Bài học từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất 110 năm trước

Cách đây 110 năm, ngày 28/7/1914, chiến tranh bùng nổ tại châu Âu giữa liên minh trung tâm Đức - Áo - Hungary và khối Hiệp ước Anh - Pháp - Nga, với sự tham gia các đế quốc lớn như Anh, Đức, Pháp, Nga, đế chế Áo - Hungary và Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Những hình ảnh về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (ảnh tư liệu).

Những hình ảnh về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, trên thực tế, gần 70 nước đã bị lôi kéo vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có Italy năm 1915 và Mỹ năm 1917. Tính tổng cộng có tới trên 800 triệu người, tức hơn một nửa dân số thời kỳ đó ở các nước được coi là tham chiến. Đây được gọi là đại chiến hay Chiến tranh thế giới thứ nhất vì ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới và là cuộc chiến lớn nhất từng được biết.

Hàng nghìn cuốn sách viết về cuộc chiến 1914-1918 đã tìm cách "phân định trách nhiệm" cho sự bùng nổ chiến tranh. Mâu thuẫn lợi ích giữa các đế quốc lớn ở châu Âu và tham vọng tranh giành địa - chính trị được cho là nguyên nhân chính. Nhà sử học nổi tiếng người Đức, Fritz Fischer, đã gây chấn động vào thập niên 60 của thế kỷ trước khi ông xuất bản cuốn sách "Griff nach der Weltmacht" (Giành quyền lực thế giới), tuyên bố rằng Đức chịu trách nhiệm chính trong việc khơi mào chiến tranh vì nước này có tham vọng bí mật là sáp nhập hầu hết châu Âu. Trong thời gian gần đây, nhiều nhà sử học cũng đồng thuận rằng Đức phải chịu phần lớn trách nhiệm vì nước này có sức mạnh gây áp lực đối với đồng minh Áo-Hung và ngăn chặn chiến tranh xảy ra. Họ lập luận rằng Đức, giống như các cường quốc khác, đã bước vào cuộc chiến trong trạng thái “mộng du”, còn Anh đáng lý không nên tham chiến vì lợi ích quá thấp nhưng tổn thất cuối cùng lại quá cao.

Thiệt hại về người của Chiến tranh thế giới thứ nhất thật khủng khiếp. Hơn 18,5 triệu người, cả binh lính và dân thường, đã thiệt mạng trong chiến tranh. Cả một thế hệ thanh niên bị xóa sổ. Năm 1919, một năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Pháp, cứ 15 phụ nữ mới có 1 người đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 30. Tháng 11/1918, chiến tranh kết thúc bằng một hiệp định đình chiến và đến tháng 6/1919, các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất gồm Anh, Pháp và Mỹ đã buộc nước Đức bại trận đặt bút ký vào bản hiệp ước hòa bình mang tên Hiệp ước Versailles. Tuy nhiên, nhiều điều khoản phân chia lại thế giới và thiết lập một trật tự mới sau chiến tranh trong Hòa ước Versailles lại có nguy cơ dẫn tới mâu thuẫn, xung đột. Không ít nhà sử học đánh giá chính những xung đột này đã gián tiếp dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cũng đã có những thay đổi cơ bản diễn ra. Cuộc đại chiến này đã khởi đầu một thời kỳ lịch sử mới cho châu Âu và thế giới. Đó là thời kỳ tan rã của các đế chế, như Đế chế Ottoman, đế chế Áo - Hung và thể chế nhà nước của nhiều dân tộc… Nước Anh dần bị mất vị thế cường quốc thế giới và Mỹ dần giành về vị thế này. Đức trở thành trường hợp đặc biệt ở châu Âu. Nước Pháp bị giằng xé trong tâm trạng không biết mình đã thắng hay thua trong cuộc chiến tranh này. Vùng Baltic, Bắc Âu hay bán đảo Balkans cũng đều bắt đầu thời kỳ của nhà nước quốc gia độc lập. Câu hỏi về nên trung lập hay không trung lập cũng được đặt ra cho một số quốc gia châu Âu từ thời kỳ này.

Chiến tranh đã dẫn đến sự phân chia lại khu vực lãnh thổ và thuộc địa giữa các quốc gia châu Âu theo sự vận hành của các bên thắng trận, nên cho tới tận ngày nay trên châu lục này vẫn tồn tại dai dẳng nhiều vấn đề nan giải liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung khắc tôn giáo và sắc tộc, cọ sát về văn hóa, đối địch về ý thức hệ và cả thù hằn dân tộc.

Theo nghiên cứu của quỹ chính trị Đức Heinrich Böll Stiftung, Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng làm thay đổi bản chất của chiến tranh. Công nghệ đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong nghệ thuật chiến tranh với máy bay, tàu ngầm, xe tăng... Các kỹ thuật sản xuất hàng loạt được phát triển trong chiến tranh để chế tạo vũ khí đã cách mạng hóa các ngành công nghiệp khác trong những năm sau chiến tranh.

