nhiễm môi trường...

“Cơn bão” DTLCP đặt ra vấn đề bức thiết trong phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh hiện nay. Đó là lâu nay, chúng ta quá tập trung phát triển ngành hàng chăn nuôi lợn nên khi DTLCP phát sinh làm thiệt hại lớn, gây khủng hoảng cho ngành chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Để bù đắp lại thiệt hại từ DTLCP, sở đang phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các dự án, đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi, tập trung phát triển gia súc lớn có giá trị kinh tế; tập trung chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế vùng như phát triển vùng chăn nuôi trâu, vịt bầu thả suối, gà thả vườn, cá lồng trên sông, hồ thủy điện...

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, muốn phát triển chăn nuôi lợn bền vững, an toàn phải xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học để giám sát, quản lý phát triển chăn nuôi tốt hơn. Để làm được điều đó phải loại bỏ tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo kiểu tận dụng, xen lẫn trong khu dân cư không thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh thú y. Đến năm 2020, khi Luật Thú y chính thức có hiệu lực, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công tác quản lý về chăn nuôi bài bản hơn. Theo đó, những hộ muốn đầu tư chăn nuôi phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh mới được cấp phép đầu tư mở rộng sản xuất.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/bai-hoc-tu-cong-tac-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-119543.html