Bài học từ những thành tích của nền kinh tế của Mỹ
Hiện nay, Trung Quốc chiếm 18% nền kinh tế thế giới tính theo sức mua và Mỹ chỉ chiếm 16%, trong khi năm 1990 tỷ lệ này là 4% và 22%.
Gần 80% số người được khảo sát cho rằng con cái của họ sẽ nghèo hơn họ. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1990, khi chỉ có khoảng 40% bi quan về triển vọng kinh tế. Lần cuối cùng nhiều người cho rằng nền kinh tế đang ở trong tình trạng tệ như vậy là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tờ The Economist nhận định, sự thống trị của Mỹ vẫn nổi bật và so với các quốc gia giàu có khác, vai trò dẫn đầu của Mỹ đang tăng.
Tính theo quy đổi tiền tệ dựa trên sức mua, kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ kể từ năm 2016. Hiện nay, Trung Quốc chiếm 18% nền kinh tế thế giới tính theo sức mua và Mỹ chỉ chiếm 16%, trong khi năm 1990 tỷ lệ này là 4% và 22%. Mặc dù sức mua tương đương (PPP) là thước đo phù hợp để so sánh phúc lợi của người dân ở các nền kinh tế khác nhau, nhưng xét về thành tựu của các nền kinh tế trên trường quốc tế, tỷ giá hối đoái do thị trường thiết lập mới là yếu tố quan trọng. Và nhìn theo cách này, ưu thế vượt trội của Mỹ là rõ ràng. GDP trị giá 25.500 tỷ USD của Mỹ vào năm ngoái chiếm 25% tổng GDP thế giới, gần bằng mức Mỹ đạt được vào năm 1990. Theo thước đo này, tỷ trọng của Trung Quốc hiện là 18%.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là mức độ mà Mỹ mở rộng sự thống trị so với các nước phát triển khác. Năm 1990, Mỹ chiếm 40% GDP danh nghĩa của nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong khi tỷ lệ này hiện nay là 58%. Đối với PPP, mức tăng thấp hơn, nhưng vẫn đáng kể: Từ 43% GDP của G7 năm 1990 lên 51% hiện nay, một tỷ lệ tăng quá cao đối với một nền kinh tế đang suy giảm.
Thành tích kinh tế của Mỹ mang lại cho người dân sự giàu có. Thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ tính theo PPP vào năm 1990 cao hơn 24% so với Tây Âu, và hiện nay cao hơn khoảng 30%. Nếu so với Nhật Bản, chỉ số trên cũng cao hơn lần lượt là 17% và 54%.
Tính theo PPP, chỉ các quốc gia gia nhỏ giàu dầu mỏ như Qatar và các trung tâm tài chính như Luxembourg mới có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Mỹ, nằm trong top đầu mức thu nhập của thế giới. Trong khi đó, hầu hết những người Mỹ khác cũng làm khá tốt. Mức tiền lương trung vị đã tăng gần bằng tiền lương trung bình. Một tài xế xe tải ở Oklahoma có thể kiếm được nhiều tiền hơn một bác sĩ ở Bồ Đào Nha. Khoảng cách tiêu dùng thậm chí còn rõ hơn. Mức chi tiêu của người Anh, nằm trong nhóm cư dân giàu có nhất châu Âu, bằng 80% so với người Mỹ vào năm 1990 và chỉ bằng 69% vào năm 2021.
Tiền rõ ràng không phải là tất cả. Lập luận thông thường (và không chỉ ở châu Âu) là người châu Âu đánh đổi lương cao hơn để sống thoải mái hơn. Thay vì những con đường tắc nghẽn và tủ quần áo chật cứng, họ có những kỳ nghỉ dài hơn và thời gian nghỉ thai sản nhiều hơn. Hơn nữa, họ ít phải sử dụng thu nhập hơn để chi cho chăm sóc sức khỏe.
