Bài học từ hàng giả và 'thổi phồng' chất lượng sản phẩm

Từ việc phát hiện một loạt sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm được làm giả, quảng cáo 'thổi phồng' chất lượng, 'gắn mác' cơ quan chức năng trên bao bì…, rồi lưu hành tràn lan, gây hại người tiêu dùng, để thấy bài học trách nhiệm cơ quan quản lý và kẽ hở trong chuyện này rất lớn. Chưa kể trách nhiệm người nổi tiếng khi quảng cáo sai sự thật cũng cần thực thi nghiêm túc.

Những động thái kiểm tra, thu hồi giấy đăng ký công bố sản phẩm, xác minh thông tin mới nhất của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đối với nhiều loại thực phẩm chức năng vẫn không thể làm cho dư luận nguôi ngoai khi mà “mọi chuyện đã rồi”.

Khi “mọi chuyện đã rồi”

Cụ thể như hôm 21/5, cơ quan chuyên môn của Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM đã đến kiểm tra địa chỉ công ty liên quan đến các sản phẩm giảm cân do DJ Ngân 98 quảng cáo, gây xôn xao thời gian qua. Thế nhưng khi đến địa chỉ được ghi tại quận Gò Vấp thì không thấy công ty nào.

Cần tránh những kẽ hở trong kiểm tra chất lượng cácsản phẩm sữa, thực phẩm chức năng để không gây hại cho người tiêu dùng.

Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo thu hồi giấy đăng ký công bố sản phẩm đối với nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng của một số công ty như: CTCP Công nghệ sinh phẩm Nam Việt, Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Hoàng Huy Organic; Công ty TNHH Thương mại Staywell...

Ngoài những động thái kể trên, nhiều ý kiến cho rằng sự can thiệp của cơ quan chức năng cần mạnh tay, chủ động thay vì bị động, giải quyết tới cùng hơn nữa khi mà tình trạng nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng với chất lượng kém, được làm giả đã tung ra thị trường tràn lan gây hại cho người tiêu dùng.

Và không chỉ với sản phẩm sữa hay thực phẩm chức năng, rất cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra chất lượng các loại sản phẩm khác với rất nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo “thổi phồng” công dụng.

Chẳng hạn các nền tảng xã hội, sàn thương mại điện (TMĐT) thời gian gần đây đăng bán rầm rộ một số các loại thực phẩm bổ sung có tác dụng giảm cân do nữ DJ Ngân 98 quảng cáo trường hợp sản phẩm giảm cân.

Trong nhiều bài viết quảng cáo trên mạng xã hội về sản phẩm này cho rằng “thách thức mọi cơ địa, giảm cân chỉ sau liệu trình 15 ngày mà không cần ăn kiêng, tập thể dục, ăn xong lăn ra nằm vẫn cứ giảm”. Trong một video quảng cáo, Ngân 98 cho biết đây là sản phẩm mà cô đã sử dụng liền 6 tháng và đảm bảo không có tác dụng phụ.

Như lưu ý của Ts. Bùi Quốc Liêm, chuyên gia Truyền thông chuyên nghiệp, sự xuất hiện của người nổi tiếng và KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) trong quảng cáo tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận và thu hút sự chú ý từ thị trường. Tuy nhiên, sự tin tưởng này cũng đặt ra một nguy cơ lớn, đó là người tiêu dùng có thể dễ dàng bị dẫn dắt bởi những thông tin quảng cáo không chính xác hoặc sai lệch.

Theo Ts. Liêm, trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo là phải đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp là chính xác, không gây hiểu lầm và đã được kiểm chứng.

Vị chuyên gia này cũng nhắc lại mới đây, việc hai biên tập viên, MC Việt Nam quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của một sản phẩm sữa, bị phạt tổng cộng 107,5 triệu đồng, đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Hay nổi bật nhất gần đây là vụ kẹo rau củ Kera từ một nghi vấn quảng cáo sai sự thật đã trở thành vụ án hình sự với nhiều người nổi tiếng bị khởi tố, bắt tạm giam (mới nhất là khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Thùy Tiên). Những vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho thấy rằng pháp luật không phải là một khái niệm trừu tượng mà sẽ được thực thi một cách nghiêm túc.

Hơn nữa, như chia sẻ của Ts. Bùi Quốc Liêm, hành vi vi phạm của một người nổi tiếng có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành nghề liên quan.

Ví dụ, nếu một người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, điều này có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào tất cả các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, kể cả những sản phẩm chất lượng và uy tín.

Cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý

Ts. Bùi Quốc Liêm đặt vấn đề: Không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng xứng đáng được quảng cáo, và người nổi tiếng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận lời quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó. Các tiêu chí cân nhắc có thể bao gồm: sản phẩm có an toàn cho người sử dụng không? Đã được kiểm định chất lượng đầy đủ chưa? Nguồn gốc xuất xứ có minh bạch và rõ ràng không?

Ngoài sự tham gia của người nổi tiếng khi “thổi phồng” chất lượng sản phẩm, cũng nên nhìn nhận việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý.

Thậm chí có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành do quy định phân công quản lý tại các luật chuyên ngành khác nhau (ví dụ: quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, quản lý hiệu suất năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...).

Và chính điều này dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm. Và khi mà cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì “mọi chuyện đã rồi” khi một khối lượng lớn sản phẩm đã được tung ra thị trường.

Ngoài ra, việc quản lý chất lượng hàng hóa và “thổi phồng” giá trị sản phẩm trong hoạt động kinh doanh TMĐT cũng là cả vấn đề mà ở đó trách nhiệm pháp lý rất cần được xác định rõ hơn nữa.

Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện nay việc quản lý hoạt động TMĐT được thực hiện theo quy định tại pháp luật về TMĐT (Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn). Tuy nhiên, tại Luật và các văn bản hướng dẫn Luật này chưa quy định về nội dung quản lý chất lượng hàng hóa hoạt động kinh doanh TMĐT.

Do đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, thống nhất, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường thì cần nghiên cứu, bổ sung quy định này trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Suy cho cùng, khi vấn đề sản phẩm giả, kém chất lượng và việc “thổi phồng” công dụng ngày càng trở nên báo động thì bài học trách nhiệm cơ quan quản lý và kẽ hở trong chuyện này là rất lớn. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như sữa, thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm, nơi mà thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, trách nhiệm này càng được nhấn mạnh.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/bai-hoc-tu-hang-gia-va-thoi-phong-chat-luong-san-pham-1106964.html