Bài học từ sự bùng phát khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ
Ngân hàng First Republic Bank (FRC) của Mỹ bị chính phủ tiếp quản và trở thành ngân hàng thứ ba phá sản kể từ tháng Ba đến nay, cho thấy khủng hoảng ngành tài chính của Mỹ đang bùng phát trở lại.
Theo báo Liên hợp buổi sáng số ra mới đây, ngân hàng First Republic Bank (FRC) của Mỹ bị chính phủ tiếp quản, trở thành ngân hàng thứ ba của Mỹ phá sản kể từ tháng Ba đến nay. Điều này chứng tỏ khủng hoảng ngành tài chính của Mỹ đang bùng phát trở lại.
Giới truyền thông dẫn nguồn tin thân cận với vụ việc trên nhấn mạnh, cuộc đấu thầu cho phép các ngân hàng khác của Mỹ tiếp quản FCR dưới sự chủ trì của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đã diễn ra vào cuối tuần trước.
Lượng tiền gửi quý I/2023 của FRC giảm hơn 100 tỷ USD, khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh 75%, dẫn đến nguy cơ phá sản. Cuộc khủng hoảng cho thấy những rắc rối của ngành ngân hàng Mỹ vẫn chưa kết thúc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần phải xem xét vấn đề quản lý giám sát yếu kém.
Sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) lần lượt sụp đổ trong vòng 3 ngày vào tháng 3/2023 khiến thị trường hoảng loạn và kích hoạt làn sóng rút tiền, nhưng giới tài chính Mỹ tuyên bố đây chỉ là sự cố riêng lẻ, "sức khỏe" tổng thể của ngành ngân hàng vẫn đảm bảo.
Do cả hai ngân hàng này có liên quan đến việc phục vụ ngành công nghiệp kỹ thuật số và chuỗi khối (blockchain) của Thung lũng Silicon, nên thị trường cho rằng đây chỉ là vấn đề của một lĩnh vực riêng lẻ.
Ngòi nổ dẫn đến khủng hoảng là việc Fed tăng lãi suất khiến tài sản của SVB, vốn nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Mỹ, bị suy giảm. Phố Wall nhân cơ hội này gây áp lực buộc Fed ngừng tăng lãi suất để giúp họ có thể tiếp tục thu nhận được nguồn vốn giá rẻ, đẩy cao giá tài sản cổ phiếu.
Cuộc khủng hoảng hồi tháng Ba đã phơi bày lợi ích tài chính của phố Wall đi ngược với lợi ích của đại chúng. Để ngăn chặn lạm phát, Fed đã khởi động chương trình tăng lãi suất từ đầu năm 2022 và đảo ngược chính sách nới lỏng có định lượng. Điều này đã trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường cổ phiếu.
Do đó, cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng Ba được phố Wall xem là cơ hội để gây sức ép đối với Fed. Đương nhiên, Fed không thể hoàn toàn không có trách nhiệm, mà vấn đề chủ yếu nằm ở lĩnh vực quản lý giám sát.
Thông qua các nhóm vận động hành lang lợi ích, SVB và SB kết hợp với một số công ty công nghệ, thuyết phục thành công Fed nới lỏng quản lý giám sát đối với các ngân hàng nhỏ và vừa của địa phương, không phải trải qua bài kiểm tra sức ép định kỳ của các ngân hàng lớn. Lỗ hổng này đã góp phần làm phát sinh cuộc khủng hoảng.
Fed và FDIC lần lượt công bố báo cáo điều tra sự cố đối với SVB và SB, thừa nhận sự quản lý giám sát yếu kém đối với những ngân hàng này. Fed cam kết sẽ thắt chặt quản lý giám sát đối với ngân hàng, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là nâng cao “tốc độ, cường độ và mức độ linh hoạt của quản lý giám sát”.
Fed cũng chuẩn bị kiểm tra một loạt quy định của các ngân hàng vừa có quy mô tài sản trên 100 tỷ USD, bao gồm kiểm tra sức ép và yêu cầu tính thanh khoản. Cả hai bản báo cáo của Fed và FDIC đều xác định, ban lãnh đạo các ngân hàng phá sản cần phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả của việc ưu tiên tăng trưởng kinh doanh trong khi bỏ qua các rủi ro cơ bản.
Bên cạnh quản lý giám sát yếu kém, công nghệ kỹ thuật số dường như cũng đã đóng vai trò thúc đẩy nhất định trong cuộc khủng hoảng rút tiền gửi của ngân hàng. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ ngày 10/3, SB đã "bốc hơi" khoảng 1/5 lượng tiền gửi.
Do hầu hết khách hàng sau khi nghe tin đồn nguồn tiền của ngân hàng không đủ đã nhanh chóng sử dụng dịch vụ chuyển khoản trực tuyến để rút hết tiền gửi, góp phần đẩy nhanh tình trạng thiếu hụt thanh khoản của ngân hàng.
So với các khách hàng truyền thống đến ngân hàng chen chúc rút tiền, rút tiền trực tuyến chắc chắn là “đòn giáng chí mạng” hơn. Đây có lẽ là hiện tượng mới mà tất cả các ngân hàng trung ương cần phải quan tâm chặt chẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh nhấn mạnh tính tiện lợi của dịch vụ tài chính kỹ thuật số hiện nay.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ tái diễn cho thấy vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với hiện tượng bên ngoài. Việc Fed có thể “mất bò mới lo làm chuồng” hay không có ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Các biện pháp cứu chữa nhanh chóng, mạnh mẽ tất nhiên cần thiết, nhưng liệu Fed có thảo luận lại chính sách tăng lãi suất do khủng hoảng hay không có thể sẽ chi phối nhiều hơn niềm tin và xu thế phát triển của thị trường trong tương lai.
Trong bối cảnh cuộc đọ sức Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, các tiếng nói kêu gọi “phi USD hóa” ngày càng mạnh, nếu Washington không thể khôi phục niềm tin của mọi người đối với sự ổn định tài chính của Mỹ, hậu quả rõ ràng sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế.
Mức độ liên kết cao và sự phức tạp hóa của kinh tế toàn cầu khiến sức ảnh hưởng của ngành tài chính ngày càng lớn. Bất cứ quyết sách liều lĩnh hoặc sai lầm nào của nhà hoạch định nhẹ thì sẽ khiến nhiều người phá sản, nặng thì đủ sức làm đảo lộn cả nền kinh tế, thậm chí làm thay đổi cả vận mệnh đất nước.
Do đó, quyền lực mà những nhà hoạch định chính sách tài chính có được phải gắn liền với nghĩa vụ tương ứng. Rất nhiều ngành nghề như luật sư, bác sĩ, kế toán, giám sát xây dựng… đều có những quy tắc ứng xử chuyên nghiệp nghiêm ngặt, yêu cầu những người hành nghề thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, đồng thời xử phạt nghiêm những ai vi phạm.
Hậu quả từ sai lầm của những người hành nghề trên lĩnh vực tài chính càng nghiêm trọng hơn, song hiện nay chưa có những yêu cầu chuyên nghiệp tương ứng. Ngân hàng trung ương các nước cần phải xem xét nghiêm túc việc xây dựng quy tắc ứng xử chuyên nghiệp khắt khe đối với các nhà điều hành ngành tài chính để ngăn chặn hành vi tìm cách tối đa hóa lợi nhuận một cách mù quáng mà xem nhẹ rủi ro của họ./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bai-hoc-tu-su-bung-phat-khung-hoang-nganh-ngan-hang-my/289941.html