Ở cấp độ cá nhân, sự đánh đổi như vậy có thể hoàn toàn hợp lý: Cuộc sống còn nhiều thứ khác ngoài thu nhập và mua sắm. Nhưng điều này hầu như không mới. Liệu sự khác biệt văn hóa lâu đời của châu Âu có thực sự lý giải cho khoảng cách ngày càng tăng hiện nay không? Hơn nữa, Mỹ đang sử dụng ngân quỹ quốc gia nhiều hơn để hỗ trợ người dân. Chi tiêu xã hội của Mỹ năm 1990 chỉ bằng 14% GDP, nhưng đã tăng lên 18% GDP vào cuối năm 2019 một phần nhờ tăng bảo hiểm y tế cho người nghèo và người già. Điều này không biến Mỹ thành Thụy Điển, quốc gia dành 25% GDP cho các chương trình xã hội trong nhiều thập kỷ, song Mỹ đang thu hẹp khoảng cách với châu Âu.
* Những “đứa con” giàu có
Người Mỹ ngày càng giàu hơn vì họ làm việc hiệu quả hơn và nhanh hơn so với người lao động ở các nước giàu khác. Lợi thế đó đi kèm với chi phí thực tế. Nền kinh tế Mỹ cho phép sự biến động cực độ trong sinh kế cá nhân.
Việc Mỹ có những vấn đề riêng hầu như không làm cho nước này khác biệt. Tất cả các nền kinh tế khác cũng vậy. Điều đáng chú ý về Mỹ là nước này không hề làm chậm tốc độ tăng trưởng một cách đáng kể. Các nhà đầu tư nhận rõ điều này. 100 USD đầu tư vào S&P 500 (chỉ số chứng khoán của các công ty lớn nhất Mỹ) vào năm 1990 có giá trị khoảng 2.300 USD hiện nay. Ngược lại, nếu ai đó đã đầu tư cùng một số tiền tại cùng một thời điểm vào một chỉ số chứng khoán của những nước giàu nhất thế giới (ngoại trừ cổ phiếu Mỹ) thì giờ đây sẽ chỉ có khoảng 510 USD.
Tất nhiên, thành tích trong quá khứ không phải là yếu tố dự đoán lợi nhuận trong tương lai. Kể từ khi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào những năm 1890, vị trí dẫn đầu của nước này đã tăng lên rồi suy giảm. Tuy nhiên, sau 3 thập kỷ, thành tích vượt trội hiện nay của Mỹ đã diễn ra đủ lâu để đáng được xem xét kỹ hơn.
Có hai vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới nền kinh tế trong dài hạn: quy mô lực lượng lao động và năng suất của lực lượng này. Tỷ lệ sinh cao hơn và hệ thống nhập cư cởi mở hơn từ lâu đã mang lại cho Mỹ lợi thế về nhân khẩu học so với hầu hết các quốc gia giàu có khác, và điều này vẫn đang tiếp tục. Dân số trong độ tuổi lao động (25 đến 64 tuổi) của Mỹ, tăng 38% từ 127 triệu vào năm 1990 lên 175 triệu vào năm 2022. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi lao động ở Tây Âu chỉ tăng 9% từ 94 triệu lên 102 triệu trong giai đoạn này.
Điều này có nghĩa là tỷ lệ những người châu Âu làm việc cao hơn, trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ đã giảm trong thế kỷ này, phần lớn do nam giới rời bỏ lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp hơn, lượng lao động của Mỹ tăng 30% trong 3 thập kỷ qua. Mức tăng này ở châu Âu là 13%, và ở Nhật Bản chỉ là 7%.
Lực lượng lao động ngày càng tăng này cũng đang làm việc năng suất hơn. Theo tổ chức nghiên cứu Conference Board, từ năm 1990 đến 2022, năng suất lao động của Mỹ (lượng công việc công nhân làm được trong một giờ) đã tăng 67%, so với 55% ở châu Âu và 51% ở Nhật Bản. Thêm vào đó, người Mỹ làm việc rất nhiều. Một công nhân Mỹ làm việc trung bình 1.800 giờ/năm (một tuần làm việc 36 giờ với 4 tuần nghỉ lễ), nhiều hơn khoảng 200 giờ so với châu Âu, mặc dù ít hơn 500 giờ so với Trung Quốc.
Tăng trưởng năng suất của Mỹ một phần do đầu tư nhiều hơn. Nhưng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) - không bao gồm những tác động đó - cũng đã tăng. Theo cơ sở dữ liệu so sánh giữa các quốc gia Penn World Tables, TFP của Mỹ tăng khoảng 20% từ năm 1990 đến năm 2019. Cả nhóm G7 tính trung bình chưa đạt nửa mức tăng này.
