Bài học từ cuộc chiến UAV trong xung đột Nga – Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine chứng kiến sự thống trị của máy bay không người lái (UAV), khiến các nước phải thay đổi chiến lược để sẵn sàng đối phó trước cuộc chiến UAV tiềm tàng.

So với mọi cuộc chiến trong lịch sử, xung đột Ukraine là nơi UAV được sử dụng nhiều nhất. Chúng đảm nhận mọi nhiệm vụ từ thu thập thông tin tình báo, giám sát, ném bom, rải mìn, cho tới tấn công binh sĩ, phương tiện quân sự, chiến hào, căn cứ, và nhà máy lọc dầu.

Với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau từ cấp dân sự cho tới quân sự, phạm vi hoạt động của UAV là vô cùng linh hoạt. Do đó, chúng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai.

UAV Orlan-10 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

UAV Orlan-10 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Chia sẻ với Business Insider, một binh lính Ukraine phụ trách UAV và các hệ thống không người lái, cho hay "những gì chúng tôi đang làm ở Ukraine sẽ định hình chiến sự trong thập kỷ tới".

Và các nước phương Tây đã chú ý tới vấn đề này. Ông Pål Jonson, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển, cho biết trong quá trình xung đột, Ukraine đã phát triển các loại UAV và hệ thống tự động được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nhận định, đây là sự đổi mới to lớn trong lĩnh vực UAV.

“Quy mô, khối lượng, và tốc độ phát triển công nghệ diễn ra ở Ukraine khiến chúng tôi nhận ra rằng đây là lĩnh vực mà chúng tôi cần đầu tư đáng kể", ông Jonson nói.

Hồi tháng 1, Thụy Điển cho biết đã phát triển công nghệ bầy đàn UAV cho phép nhiều UAV có kích thước khác nhau cùng hoạt động. Ông Jonson cho hay, quá trình phát triển UAV bầy đàn mất chưa tới một năm, trong khi bình thường phải mất 5 năm.

Ông nói thêm, giống như các quốc gia NATO khác, Thụy Điển cũng đang đầu tư vào công nghệ chống UAV và UAV có vũ trang. Ông nhấn mạnh, "đây là điều mà chúng tôi đang tập trung cao độ".

Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 3/2024, và nằm trong số các thành viên vượt qua mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP mà NATO đặt ra. Thụy Điển cũng từng nhiều lần cảnh báo liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu cần chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Nga.

Không chỉ Thụy Điển đang đặt cược lớn vào UAV, mà nhiều nước thành viên NATO cũng đã làm điều tương tự. Trong năm 2024, Anh và Latvia đã thành lập "liên minh UAV" để mua UAV cho Ukraine. Liên minh này có 17 thành viên bao gồm Pháp, Đức, Italia, và Canada với kinh phí hỗ trợ là khoảng 1,8 tỷ USD vào năm ngoái.

Sẵn sàng cho cuộc chiến UAV

Những bài học kinh nghiệm từ xung đột Nga – Ukraine cũng đang được nhiều nước áp dụng để tăng cường quốc phòng. Điển hình, Latvia đang xây dựng một "đội quân UAV” cho riêng mình. Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Sprūds nhấn mạnh, năng lực UAV đang được tăng cường "ở mọi cấp độ trong các lực lượng vũ trang Latvia".

Ông cho biết, việc tham gia “liên minh UAV” đã "đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp UAV Latvia". Theo ông, tại Ukraine, UAV đã "chứng tỏ được vai trò quan trọng trong xung đột hiện đại".

Binh lính Ukraine mang theo UAV. Ảnh: NPR

Binh lính Ukraine mang theo UAV. Ảnh: NPR

Trước đó, hồi tháng 1, Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhận định UAV đang thay đổi cách thức tiến hành giao tranh, và khẳng định sự thay đổi này là quan sát quan trọng đến từ cuộc chiến ở Ukraine.

Ông nói thêm, NATO đang sử dụng công nghệ UAV trong các hoạt động ở Biển Baltic để phòng thủ trước những cuộc tấn công từ phía Nga bên cạnh "công nghệ truyền thống hơn" như tàu và máy bay.

Còn vào tháng 12/2024, ông Rutte từng cảnh báo các nước NATO phải sẵn sàng cho một cuộc chiến UAV, bởi "Ukraine đang chiến đấu chống lại bầy đàn UAV của Nga. Đó là điều chúng ta cần phải chuẩn bị".

Trên thực tế, UAV cũng như công nghệ và chiến thuật chống UAV đang phát triển nhanh chóng ở Ukraine. Do đó, việc chế tạo ồ ạt nhiều UAV nhưng không có khả năng cải tiến có thể khiến một số hệ thống trở nên lỗi thời.

Theo các chuyên gia, chìa khóa là phải sẵn sàng, phải có một ngành công nghiệp đang theo dõi, học hỏi, và phát triển, cũng như sẵn sàng sản xuất quy mô lớn, đồng thời có một quân đội được đào tạo và sẵn sàng kết hợp cũng như sử dụng UAV khi cần.

Chi tiêu quốc phòng của châu Âu đã tăng vọt, và nhiều nước trong khu vực cho biết họ sẽ chi nhiều hơn nữa nếu điều đó là cần thiết. Thời điểm này là then chốt đối với châu Âu, bởi mối đe dọa đối với họ không chỉ tới từ Nga, mà còn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang có ý định rút lại các cam kết quốc phòng ở châu Âu.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bai-hoc-tu-cuoc-chien-uav-trong-xung-dot-nga-ukraine-2374484.html