Tại sao EU lại hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này?
Giữa những lo ngại về an ninh châu Âu và sự bất định trong quan hệ với Mỹ, EU đang tìm kiếm một đối tác then chốt để củng cố vị thế. Liệu đây có phải thời điểm vàng để Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với EU, hay vẫn còn những rào cản khó vượt qua?

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang có nhiều biến động, Liên minh châu Âu (EU) đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này được thể hiện qua các động thái ngoại giao gần đây, như chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Ankara vào cuối năm ngoái, hay cuộc gặp giữa Ủy viên EU về Mở rộng Marta Kos với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan bên lề Hội nghị An ninh Munich 2025.
Theo nhận định của Tiến sĩ Sinem Cengiz, nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/2, EU đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng, khiến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong an ninh châu Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố then chốt.
Thứ nhất, vị trí địa chiến lược đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Như nhận định của Thống chế William Slim từ năm 1979: "Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia châu Âu duy nhất ở Trung Đông và là quốc gia Trung Đông duy nhất ở châu Âu". Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ vai trò chủ chốt tại các khu vực Trung Đông, Đông Địa Trung Hải và Biển Đen - những nơi thường xuyên xảy ra xung đột lợi ích giữa châu Âu và Nga.
Thứ hai, tình hình an ninh châu Âu đang có nhiều thách thức. Điều này buộc EU phải tìm kiếm đối tác để tăng cường năng lực phòng thủ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam.
Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO có lực lượng quân sự lớn thứ hai trong liên minh. Mặc dù không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Ankara vẫn liên tục ủng hộ an ninh của Ukraine. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác tiềm năng trong chiến lược quốc phòng mới của EU.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều thách thức. Quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài từ năm 2005 nhưng vẫn chưa có kết quả. Điều này khiến cả giới tinh hoa và công chúng Thổ Nhĩ Kỳ mất dần nhiệt huyết với việc gia nhập EU. Để đáp lại, Ankara đã tận dụng vị thế của mình, sử dụng kiểm soát di cư và quan hệ với Nga làm công cụ mặc cả.
Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhận định: "EU có thể trở thành một thế lực có ảnh hưởng hơn trong khu vực với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, và đây là cơ hội quan trọng đối với an ninh của châu Âu". Các nhà phân tích cũng cho rằng khả năng Ankara gia nhập EU có nhiều triển vọng hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai thập kỷ qua.
Mặc dù vậy, để mối quan hệ này phát triển, cả hai bên cần có sự thống nhất về lợi ích chiến lược và giải quyết được các vấn đề gai góc hiện tại. Đồng thời, các quốc gia thành viên EU cũng cần có lập trường thống nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi mong đợi Ankara đáp ứng đề nghị hợp tác sâu rộng hơn của họ.