Vậy giải thích thế nào về năng suất cao hơn này? Sẽ rất hữu ích nếu xác định được Mỹ khi đang đứng ở đâu khi đạt mức năng suất cao nhất. Năm 2019, Trưởng khoa nghiên cứu tăng trưởng ở Mỹ tại Đại học Northwestern, Robert Gordon, và học giả Hassan Sayed tại Đại học Princeton, đã chia nền kinh tế thành 27 ngành khác nhau để xác định các “ngôi sao”. Họ phát hiện các ngôi sao trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đang phát triển, và tỏa sáng nhất từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000. Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của mảng sản xuất và kết nối máy tính chỉ là một phần của câu chuyện.
Phần còn lại của nền kinh tế đã sử dụng công nghệ mới một cách hiệu quả. Tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp Mỹ tăng gấp đôi lên hơn 3% mỗi năm trong thập kỷ kỳ diệu đó, trong khi các đối tác châu Âu đạt mức dưới 2%. Kể từ đó, tăng trưởng năng suất của Mỹ giảm trở lại mức trung bình dài hạn khoảng 1,5%, song vẫn cao hơn hầu hết các nước giàu khác và vẫn được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghệ.
Thành công của Mỹ như quốc gia đổi mới công nghệ có nguồn gốc sâu xa: Thung lũng Silicon nơi sản sinh ra những sản phẩm đã được sử dụng hiệu quả nhờ kỹ năng, quy mô và lòng can đảm.
* Bánh xe tiếp tục quay
Trước tiên, tính trung bình, người lao động Mỹ có tay nghề cao. Điều này có vẻ mâu thuẫn khi xét về thất bại của các trường học, đặc biệt tại Mỹ. Tuy nhiên, chi phí giáo dục của Mỹ cao hơn khoảng 37% so với mức trung bình của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và chi phí cho học sinh trung học cao gấp đôi mức trung bình.
Có những lý do chính đáng để đặt câu hỏi về hiệu quả của các khoản chi này: kết quả kiểm tra môn khoa học và toán của học sinh 15 tuổi có thể tốt hơn. Nhưng học sinh giỏi - thường là học sinh có đặc quyền - phát triển tốt. Là một phần của dân số trong độ tuổi lao động, khoảng 34% người Mỹ đã hoàn thành giáo dục đại học, theo số liệu thu thập bởi ông Robert Barro và Jong-Wha Lee tại Đại học Harvard và Đại học Hàn Quốc. Chỉ có Singapore có tỷ lệ cao hơn. Theo chỉ số vốn nhân lực của Penn World Table, dựa vào số năm đi học, Hàn Quốc hiện dẫn đầu, nhưng tính trung bình, Mỹ đứng đầu các nền kinh tế lớn kể từ năm 1990.
Mỹ là quê hương của 11 trong số 15 trường đại học được xếp hạng hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Times Higher Education mới nhất. Cùng với việc đào tạo nhiều người Mỹ sáng giá nhất, Mỹ từ lâu đã đóng vai trò là cầu nối đưa những người trẻ tuổi thông minh nhất thế giới đến đất nước này. Trong số đó có những người tiếp tục gia nhập đội ngũ 200.000 sinh viên nước ngoài tham gia lực lượng lao động thông qua chương trình “đào tạo thực hành tùy chọn” hàng năm, một con số đứng ở mức cao ngay cả dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Nền kinh tế Mỹ tận dụng tốt lực lượng lao động có trình độ học vấn cao. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong khu vực công và tư nhân- một đầu tư hữu ích cho tăng trưởng tương lai - trong thập kỷ qua đã tăng lên mức 3,5% GDP, vượt xa hầu hết các quốc gia khác. Bằng chứng về sức mạnh đổi mới của Mỹ là số lượng bằng sáng chế có hiệu lực ở nước ngoài, một chỉ số về sự công nhận quốc tế. Tỷ lệ các bằng sáng chế của Mỹ trên toàn cầu tăng từ 19% năm 2004 (năm đầu tiên có dữ liệu) lên 22% năm 2021, cao hơn bất kỳ quốc gia nào.