Đại chiến cũng dẫn đến việc thành lập các đội quân lớn dựa trên chế độ nghĩa vụ quân sự. Phẫu thuật hiện đại ra đời trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nơi các bệnh viện dân sự và quân sự tiến hành các ca can thiệp y tế thử nghiệm. Các bác sĩ bắt đầu nghiên cứu về các sang chấn tinh thần trong chiến tranh. Nhưng bất chấp những hiểu biết này và vô số người mắc bệnh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, mãi đến sau cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam (thường được phương Tây gọi là Chiến tranh Việt Nam), tình trạng này mới được chính thức công nhận là rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Tình trạng này cũng được phát hiện ở những người lính phục vụ ở Iraq và Afghanistan.

Cuộc chiến cũng có những tác động lớn đến cấu trúc giai cấp ở châu Âu. Các tầng lớp thượng lưu phải chịu tổn thất lớn hơn trong chiến tranh so với bất kỳ tầng lớp nào khác, nên việc khôi phục lại nguyên trạng trước chiến tranh là không thể. Việc mở rộng quyền bầu cử đã mang lại cho tầng lớp lao động vị thế đại diện chính trị và xã hội lớn hơn. Nhiều phụ nữ do chiến tranh đã buộc phải từ bỏ công việc nội trợ để bước vào các nhà máy và thấy mình không muốn từ bỏ sự độc lập mới. Do đó, chiến tranh đã thúc đẩy các yêu cầu giải phóng phụ nữ.

Chiến tranh cũng thúc đẩy một phong trào hòa bình có mục tiêu chính là giải trừ quân bị. Phong trào này đã phát triển mạnh mẽ trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh, được tái sinh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và được nhiều người ủng hộ ở châu Âu, ví dụ như chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân.

Đại chiến cũng chứng kiến sự ra đời của nền kinh tế kế hoạch và vai trò lớn hơn nhiều của nhà nước. Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, Chính phủ Đức đã kiểm soát các ngân hàng, hoạt động ngoại thương, sản xuất và bán thực phẩm cũng như vũ khí. Chính phủ cũng đặt ra mức giá trần cho nhiều loại hàng hóa.

Một tòa chung cư bị phá hủy trong xung đột, tại Saltivka thuộc vùng Kharkiv, Ukraine ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tòa chung cư bị phá hủy trong xung đột, tại Saltivka thuộc vùng Kharkiv, Ukraine ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hơn 100 năm, giới chuyên gia đang chỉ ra nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba sau hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang nổ ra tại châu Âu, Trung Đông.... Từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát tháng 2/2022, sự hỗ trợ ngày càng lớn của phương Tây dành cho Ukraine và sự phân cực ở châu Âu đã khiến nhiều người lo ngại chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra một lần nữa. Nhiều quan chức, như Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini hay Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, đã cảnh báo Chiến tranh thế chiến thứ ba là không thể tránh khỏi nếu các nước phương Tây triển khai quân đến Ukraine hoặc cung cấp vũ khí cho Kiev để tấn công vào lãnh thổ Nga. Tại Trung Đông, cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas bùng phát tháng 10/2023 có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực và thế giới, với sự can dự của các nhóm vũ trang như Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen, hay các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa lực lượng Mỹ, Anh, Pháp với Houthi...

Theo quan điểm của nhà sử học đương đại người Áo Helmut Konrad, lịch sử không bao giờ lặp lại vì mặc dù có những điểm tương đồng, những hoàn cảnh ban đầu giống nhau, nhưng lại có những chủ thể khác nhau và những mối quan tâm khác nhau. Sau 110 năm, tình hình đã khác. Các nước đều biết năng lực quân sự của nhau. Ai cũng hiểu chiến tranh hạt nhân không có người chiến thắng.

Nhà sử học Konrad cho rằng: "Lịch sử đã giúp chúng ta hiểu rõ một cuộc đại chiến hiện đại ở châu Âu, một cuộc chiến tranh thế giới là như thế nào. Về khía cạnh này thì lịch sử có cái tốt là ít nhất chúng ta cũng rút ra được một số bài học quý báu”. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các cuộc tranh giành địa chính trị và mâu thuẫn lợi ích vẫn là nguyên nhân của căng thẳng và xung đột, chủ nghĩa bá quyền vẫn tồn tại... thì bài học của cuộc chiến 110 năm trước vẫn còn nguyên giá trị.

Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bai-hoc-tu-cuoc-chien-tranh-the-gioi-thu-nhat-110-nam-truoc-20240728073345265.htm