Vấn đề thứ hai gắn liền với quy mô của Mỹ. Một thị trường chung rộng lớn luôn mang lại lợi thế cho một quốc gia; phần thưởng của quy mô lớn được thấy trong công nghệ đã khuếch đại tác động này ở Mỹ. Châu Âu đã cố gắng tạo ra một thị trường thống nhất, nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, hành chính và văn hóa vẫn đặt ra những rào cản đối với công việc kinh doanh, như nền tảng thương mại điện tử chẳng hạn. Do quy mô của Ấn Độ chưa thể mang lại lợi ích bởi nước này chưa đủ giàu, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể thực sự cạnh tranh với Mỹ về mặt này. Điều này giải thích sự sôi động của ngành công nghệ tiêu dùng, ít nhất cho đến khi chính phủ chấn chỉnh lại lĩnh vực này.
Quy mô lớn có những lợi thế khác. Chiếm gần 40% diện tích lục địa lớn thứ ba thế giới đồng nghĩa Mỹ được tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên địa chất đa dạng, một số những nguồn tài nguyên này đã được khai thác triệt để. Trong thập kỷ đầu của những năm 2000, Mỹ nhập khẩu ròng hơn 10 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng cùng lúc đó, một cuộc cách mạng đã diễn ra khi các công ty năng lượng hoàn thiện kỹ thuật nứt vỡ thủy lực và khoan ngang để giải phóng nguồn khoáng sản giàu có trong đá phiến rải rác khắp đất nước từ Bắc Dakota đến Texas. Sản xuất dầu khí tăng vọt và Mỹ hiện đáp ứng hầu hết nhu cầu năng lượng cho sản xuất trong nước.
* Cơn gió đang lên
Năm 2020, Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu ròng. Điều này vừa giúp phát triển vừa đa dạng hóa nền kinh tế, tạo thêm khả năng phục hồi mới. Sự bùng nổ về khí đốt thay thế than đá đã làm giảm lượng khí thải nhà kính. Mặc dù có rất ít chính sách khí hậu đáng kể của chính quyền liên bang cho tới gần đây, lượng khí thải CO2 trong công nghiệp của Mỹ thấp hơn 18% so với mức cao nhất giữa những năm 2000. Giờ đây, khi mọi sự chú ý chuyển sang các nguồn tài nguyên phong phú khác như các đồng bằng và bờ biển đầy nắng và gió, Mỹ sẽ đẩy nhanh xu hướng này.
Một yếu tố khiến trình độ và quy mô của người lao động Mỹ trở nên hiệu quả hơn là tính năng động - thuộc tính thường được đề cập đầu tiên bởi những người giải thích sự thành công của kinh tế Mỹ.
Một cuộc khảo sát năm 2013 của Gallup cho thấy khoảng 25% người Mỹ trưởng thành đã chuyển từ một thành phố hoặc khu vực sang một thành phố hoặc khu vực khác ở Mỹ trong 5 năm qua, so với tỷ lệ 10% ở các nước phát triển khác. Mỗi năm, khoảng 5 triệu người di chuyển giữa các bang trên toàn nước Mỹ. Nhà nhân khẩu học tại Viện Brookings, William Frey, phát hiện rằng những người có trình độ học vấn cao nhất chiếm đa số trong số những người di chuyển giữa các tiểu bang, được cho là tìm kiếm những công việc hiệu quả nhất.
Mỹ cũng có thị trường tài chính sâu rộng nhất và có tính thanh khoản cao nhất thế giới, cung cấp các kênh hiệu quả (mặc dù đôi khi không ổn định) để tài trợ cho các doanh nghiệp và phân loại "kẻ thắng người thua". Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 170% GDP so với mức dưới 100% ở hầu hết các quốc gia khác. Tài trợ cho các công ty khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao đặc biệt dồi dào: khoảng một nửa số vốn đầu tư mạo hiểm của thế giới dành cho các công ty ở Mỹ.
Tuy nhiên, khao khát bắt đầu cái mới đã có từ trước khi công nghệ phát triển và vượt ra ngoài lĩnh vực này. Biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 đã thúc đẩy trở lại xu hướng sáng tạo của người Mỹ hơn bao giờ hết: 5,4 triệu doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động vào năm 2021, con số kỷ lục trong 1 năm và tăng 53% so với năm 2019. Nhiều người sẽ không thành công, nhưng những người sáng lập sẽ không bị tác động nặng nề như ở những nước khác. Theo một chỉ số của OECD về chi phí thất bại cá nhân đối với các doanh nhân, Mỹ và Canada luôn ở mức thấp nhất.
Chất lượng quản lý doanh nghiệp là nguồn động lực khác cho kinh tế Mỹ. Kể từ năm 2003, học giả John Van Reenen tại Trường Kinh tế Chính trị London (LSE) và Nicholas Bloom tại Đại học Stanford đã đưa ra tính chặt chẽ trong phân tích đối với các so sánh quốc tế về quản lý thông qua Khảo sát quản lý thế giới, theo đó Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng. Các nhà nghiên cứu tin rằng cạnh tranh khốc liệt là văn hóa doanh nghiệp ở Mỹ. Các ông chủ không ngần ngại sa thải nhân viên (Mỹ có luật bảo vệ nhân viên lỏng lẻo hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác). Thị trường sẵn sàng thưởng cho các công ty có bằng chứng cho thấy họ đang hoạt động tốt. Khảo sát Quản lý thế giới cho thấy năng lực quản lý của Mỹ lý giải cho việc nước này chiếm tới 50% năng suất cao nhất so với các nước phát triển khác.
Khó có thể cân bằng giữa sự giàu có đáng kinh ngạc của Mỹ với những thất bại của nước này trong các lĩnh vực khác. Mỹ có mức phân phối thu nhập (kể cả sau thuế và trợ cấp) bất bình đẳng nhất trong nhóm G7. Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, vốn gia tăng trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, đã được ổn định nhờ thị trường lao động thắt chặt trong hơn một thập kỷ. Những đợt tăng lương gần đây cho những người thu nhập thấp giúp họ bắt đầu bắt kịp tầng lớp trung lưu, song khoảng cách giữa những người lao động có thu nhập cao và trung bình vẫn tồn tại.
* Những khó khăn phía trước
Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự khắc nghiệt của cuộc sống. Trung bình những người Mỹ sinh ra ngày nay có thể sống đến 77 tuổi, ít hơn khoảng 5 năm so với những người đồng trang lứa của họ ở các quốc gia khác có cùng mức độ phát triển. Khoảng cách này đặc biệt rõ đối với người nghèo, những người ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế và đối mặt với bạo lực nhiều hơn. Một số người có thể lập luận rằng sự khắc nghiệt vốn có - là một phần công thức của nước Mỹ - thúc đẩy mọi người cố gắng vươn lên.
Một cách giải thích khác là Mỹ không thiếu tiền cũng như trí tuệ để khiến cuộc sống của người dân tốt hơn nhiều, song họ không chọn làm như vậy, và trả một cái giá kinh tế nhỏ cho sự lựa chọn đó. Học giả Adam Posen thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết: “Kinh tế học không phải là một trò chơi đạo đức. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể thiết kế các chính sách giải quyết bất bình đẳng đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đáng tiếc là chỉ có một số chính sách làm được cả hai điều này. Khắc nghiệt không cản trở sự phát triển của một nền kinh tế”.
Nếu sự khắc nghiệt không cản trở, thì điều gì có thể làm được điều này? Điều gì có thể chứng kiến thành tích kinh tế vượt trội của Mỹ trong nhiều thập kỷ sắp kết thúc? Một khả năng là các quốc gia giàu có khác sẽ làm nhiều hơn để bắt kịp. Châu Âu đã thất bại trong việc sản sinh ra các công ty công nghệ khổng lồ như Mỹ, nhưng các quy định chống độc quyền mạnh mẽ của châu lục đã thúc đẩy một thị trường cạnh tranh hơn, đặc biệt là đối với người tiêu dùng, mặc dù điều này có thể chưa mang lại kết quả. Nhật Bản đã phải vật lộn để thay đổi mô hình kinh tế trì trệ của nước này, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Trung Quốc đang có ý định duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bất chấp những thách thức rõ ràng về cơ cấu. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế thế giới nghiêng về Thái Bình Dương hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cách để Mỹ tự giảm thành công của mình. Lấy nhân khẩu học làm ví dụ. Mặc dù dân số trong độ tuổi lao động của Mỹ tăng cao hơn so với châu Âu trong 30 năm qua, tỷ lệ sinh hiện đã gần bằng mức của châu Âu. Với tỷ lệ sinh thấp hơn, Mỹ cần tỷ lệ nhập cư cao hơn để duy trì lợi thế nhân khẩu học. Tuy nhiên, trào lưu chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng chống lại điều này. Cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng nhưng không thành công trong việc loại bỏ các chương trình thị thực của Mỹ chào đón những người lao động nước ngoài có tay nghề cao và bắt đầu xây dựng một bức tường chặn những người có tay nghề thấp. Ngay cả khi không thắng cử vào năm 2024, ông đã tạo ra tâm lý nghi ngờ và thù địch nhiều hơn đối với người nhập cư. Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên nhiều chính sách biên giới của ông Trump. Chính quyền tại các khu vực biên giới đã trục xuất ít nhất 2 triệu người di cư bất hợp pháp dưới thời ông Biden.
Bước ngoặt xấu trong nền chính trị Mỹ cũng đe dọa những trụ cột thành công khác. Chính quyền các bang có tính phân cực cao đang bắt đầu gây nguy hiểm cho thị trường thống nhất rộng lớn của đất nước, buộc các công ty phải đối mặt với những lựa chọn mới. Ví dụ, Texas đã cấm các công ty tài chính kinh doanh với bang nếu chính quyền bang cho rằng họ không thân thiện với ngành dầu mỏ. Ông Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida và là ứng cử viên tiềm năng cho đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa, đã sử dụng văn phòng của mình để hạ thấp Disney nhằm đáp lại “chương trình nghị sự đánh thức” của công ty. Bang California đang đi theo hướng ngược lại, với một luật mới có thể buộc các công ty dầu mỏ phải hạn chế lợi nhuận.
Trong vài tháng tới, sự đối đầu kéo dài giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể khiến Thượng viện không thể nâng trần nợ của chính phủ liên bang, điều sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ quốc gia, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Mỹ. Nó cũng có thể khiến chi phí tài trợ cho chính phủ cao hơn về lâu dài, là một rủi ro lớn do nợ công tăng mạnh trong đại dịch COVID-19.
Việc chấp nhận toàn cầu hóa là một điều kiện nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn của Mỹ. Tỷ trọng thương mại/GDP tăng trong những năm 1990 và 2000 đã cho thấy rõ điều này. Cạnh tranh nước ngoài đã thúc đẩy các công ty Mỹ hoạt động hiệu quả hơn; các cơ hội ở nước ngoài đã tạo điều kiện lớn hơn cho sự phát triển của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa giờ đây là một từ không được chào đón. Tập trung vào an ninh quốc gia và chính sách công nghiệp đã thay thế.
Lấy ví dụ về chất bán dẫn, mặc dù Mỹ từ lâu đã mất đi vai trò là nhà sản xuất lớn, nhưng nơi đây là "quê hương" của Qualcomm và Nvidia, các công ty thiết kế những con chip phức tạp nhất thế giới. Điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực cho Mỹ, cho phép nước này chiếm được những phân khúc có giá trị cao nhất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Tuy vậy, điều này giờ đây chưa đủ. Chính phủ đã bắt đầu chi hàng tỷ USD để đưa các nhà sản xuất chip đến Mỹ, thực tế là cố gắng thu hút các phần có giá trị thấp hơn của ngành dưới danh nghĩa bảo mật chuỗi cung ứng. Mỹ đang cố gắng làm điều tương tự đối với xe điện, tua-bin gió, sản xuất hydro, và các khác ngành khác, có khả năng chi 2.000 tỷ USD, tương đương gần 10% GDP, để định hình lại nền kinh tế. Đây là những can thiệp mạnh mẽ đi ngược lại lập trường của Mỹ sau những năm 1980. Điều này có thể khiến Mỹ phải trả giả bằng năng suất cũng như tiền của./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bai-hoc-tu-nhung-thanh-tich-cua-nen-kinh-te-cua-my/291264.html